Báo Công An Đà Nẵng

Thắm mãi tình hữu nghị Việt-Lào

Thứ bảy, 25/10/2014 10:06

(Cadn.com.vn) - Trong không khí chan hòa tình hữu nghị và đoàn kết, ngày 24-10,  Hội hữu nghị Việt –Lào TP Đà Nẵng, Chi hội Ban liên lạc cựu quân nhân, chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào tại TP Đà Nẵng đã tổ chức buổi gặp mặt giao lưu các cựu chiến binh, chuyên gia quân sự Việt Nam giúp cách mạng Lào.

Với phương châm “giúp bạn là giúp mình” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, năm 1949, nhằm mở rộng cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trên toàn Đông Dương,  Đảng Cộng sản Đông Dương đã chủ trương “mở rộng mặt trận Lào, Campuchia” để chi viện giúp cách mạng Lào. Ngày 30-10-1949, Bộ Chính trị quyết định tổ chức một bộ phận lực lượng vũ trang lấy tên là quân tình nguyện, chuyên gia quân sự giúp cách mạng Lào. Trong đó, Quân khu 5 là đơn vị đóng vai trò chủ chốt, giúp bạn xây dựng lực lượng và đấu tranh vũ trang, chủ động tiến công địch trên chiến trường Bắc, Trung, Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia.

Tháng 2-1949, Hoàng thân Xupha Nuvông cử đồng chí Khăm tày xi phan đon (sau này là Chủ tịch Đảng Nhân dân cách mạng Lào, Chủ tịch nước CHDCND Lào) và đồng chí Xi thôn com ma đăm- Tổng Chỉ huy Quân khu Hạ Lào vượt Trường Sơn sang Việt Nam trao công hàm đề nghị Chính phủ Việt Nam giúp đỡ Lào thành lập Khu kháng chiến Hạ Lào.

Nội dung được thỏa thuận hai bên theo điều khoản: Việt Nam giải thể Khu đặc biệt và thành lập phái đoàn Ủy ban kháng chiến-hành chính miền Nam Trung Bộ bên cạnh Khu Hạ Lào để giúp đỡ bạn. Các xã Tam Dân, Tam Vinh, huyện Phú Ninh, Quảng Nam được chọn làm hậu cứ, căn cứ đứng chân với nhiệm vụ là hậu phương viện trợ vũ khí, quân trang, quân dụng, huấn luyện bộ đội, cung cấp chuyên gia quân sự giúp đỡ các đơn vị quân đội Việt Nam và Lào hoạt động trên chiến trường Hạ Lào- Đông bắc Campuchia...

Các bạn lưu học sinh Lào tại Đà Nẵng biểu diễn văn nghệ chào mừng
buổi gặp mặt CCB quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam trên đất Lào.

Chỉ sau một thời gian ngắn, căn cứ cách mạng  đã nối liền các tỉnh Đông Bắc Campuchia với Hạ Lào và Tây Nguyên (Việt Nam) tạo thành một hành lang an toàn. Quân  dân Nam Trung Bộ đã tích cực phối hợp  với chiến trường nước bạn, đẩy mạnh cuộc kháng chiến, giải phóng nhiều vùng đất đai trên khu vực Hạ Lào và Đông Bắc Campuchia, góp phần giành thắng lợi quyết định,  buộc thực dân Pháp phải ký hiệp định Genève về Đông Dương, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, công nhận độc lập chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ trên 3 nước Việt Nam- Lào-Campuchia.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, nhân dân và các lực lượng vũ trang hai nước Việt –Lào đã tạo điều kiện, hỗ trợ lẫn nhau về mọi mặt, xây dựng và bảo vệ tuyến hành lang, đường Hồ Chí Minh, góp phần đưa cuộc kháng chiến hai nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Tại buổi gặp mặt giao lưu thắm tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai nước Việt-Lào, biết bao những kỷ niệm của nhiều đồng chí cựu chiến binh, chuyên gia quân sự đã từng công tác, chiến đấu trên đất bạn Lào lại ùa về với những tình cảm gắn bó keo sơn sâu sắc nhất. Ông Hồ Minh Thân, nguyên trung tá bác sĩ, Phó trưởng Ban liên lạc cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào tại Đà Nẵng, vốn là một Việt kiều sinh ra trên đất Lào, tham gia quân tình nguyện... nhớ mãi kỷ niệm sâu sắc.

Năm 1966, ông cùng một y tá Lào đã cấp cứu một bệnh nhân bị thương rất nặng, song người bệnh nhân đó lại là vợ của địch. Tuy nhiên, với đạo lý của một người thầy thuốc, ông đã tận tình cứu chữa cho bệnh nhân đó, đồng thời làm công tác tuyên truyền giác ngộ. Cảm phục tấm lòng bao dung của người thầy thuốc Việt Nam, bệnh nhân ấy đã trở  thành cơ sở cách mạng, giúp ta phá nhiều ổ nhóm phản động, diệt nhiều tên địch ác ôn...

Bác Nguyễn Đắc Chuyển, Đại tá, AHLLVT, hiện là Tổ trưởng cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam tại P. Hòa Thuận Tây (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) người đã từng có hơn 20 năm chiến đấu, công tác tại nước bạn Lào lại có kỷ niệm đặc biệt. Trong một trận đánh giải phóng cao nguyên Boloven trên đất Hạ Lào vào cuối năm 1970, ông nhận nhiệm vụ chỉ huy một đại đội trinh sát. Sau khi tiêu diệt được mục tiêu địch, cùng đồng đội dẫn giải tù binh và thu chiến lợi phẩm, ông phát hiện một tù binh to béo bị thương nặng, máu chảy đầm đìa, chắp tay cầu cứu.  Ông liền lấy nước cho anh ta uống, băng bó vết thương ở bụng và đùi cho người tù binh. Người tù binh thoát chết, được trả về đơn vị...

Không ngờ 40 năm sau, tháng 6-2011, trong chuyến cùng các cựu chiến binh quân tình nguyện thăm lại chiến trường Lào, khi vào một ngôi chùa  tham quan, một người đến ôm choàng lấy ông rồi reo lên: "Đây là ân nhân của tôi, người đã băng bó cấp cứu vết thương cho tôi và không bắt tôi...”.  Thì ra người tù binh đó là một Trung tướng cựu chiến binh Thái Lan, đã tham chiến ở Lào, suốt nhiều năm qua, ông đã sang Lào để tìm ân nhân cứu mạng ông độ ấy, đến nay mới gặp. Năm 2013, ông Chuyển có dịp sang Thái Lan, được người tù binh năm xưa đón tiếp rất nồng hậu, thân mật...

65 năm qua, tình hữu nghị Việt-Lào  không chỉ được tô thắm bằng xương máu của quân và dân hai nước, mà còn là sự gắn kết, không ngừng hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiếp tục bảo vệ độc lập chủ quyền đất nước, xây dựng phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội, đúng như câu nói của Bác Hồ kính yêu: “Việt-Lào hai nước chúng ta.Tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long” và Chủ tịch Cay xỏn Phôn vi hản đã khẳng định: “Núi có thể mòn. Sông có thể cạn. Song tình nghĩa Lào-Việt Nam sẽ mãi mãi vững bền, hơn núi hơn sông...”.

Hồng Thanh