Thầm lặng mà tỏa sáng
(Cadn.com.vn) - 70 năm Ngày Truyền thống ngành Tình báo Quốc phòng (25-10-1945 - 25-10-2015), cũng là dịp quân và dân cả nước vinh danh những người làm công tác thầm lặng nhưng có ý nghĩa quan trọng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN và làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả.
Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Quân khu 5 với cán bộ phòng Quân báo, Tác chiến xây dựng phương án hợp đồng quân binh chủng tại diễn tập HĐ-11 (2011). |
Cùng với Tình báo Quốc phòng, lực lượng Quân báo -Trinh sát (QB-TS) Quân khu 5 trong suốt hai cuộc kháng chiến đã phát huy truyền thống của ngành "Trung dũng kiên cường, độc lập sáng tạo, bí mật khôn khéo, đoàn kết quyết thắng", chủ động tích cực nắm địch và thực hiện các kế hoạch đặc biệt trên giao, phục vụ hiệu quả cho Đảng, Nhà nước và Quân đội đánh thắng chiến tranh xâm lược của kẻ thù; làm thất bại các kế hoạch hậu chiến, chiến tranh phá hoại nhiều mặt, kế hoạch hoạt động phá hoại của tàn quân ngụy, mạng lưới tình báo của Mỹ- ngụy cài cắm lại sau giải phóng; nắm địch để phục vụ tốt cho các chiến dịch truy quét FULRO... Đặc biệt trong chiến tranh biên giới Tây Nam, lực lượng QB-TS đã cung cấp nhiều tin tức quan trọng, phục vụ cho cấp trên chỉ đạo tác chiến; đóng góp quan trọng giúp cách mạng Campuchia giành thắng lợi.
Do đặc thù của ngành, chiến công của người lính Quân báo ít được tuyên truyền; những vất vả nhọc nhằn và cả sự hy sinh cuộc sống riêng tư của họ cũng chỉ được cấp trên trực tiếp biết. Sáng thứ hai hàng tuần, đã thành thông lệ, Trưởng phòng Quân báo phải tổng hợp tình hình báo cáo trước giao ban Quân khu. Để có mấy trang nhận định "địch, ta" tham mưu Bộ Tư lệnh có các phương án, lịch trình chỉ đạo hoạt động đối nội, đối ngoại, cán bộ của Phòng làm việc cả hai ngày nghỉ. Các căn phòng của họ, ánh đèn luôn hắt bóng. Những mái đầu chụm lại bên bản đồ, sơ đồ. Cây bút đỏ dịch chuyển trên từng tọa độ. Các nguồn tin thu thập được nhận định, phân tích và xử lý nhanh chóng. Gương mặt ai nấy nghiêm trang cứ như sắp ra trận. Ngoài các công việc của một người lính trong thời bình, họ còn phải làm việc như một người lính trong thời chiến. Đâu đó giữa thành phố ồn ã hay những vùng nông thôn tĩnh mịch, luôn có những "tai, mắt" của ngành. Gác gia đình qua một bên, họ ăn, ngủ cùng tin tức; mẫn cán, tận tụy với nhiệm vụ của mình. Khác với trước, trận địa rõ ràng, ngày nay thời bình, trận địa giữa địch và ta mơ hồ, không giới tuyến; hoạt động của người lính QB-TS phải có bản lĩnh kiên cường và cả sự đấu trí với đối phương. Ngành đã từng bước xây dựng thế trận QB-TS vững chắc, hiểm hóc và linh hoạt; tổ chức nắm địch khoa học, bài bản và chuyên nghiệp; phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của từng phương thức, lực lượng, gắn chặt giữa truyền thống và hiện đại... Không phải ngẫu nhiên mà ngành QB-TS Quân khu 5 được Tổng cục II đánh giá nhiều năm liền dẫn đầu về lượng tin tức thu thập so với toàn quân.
Các phòng ban khác, công việc có thể dịch chuyển, với cán bộ, nhân viên ngành quân báo, hầu như sống chết với nghề, chấp nhận thiệt thòi như một sự đương nhiên. Cũng chính vì thế buộc họ phải tinh thông nghiệp vụ và có kỹ năng sống phục vụ chuyên môn. Đâu chỉ thông thạo địa hình, tác chiến, điều tra, cập nhật vũ khí trang bị..., người lính quân báo còn phải hiểu biết rành rẽ các mối quan hệ xã hội. Một sự sơ sẩy do thiếu kiến thức và bất cẩn có khi phải trả bằng cái giá rất đắt. Không huân, huy chương lấp lánh trong các dịp lễ lạt; không quân phục chính quy lẽ ra được mặc, nhiều cán bộ, nhân viên của ngành không công khai nhận khen thưởng, vinh danh; xác định đương đầu với mọi bất trắc, can trường trong mọi tình huống, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, quyết giữ vững vị trí chiến đấu đặc thù mà tổ chức giao.
Niềm vui các CCB ngành quân báo- trinh sát trong ngày gặp mặt (2015). |
Có lẽ đặc thù nghề nghiệp đã "ăn" vào máu thịt nên chất lính QB-TS không lẫn vào đâu. Mừng vui tột độ mà không quá rộn rã; ồ ạt mà nhẹ nhàng, đằm sâu…, đó hình ảnh của hơn 350 cựu chiến binh của ngành từ mọi miền đất nước về Đà Nẵng gặp mặt trước thềm kỷ niệm 70 năm ngày Tình báo Quốc phòng, 2015. Các ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Nguyễn Trường Kháng, Phạm Công Nhượng tuổi đã trên 80, kể về một thời ngành QB-TS trong chiến tranh. Cái thời mà một chiến sĩ trinh sát ngã xuống là mất một nửa quân số (do biên chế ít). Nhiều anh hy sinh đến nay chưa lấy lại tên mình. Những tấm gương dũng cảm và mưu trí của cán bộ QB-TS Quân khu 5 đã được Nhà nước đánh giá, ghi nhận đặc biệt. 6 đơn vị và 12 cá nhân được tuyên dương Anh hùng LLVTND.
Đại tá Nguyễn Văn Ngọc, nguyên Trưởng phòng Quân báo, dù đôi chân đã yếu vẫn chống gậy đến dự ngày vui. Ông kể chi tiết thú vị: "Tôi đi học tình báo chiến dịch năm 1979 ở nước Nga, khóa đầu tiên. Học nhiều lắm, về tất cả các ngành. Các thầy luôn nói, người sĩ quan quân báo phải có kiến thức toàn diện để có thể nắm địch giỏi nhất và biết về quân mình rõ nhất. Không có gì lạ khi ở Liên Xô thời đó, ngành quân báo được coi trọng đặc biệt, Trưởng phòng quân báo được xem như Phó tư lệnh...". Đại tá Anh hùng LLVT Nguyễn Đức Chuyển, nguyên Phó phòng Quân báo Quân khu vẫn khiêm nhường dù mỗi khi ông nói luôn thu hút người đối diện. Câu chuyện khi làm đại đội trưởng trinh sát ở Sư đoàn 2, năm 1971, ông cùng đơn vị đánh vào Pắk-xế (Lào), cứu sống một tên lính Thái Lan bị thương trong hàng ngũ của ngụy Lào được nhiều người biết đến. Cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa anh này khi đã là Thiếu tướng quân đội Hoàng gia Thái Lan với ân nhân năm xưa qua 40 năm như một minh chứng sinh động về lòng nhân ái của Bộ đội Cụ Hồ...
Những mái đầu bạc trìu mến bên các gương mặt trẻ, truyền kinh nghiệm và cả niềm cảm hứng cho thế hệ đi sau. Tự hào về 70 năm truyền thống của ngành Tình báo Quốc phòng, những người lính QB-TS Quân khu 5 tiếp tục hành trình thầm lặng mà vinh quang của mình, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập và chủ quyền Tổ quốc Việt Nam thân yêu.
Bài, ảnh: Hồng Vân