Báo Công An Đà Nẵng

Tham vấn dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và Luật Phòng chống tham nhũng

Thứ sáu, 09/09/2016 09:48

(Cadn.com.vn) - Trong 2 ngày 7 và 8-9, tại TP Đà Nẵng, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp cùng Dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTCNN) sửa đổi và dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.

Hội thảo tham vấn dự thảo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước sửa đổi và dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng sửa đổi.

Thủ tục bồi thường còn rườm rà

Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, GS.TS Lê Minh Tâm, với một số hạn chế so với tình hình thực tiễn, Luật TNBTCNN đang gây nhiều phiền hà cho người dân, đặc biệt là kéo dài thời gian chi trả bồi thường hậu quả do sai sót của người thi hành công vụ. Còn theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam, trình tự thủ tục bồi thường của Luật TNBTCNN năm 2009 chưa chặt chẽ, thiếu tính toàn diện, rườm rà, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người bị thiệt hại cũng như cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường… Theo luật sư Hậu, Luật TNBTCNN năm 2009 quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường theo mô hình phân tán. Việc có quá nhiều cơ quan giải quyết bồi thường dẫn đến khó khăn trong xác định cơ quan có trách nhiệm giải quyết bồi thường, từ đó xuất hiện hiện tượng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan. Mặt khác, việc giải quyết bồi thường lại do chính cơ quan quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại thực hiện, mức hoàn trả chưa tương xứng, chưa đủ sức răn đe, nâng cao trách nhiệm thi hành công vụ nên người dân có tâm lý thiếu tin tưởng.

Phó cục trưởng Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) Trần Việt Hưng cho rằng, Luật TNBTCNN sửa đổi cần làm rõ hơn các thủ tục trong yêu cầu bồi thường theo hướng công khai minh bạch, nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bồi thường, hỗ trợ người dân thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh thiệt hại cũng như sai phạm của người thi hành công vụ.

Khắc phục bất cập Luật PCTN

Theo đánh giá của Tiến sĩ Đỗ Gia Thư, nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế- Thanh tra Chính phủ, sau 10 năm thi hành Luật PCTN năm 2005, công tác PCTN ở nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, từng bước giúp tạo ra môi trường thể chế ngày càng công khai, minh bạch, từng bước tăng cường sự tham gia của người dân. Tuy vậy, trên thực tế, tình hình tham nhũng vẫn còn diễn biến phức tạp, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, số vụ việc, vụ án tham nhũng được phát hiện còn ít, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, thu hồi tài sản tham nhũng đạt kết quả thấp.

Tiến sĩ Đỗ Gia Thư  cho rằng, có 8 nguyên nhân cơ bản dẫn đến những hạn chế trong công tác PCTN: quy định về công khai, minh bạch còn chưa mang tính bao quát và thiếu các biện pháp đảm bảo thực hiện; quy định về trách nhiệm giải trình chưa phù hợp; kiểm soát xung đột lợi ích đối với cán bộ công chức trong thực hiện công vụ chưa toàn diện; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra hành vi tham nhũng chưa cụ thể; quy định về minh bạch tài sản, thu nhập chưa giúp kiểm soát biến động về thu nhập. Ngoài ra, các quy định về cơ chế phát hiện tham nhũng thông qua hoạt động của cơ quan, tổ chức chưa phù hợp, đặc biệt là cơ chế phối hợp giữa cơ quan thanh tra, kiểm toán với cơ quan điều tra trong phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng chưa phát huy vai trò của mỗi cơ quan trong xử lý vụ việc. Một nguyên nhân quan trọng nữa là quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo hành vi tham nhũng còn thiếu các biện pháp đảm bảo thực hiện, đặc biệt là các biện pháp bảo vệ người tố cáo, khen thưởng người có thành tích trong tố cáo tham nhũng.

Còn theo GS.TS Nguyễn Đăng Dung (Đại học Quốc gia Hà Nội), tham nhũng = độc quyền + cửa quyền – minh bạch thông tin – trách nhiệm giải trình. Điều này có nghĩa là phải giảm độc quyền, cửa quyền và tăng minh bạch thông tin và trách nhiệm giải trình nếu muốn PCTN hiệu quả. “Luật PCTN như một đạo luật chuyên ngành điều chỉnh các hành vi liên quan đến PCTN nên nghiêng về phòng tham nhũng nhiều hơn, mà chế tài của nó nên là xử phạt hành chính và sự thuyên chuyển hay đình chỉ công tác những người có liên quan đến tham nhũng trước khi giải quyết hoàn toàn bằng hoạt động xét xử của tư pháp”, GS.TS Dung phân tích.

Đông A