Báo Công An Đà Nẵng

Thảm sát rừng nguyên sinh (Kỳ cuối: Dư luận xôn xao trước trang trại "khủng" trái phép?)

Thứ năm, 25/04/2019 13:25

Cũng tại xã Cà Dy, thời gian gần đây dư luận xôn xao việc một trang trại với diện tích hơn 30ha (thuộc địa bàn thôn Rô) đã được chuyển mục đích sang rừng sản xuất. Tại đây, chủ trang trại đã cho xây dựng con đường bê-tông dài hơn 3km, cùng với đó là hệ thống nhà cửa, ao hồ xây bằng bê-tông kiên cố... Trong khi khu vực này chưa được phép chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp. Đặc biệt, dư luận địa phương cho rằng ông chủ trang trại “khủng” đó là một lãnh đạo H. Nam Giang.



Đường vào khu trang trại “khủng” được rào kiên cố.

Theo người dân địa phương cho biết, sau khi chuyển đổi được mục đích từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất, từ đầu năm 2018 đến nay, chủ trang trại trên đã cho tiến hành mở đường, xây dựng trang trại với quy mô lớn. “Ngoài việc mở đường, họ còn đào nhiều ao, xây dựng bờ kè bằng bê-tông cốt thép, dựng những ngôi nhà kiên cố. Trang trại trên có nhiều phân khu, được bảo vệ nghiêm ngặt không cho người lạ vào. Thường cuối tuần có một lãnh đạo huyện được cho là chủ của trang trại này đến kiểm tra tiến độ thi công”, anh H., một người dân ở H. Nam Giang tiết lộ.

Để mục sở thị trang trại “khủng” trên, chúng tôi đã tìm cách tiếp cận. Qua một lớp cổng nằm sát đường mòn Hồ Chí Minh, chúng tôi dễ dàng chạy xe máy vào bên trong vì cổng lúc này vừa có xe chở vật liệu vào nên chưa kịp khóa lại. Tuy nhiên mới vào khoảng vài trăm mét, có 2 người một nam một nữ yêu cầu chúng tôi dừng lại. Thấy chúng tôi vẫn cho xe chạy, đôi nam nữ này liền dùng xe máy đuổi theo. Chạy được một đoạn, chúng tôi gặp tiếp một lớp cửa rào bằng lưới B40 kiên cố chắn ngang đường.

“Mấy anh đi đâu vào đây?”, người đàn ông lớn tiếng hỏi. Chúng tôi nói rằng thấy trang trại lớn nên muốn vào xem cho biết và muốn được tiếp tục vào bên trong để tham quan. Tuy nhiên, người đó nói bên trong không có gì hết và yêu cầu chúng tôi nhanh chóng đi ra.

Lúc này, qua quan sát chúng tôi nhìn thấy nhiều ao cá được đầu tư xây dựng rất kiên cố. Những bờ kè cũng được xây dựng bằng bê-tông chắc chắn nhằm chống sạt lở. Cạnh đó là một ngôi nhà bằng gỗ kiên cố, nhà vệ sinh xây bằng gạch, phía trước nhiều phách gỗ được tập kết để phục vụ cho việc xây dựng. Đường bê-tông rộng hơn 3m ô-tô có thể chạy vi vu… Thấy chúng tôi nấn ná lâu, người đàn ông hối thúc bảo ra. Nhìn thấy phía trước cánh cổng thứ 2 chắn ngang đường đã bị khóa chặt, chúng tôi đành chạy xe máy trở ra dưới sự “hộ tống” của người đàn ông này.

Theo người dân địa phương cho biết, để xây dựng khu trạng trại quy mô lớn trên, chủ của nó đã huy động một số công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn huyện như: Cty T.T, Cty T.L, Cty P.T… Mỗi Cty trên đảm nhận những nhiệm vụ riêng như san lấp mặt bằng, cung cấp cát, sỏi, gạch, nhân lực thi công…

Còn một vị cán bộ trên địa bàn H. Nam Giang tâm sự: “Tôi nghĩ không ra, tầm một người lãnh đạo như vậy tại sao lại đi làm những việc như thế. Không biết mục đích xây dựng của ổng như vậy để làm gì!”.



Cơ sở hạ tầng trong khu trang trại được xây dựng kiên cố.

Trước sự việc trên, trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng về vấn đề này, ông A Lăng Mai- Chủ tịch UBND H. Nam Giang, người được dư luận cho là chủ nhân trang trại “khủng” nói trên, cho biết: “Chỗ đó không phải của mình đâu. Tại người dân thấy mình hay lên đó chơi nên nghĩ vậy chứ không phải của mình, của mấy người dân đó. Khu đó cũng chỉ mới làm con đường bê-tông thôi chứ cũng chưa xây dựng chi nhiều hết”.

Trong khi đó, ngày 17-4 chúng tôi có buổi làm việc với ông Nguyễn Công Bình- Trưởng phòng TN&MT H. Nam Giang, ông Bình cho rằng, toàn bộ diện tích trang trại trên đã chuyển sang đất sản xuất. Đối với các cơ sở hạ tầng đã được xây dựng, ông Bình cho biết chủ trang trại là một người có tên Lê Phước Doanh đang trong quá trình xin chuyển đổi mục đích.

“Theo quy định, muốn xây dựng công trình kiến trúc trên diện tích đất đó thì phải chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp mới xây dựng được. Tuy nhiên, vì trang trại nên cũng tạo điều kiện cho họ xây dựng để phục vụ cho việc chăn nuôi”, ông Bình lý giải.

Thiết nghĩ, qua những gì chúng tôi tìm hiểu, có thể thấy việc xây dựng các công trình trên đất rừng sản xuất chưa được chuyển đổi mục đích như trên là trái với quy định của pháp luật. Đặc biệt, có hay không người dân cho rằng chủ trang trại “tai tiếng” trên là của vị Chủ tịch UBND H. Nam Giang, nên địa phương mới ưu ái cho xây dựng như vậy? Câu hỏi trên của dư luận xin nhường lại cho các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam!

BÃO BÌNH - LÊ VƯƠNG