Báo Công An Đà Nẵng

Thầm lặng mà cao cả!

Thứ ba, 10/10/2017 10:28

Ai từng ghé thăm Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng tỉnh QN-ĐN (cũ), nay là TP Đà Nẵng những năm đầu thành lập (1985), sẽ cảm nhận được sự thay đổi của Trung tâm hôm nay. Những ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng giờ được xây mới với 2 khu nhà 2 tầng, diện tích sử dụng 2.500 m2, phòng ở, phòng sinh hoạt chung... khang trang, thiết kế hiện đại, đẹp mắt! Trong khuôn viên thoáng mát của một chiều giữa thu, ngồi nghe các cụ kể chuyện xưa rồi tấm tắc khen đội ngũ cán bộ, công nhân viên nơi đây chăm sóc tận tình, chu đáo, chợt thấy lòng ấm lạ!

Các cụ ở Trung tâm Phụng dưỡng người có công TP Đà Nẵng hóng mát
trong khuôn viên khang trang, hiện đại.

Mấy cô chú ở đây chăm sóc tận tình lắm!

Ở tuổi 81 nhưng cụ bà Trương Thị Ngự quê Điện Bàn (Quảng Nam) vẫn minh mẫn khi kể chuyện trong chiến tranh từng 4 lần bị địch bắt bỏ tù. Trải qua nhiều đòn tra tấn dã man, kẻ thù đã cướp đi thiên chức làm mẹ của bà. Hòa bình lập lại, bà công tác tại Hội LHPN tỉnh QN- ĐN, đến năm 1990 thì nghỉ hưu. Cuộc sống riêng tư của bà cũng lắm nỗi niềm. Bà từng "góp gạo thổi cơm chung" với anh chồng của người mai mối. Sau một thời gian chung sống, do không hợp với con riêng của  chồng, bà lặng lẽ về sống tại khu tập thể Hội LHPN tỉnh QN-ĐN nhưng mỗi khi ông bệnh, bà lại về chăm sóc... Khi khu tập thể bị thu lại để làm trường mẫu giáo, bà về quê dựng căn nhà nhỏ, lấy nghề bán thuốc rê vui thú tuổi già. Là thương binh 3/4 với đủ loại bệnh trong người, mỗi khi trái gió trở trời bà lại lên cơn đau đớn, vật vã. Năm 2015, một lần vào thăm, thấy bà già yếu bệnh tật lại ở một mình, vợ chồng người mai mối nhất quyết đưa bà ra Trung tâm Phụng dưỡng người có công TP Đà Nẵng để có người chăm sóc lúc xế chiều... "Nói thiệt chớ ở nhà mình chưa chắc sạch sẽ, đẹp đẽ như ở đây đâu. Mấy cô hộ lý dọn vệ sinh, lau chùi hàng ngày. Cụ nào không tự phục vụ được thì được các hộ lý, y tá chăm sóc từ khâu tắm, giặt đến bón cơm, cháo, sữa. Đau ốm đã có y tá chăm sóc kịp thời; bệnh nặng thì được chuyển qua Bệnh viện C điều trị. Hồi còn ở ngoài một mình, lúc đau ốm khổ lắm!"-bà Ngự vui vẻ cho biết.

Bà Võ Thị Hải (65 tuổi, người có công được tặng thưởng huân huy chương kháng chiến), quê Thủy Châu (Hương Thủy, TT-Huế), tạm trú P.Chính Gián (Q.Thanh Khê, Đà Nẵng), mới vào Trung tâm cuối năm 2016, tấm tắc khen cung cách chăm sóc phục vụ nơi đây: "Trước tết,  hai chị em bà Cắt, bà Nhạn (tù đày trong kháng chiến) được cháu chắt đưa vô đây trong tình trạng sức khỏe rất yếu, có cả người phục vụ đi theo. Được Trung tâm tận tình chăm sóc, giờ đã khỏe lại rồi đó. Nghe nói, thương hai bà không có chồng con, cháu chắt xin đưa về nhà phụng dưỡng, thuê hẳn hai người chăm sóc nhưng vẫn không được như ở đây. Như tui đây nè, từ khi vô đây, sức khỏe khá hẳn lên. Trước kia ở một mình, lúc ốm đau khổ lắm! Mấy cô chú ở đây chăm sóc rất tận tình, chu đáo!"...

Buổi ăn chiều của các cụ ở Trung tâm Phụng dưỡng người có công.     Ảnh: P.T

"Đấy là trách nhiệm của chúng tôi"!

Trò chuyện với chị Đặng Thị Hồng (50 tuổi), quê Tiên Phước (Quảng Nam), hộ lý tại Trung tâm về tâm sự của các cụ,  chị cười khiêm tốn: "Đó là trách nhiệm, bổn phận của chúng tôi. So với những đau thương, mất mát và sự cống hiến tuổi thanh xuân của các cụ, các bác để có độc lập hôm nay thì công sức của chúng tôi có thấm tháp gì đâu". Cha hy sinh trong chiến tranh, mẹ mất khi mới 8 tuổi, hai chị em chị Hồng được người thân nhận về nuôi, sau giải phóng được Nhà nước quan tâm cho đi học. Hơn ai hết, chị thấu hiểu được nỗi đau, sự mất mát do chiến tranh gây ra với nhiều người, trong đó có gia đình mình. Vì thế, khi vào đây công tác, chị tâm nguyện phải cố gắng chăm sóc, phục vụ các cụ như ông bà, cha mẹ mình. "Mỗi lần chứng kiến các cụ, các bác bị bệnh (di chứng bị địch tra tấn) lên cơn đau la hét..., tôi thương không chịu được. Xúc động và thương cảm nhất là mỗi lần chứng kiến, đưa tiễn các cụ qua đời"- chị Hồng nghẹn ngào ...Y tá Trần Thị Huyền (1991) cho biết, ngoài việc thường xuyên theo dõi sức khỏe hằng ngày, nhân viên y tế còn  hướng dẫn các cụ tập thể dục; thứ 2-4-6 dẫn các cụ đi tắm nắng... Hàng tháng, các cụ được Trung tâm đưa sang khám định kỳ tại Bệnh viện C. Cụ nào nhập viện thì Trung tâm cử  hộ lý, y tá đi theo, túc trực chăm sóc... Từ 11 nhân viên những ngày đầu thành lập, nhận phụng dưỡng 25 cụ được chuyển từ Trại Thương binh nặng Hội An về, đến nay, nhân sự của Trung tâm có 30 người, trong đó có  10 hộ lý, 4 nhân viên y tế, 4 cấp dưỡng, còn lại là cán bộ quản lý và nhân viên hành chính. Trung tâm hiện chăm sóc phụng dưỡng 57 người có công cách mạng,  phần lớn neo đơn, quê Đà Nẵng, Quảng Nam, vài người ở Quảng Ngãi, Huế. Chế độ ăn uống của các cụ không ngừng được cải thiện, từ kinh phí 800.000 đồng/người/tháng lên 1.200.000 đồng/người/tháng (từ tháng 1-2016 đến nay) do TP hỗ trợ. Riêng chế độ ăn sáng được trích từ tiền quỹ do các tổ chức, cá nhân thăm, tặng. Ngoài nhiệm vụ phụng dưỡng thường xuyên, Trung tâm còn đảm nhận nhiệm vụ điều dưỡng luân phiên người có công cách mạng, mỗi đợt khoảng 50 người. Riêng năm 2016, Trung tâm tiếp nhận điều dưỡng luân phiên 1.200 người, mỗi đợt 50 cụ. Năm 2017 điều dưỡng liên kết với các tỉnh Vĩnh Long, Phú Yên, Khánh Hòa hơn 500 lượt người. Những lúc có điều dưỡng luân phiên, Trung tâm phải hợp đồng thêm cấp dưỡng thời vụ mới đảm bảo cho việc phục vụ...

Những công việc mà cán bộ, công nhân viên Trung tâm Phụng dưỡng người có công cách mạng TP Đà Nẵng đang làm tuy thầm lặng nhưng rất đỗi cao đẹp. Bằng sự tận tình, chu đáo, họ đang góp phần cùng thế hệ hôm nay tri ân, "uống nước nhớ nguồn" với những cống hiến của thế hệ đi trước...

P.THỦY