Báo Công An Đà Nẵng

"Tham vọng" của cựu chiến sĩ Trung đoàn 96

Thứ năm, 04/04/2019 12:47

Chuyện Ban liên lạc CCB Trung đoàn 96 huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) nhiều năm nay đi tìm hài cốt đồng đội ngã xuống ở chiến trường K được thân nhân liệt sĩ vô cùng cảm kích. Nhưng ít ai biết rằng, "tham vọng" của  các CCB còn nhiều hơn thế. Đó là làm sao mang về đất mẹ tất cả hài cốt liệt sĩ của quê hương hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước còn nằm đâu đó ở các nghĩa trang phía Nam.

Đưa  hài cốt liệt sĩ Trung đoàn về đất mẹ  Quảng Nam.

Từ chân đèo An Khê

Trung đoàn 96 ra đời cách đây 73 năm, được giải thể và tái thành lập trực thuộc Sư đoàn 309 khi nổ ra chiến tranh biên giới Tây Nam (1978). Chiều dài lịch sử của một đơn vị "đánh đâu thắng đó" càng làm thế hệ thứ hai của Trung đoàn thêm tự hào. Đại tá CCB Nguyễn Quang Ngọc nhớ lại: "Sau khi thành lập dưới chân đèo An Khê, Gia Lai, lính mới Duy Xuyên lúc này cả ngàn quân đều bổ sung vào Trung đoàn. 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn lật đổ chế độ Pol Pot, rất nhiều đồng đội của chúng tôi đã ngã xuống. Do điều kiện chiến đấu, hầu hết lúc đó thi thể được đưa về các nghĩa trang thuộc Quân khu 7". Ban liên lạc CCB Trung đoàn 96 Duy Xuyên với các thành viên Nguyễn Công Toàn, Phạm Đăng Tiến, Đoàn Công Tiến, Phạm Trường Tư, Dương Công Liễu, Trần Ngọc Hùng. Từ năm 2015 có thêm Đại tá Nguyễn Quang Ngọc sau khi rời cương vị Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tây Giang. Mục đích của Ban là kết nối các thành viên ở Quảng Nam, sau đó phối hợp cùng Chi hội 5-Nghĩa tình đồng đội ở TP Hồ Chí Minh giúp đỡ các gia đình liệt sĩ, thương binh của Trung đoàn vượt qua khó khăn; thăm hỏi, hỗ trợ các CCB đau ốm, bệnh tật. Đến nay, từ nhiều nguồn ủng hộ, Ban liên lạc đã hỗ trợ xây mới khoảng 70 ngôi nhà tình nghĩa và hàng trăm triệu đồng cho gia đình đồng đội, thân nhân các liệt sĩ phát triển sinh kế.

5 năm trở lại đây, đặc biệt từ năm 2016, việc cất bốc đưa hài cốt liệt sĩ về đất mẹ Quảng Nam được tiến hành bài bản. Với các anh, những chuyến đi vất vả không là gì so với quy trình thủ tục. Đó là chưa kể trong quá trình làm hồ sơ phát hiện không ít trường hợp thân nhân liệt sĩ chưa được hưởng chế độ thờ cúng hàng chục năm dài bởi nhiều lý do khác nhau. Khi ấy, Ban liên lạc phải giúp gia đình liệt sĩ "được" hưởng chế độ thờ cúng trở lại. Để có một đợt xuất hành, hàng tá công văn được gửi đến Hội Cựu chiến binh, Sở LĐ, TB & XH, nghĩa trang các tỉnh, Ban chỉ huy Sư đoàn và Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 309, Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4, Quân khu 5, Quân khu 7... Mỗi chuyến đi được lên kế hoạch từ 3-4 tháng. Khi hoàn tất khâu chuẩn bị thì thành lập đoàn từ 3-5 tổ, mỗi tổ do một người trong Ban chịu trách nhiệm tròn khâu cất bốc. Cứ thế đến nay, các CCB Trung đoàn 96 Duy Xuyên phối hợp với Chi hội 5- Nghĩa tình đồng đội đã đưa hàng trăm hài cốt đồng đội về đất mẹ Quảng Nam. Riêng dịp kỷ niệm 70 năm ngày TB - LS (2017) có đến 64 hài cốt được đưa về. Đặc biệt chuyến đi tìm đồng đội dịp 22-12-2016 trúng lũ lớn. 12 giờ đêm, cả đoàn kẹt xe ở Đèo Cả (Phú Yên). Chương trình đón tiếp đã được bố trí ở quê nhà nên không thể vì mưa gió mà ảnh hưởng cả hàng trăm người. Tranh thủ sự giúp đỡ của lực lượng công an, đoàn xe của Ban liên lạc đã vòng đường tắt xuống cảng Vũng Rô và về được thị trấn Nam Phước lúc 7 giờ hôm sau. Những chiếc ca nô che bạt trong cơn mưa tầm tã vượt sông, băng ruộng đưa hài cốt liệt sĩ về với gia đình là ký ức không thể nào quên với các thành viên Ban liên lạc. 

Vẫn tiếp tục hành quân

Mục đích ban đầu là đưa hài cốt liệt sĩ Trung đoàn 66 về quê hương nhưng khi đến các nghĩa trang Châu Thành, Tân Biên (Tây Ninh), Long Khánh (Đồng Nai), Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, nhìn những người con của Quảng Nam trong đội hình Sư đoàn 2 (thời điểm 1979 tăng cường cho Quân đoàn 4 ở chiến trường Campuchia) vẫn còn nằm rải rác ở phương Nam, các anh không cam lòng. Vậy là cả nhóm lại cùng nhau ghi chép trên mộ chí, nắm số liệu cụ thể, lên chương trình lấy bằng được các trường hợp này. Sau khi làm việc với chỉ huy Sư đoàn 2, các cơ quan chức năng và thân nhân liệt sĩ, chuyến đi tiếp theo của các anh đã đưa về được 20 hài cốt liệt sĩ của Sư đoàn. Từ cú huých đầu tiên, Ban liên lạc nắm được danh sách 424 liệt sĩ Quảng Nam ở Quân đoàn 4 cả trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước và làm nhiệm vụ quốc tế. Đặc biệt số liệt sĩ trước năm 1975 của Quảng Nam thuộc Trung đoàn 31 (trước đây thuộc Sư đoàn 2) nay thuộc Sư đoàn 309 (Quân đoàn 4) vẫn chưa được quy tập hết.

Khi được hỏi, quy mô của việc tìm hài cốt liệt sĩ đã vượt quá tầm của Ban liên lạc một huyện, làm sao gánh vác xuể, CCB Phạm Đăng Tiến, Phó ban khẳng định: "Đúng là chúng tôi chưa có mô hình nào để có thể làm theo. Nhưng sẽ làm dần trên đà các năm trước. Thuận lợi là Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam rất đồng tình và tạo mọi điều kiện tối đa. Sau đó là sự giúp đỡ của các tỉnh phía Nam, các Sư đoàn, cơ quan chức năng, hội CCB... Kinh phí chính từ nguồn lực huy động của các CCB, đặc biệt là khu vực TP Hồ Chí Minh. Thân nhân liệt sĩ chỉ đi cùng mà không tốn bất cứ khoản chi phí nào". Khó khăn còn ở phía trước, những chuyến hành phương Nam vẫn đang vẫy gọi, các CCB Trung đoàn 96 Duy Xuyên đã và sẽ tiếp tục sống trọn nghĩa tình với đồng đội đã khuất.

HỒNG VÂN