Báo Công An Đà Nẵng

Thăm thế giới tàu đắm

Thứ tư, 05/02/2020 22:10

Một con tàu chứa đầy cổ vật, không gian trưng bày cổ vật từ 9 con tàu đắm trên vùng biển Việt Nam, một kho báu dưới lòng đất... đó là không gian chứa đầy cổ vật tại Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi được mở cửa từ ngày 15-1 đến nay.

Cổ vật đặt dưới nền phòng trưng bày mô phỏng khoang tàu. 

Cánh cửa dày tại ngôi nhà có hình dáng khá kỳ dị bật mở. Không khí mát lạnh tỏa ra từ những căn phòng được xây dựng mô phỏng theo thiết kế của tháp Chăm. Căn phòng đầu tiên của trung tâm này là hàng ngàn bát men sứ các loại được khai quật từ con tàu cổ Bình Châu (xã Bình Châu, H. Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) vào năm 2013. Con tàu này chìm sát bờ và có chiều dài 20,5 mét, 13 khoang tàu chứa cổ vật gốm sứ hoa lam thời Nguyên, niên đại thế kỷ thứ XIII-XIV. Ngắm cổ vật và nhớ đến lời nhận xét của Giáo sư Mark Starnifoth thuộc Đại học Monash của Australia, chuyên gia hàng đầu về khảo cổ dưới nước từng xem hình ảnh về con tàu này và nhận định về tuyến đường hàng hải dọc ven biển Việt Nam đã tồn tại hàng ngàn năm.

9 con tàu đắm ở dọc vùng biển Việt Nam và được khai quật từ năm 1990 được đưa về trung tâm và có những cổ vật khá độc đáo, đó là chiếc đĩa men sứ có vẽ hình trạng nguyên vinh quy bái tổ. Chiếc đĩa này được đặt tại vị trí trang trọng, góp phần giới thiệu về truyền thống hiếu học của cha ông. Chiếc đĩa men xanh có vẽ hình 5 con rồng, là loại bát đĩa dành cho vua quan phong kiến, trước một căn phòng đặt một thanh xỏ và nẹp của 1 chiếc tàu cổ có niên đại khoảng 700 năm, hàng trăm chiếc bình tỳ bà, bình rót ngược, ấm quả đào... Nhìn những hình ảnh chạm khắc, những cổ vật thì có thể hình dung được phần nào cuộc sống của người xưa.

Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi xây dựng trong khuôn viên Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi với diện tích gần 5.000m2, nhìn toàn cảnh trông giống như một thành cổ và được thiết kế dựa trên ý tưởng linga, yoni (hình ảnh đại diện cho thần Siva, sự sinh sôi và phát triển, thường được thờ trong các tháp Chăm). Để công trình này có thể lưu giữ 64.000 cổ vật, công trình được thiết kế kiên cố, tường xây gạch nung dày 60cm, hệ thống kết cấu và móng đảm bảo cho công trình có tuổi thọ trên 50 năm.

Tái hiện hình ảnh con tàu đắm được phát lộ.

Đây là công trình được thực hiện theo mô hình xã hội hóa hệ thống bảo tàng để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Quảng Ngãi là địa phương chưa thu hút mạnh lượng khách du lịch nước ngoài như 2 người "hàng xóm" là TP Đà Nẵng và Quảng Nam. Vậy thì làm sao có thể hút được các du khách nước ngoài vốn rất thích những bảo tàng có những cổ vật mang tính chuyên đề và có niên đại vài trăm năm? Đó là tỉnh Quảng Ngãi đang trình hồ sơ Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh lên UNESCO xét để được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Vậy điểm đến đầu tiên của du khách trước khi khám phá không gian bao la của Công viên địa chất Lý Sơn- Sa Huỳnh là tại Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi.

Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi có cái tên khá dài, vì trung tâm này ngoài việc triển lãm và trưng bày cổ vật, còn hướng đến tái hiện lại một phần các hoạt động văn hóa truyền thống của Quảng Ngãi xưa trong khu vực thành cổ Cẩm Thành; phục dựng, tái tạo các hoạt động văn hóa truyền thống, vừa là nơi vui chơi, giải trí có tính chất hướng nghiệp cho thế hệ trẻ, lồng ghép với các dịch vụ văn hóa khác nhằm biến vị trí này thành một điểm đến về văn hóa để phục vụ du khách trong và ngoài nước.

Nếu đến Trung tâm phát huy giá trị di sản văn hóa đa năng Quảng Ngãi và dừng chân chỉ 60 phút thì không thể nào thưởng ngoạn hết được kho cổ vật 64.000 hiện vật trên mặt sàn gần 5.000m2. Đây chính là sức hút để ai từng một lần đến thì vẫn có cảm giác muốn quay trở lại để đắm chìm vào thế giới cổ xưa. Và từ kho cổ vật này khiến chúng ta kinh ngạc, vì 700 năm trước, các bậc tiền nhân đã đóng được những chiếc tàu gỗ dài 20 mét (tàu cá lớn hiện nay dài 19-23 mét) để xuôi ngược trên biển Đông.

LÊ VĂN CHƯƠNG