Báo Công An Đà Nẵng

Thẩm tra Dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi)

Thứ ba, 16/09/2014 06:36

(Cadn.com.vn) - Ngày 15-9 tại TPHCM, Ủy ban Pháp luật Quốc hội đã tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ 17, để thẩm tra một số báo cáo, dự án luật nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII và phiên họp tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Phiên họp lần này, Ủy ban Pháp luật sẽ thẩm tra, cho ý kiến về các dự án: Bộ luật Dân sự (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi); Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2014.

Do tính chất quan trọng của dự thảo Bộ luật Dân sự, Ủy ban Pháp luật đã dành cả ngày 15-9 để thảo luận, cho ý kiến về Dự án này. So với dự thảo được Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước đây thì dự thảo lần này được bổ sung thêm 10 điều, sửa đổi 17 điều, tập trung vào các vấn đề như: phạm vi điều chỉnh, nguyên tắc cơ bản; pháp nhân; quyền tài sản; hình thức sở hữu; trái quyền và trách nhiệm dân sự trong trái quyền; hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất... Tại buổi thẩm tra, các đại biểu còn nhiều ý kiến trái chiều về các vấn đề hình thức sở hữu; các loại pháp nhân; tài sản cầm cố, thế chấp; áp dụng tập quán và quy định tương tự...

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: Đây là Bộ luật lớn, còn rất nhiều ý kiến tranh luận khác nhau. Do đó, Ban soạn thảo cần trình bày với Ủy ban Thường vụ Quốc hội những vấn đề lớn, mang tính nguyên tắc.

Trong đó, cần phải nêu rõ những điểm mới, sửa đổi những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn đời sống xã hội, nhất là những vấn đề tồn tại trong các tranh chấp dân sự hiện nay. Đồng thời, cần dự báo trước tình hình, đưa vào Bộ luật những điểm phù hợp để có tính bền vững. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, tất cả những phần sửa đổi, bổ sung (hoặc những điều loại bỏ) cần phải nêu lý do rõ ràng, đầy đủ, mang tính thuyết phục.

Về lộ trình Dự án, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nên trình ra Quốc hội tại 3 kỳ họp để lấy ý kiến rộng rãi, đa chiều. Lần đầu tiên nên trình toàn bộ dự thảo Bộ luật, sau đó lấy ý kiến của nhân dân. Lần trình thứ hai sẽ tập trung thảo luận các vấn đề riêng, từng phần. Lần trình thứ ba sẽ thảo luận những nội dung chính để thông qua.

Dự kiến, phiên họp toàn thể lần thứ 17 của Ủy ban Pháp luật sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 18-9.

Mai Danh – TTXVN