Báo Công An Đà Nẵng

Tham vọng đang tuyệt vọng?

Thứ năm, 19/12/2019 12:37

Các phái đoàn đến từ khắp thế giới đã từng tề tựu về thủ đô Madrid của Tây Ban Nha để tham gia Hội nghị về biến đổi khí hậu (COP 25) trong tuần qua. Họ hầu hết là những người vận động mạnh mẽ cho vấn đề biến đổi khí hậu, từ cô gái 16 tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg, người đã truyền cảm hứng cho một phong trào chống biến đổi khí hậu trong giới sinh viên, cho đến cựu thị trưởng New York Michael Bloomberg, 77 tuổi, vị ứng viên đã cam kết Mỹ sẽ gia nhập Thỏa thuận Paris nếu ông thắng cuộc đua tổng thống vào năm tới.

Họ bước vào hội nghị kéo dài 13 ngày với nhiều tham vọng: thông qua nhiều vấn đề và các quốc gia sẽ đưa ra các cam kết khí hậu mới trước khi kết thúc năm 2019. Tham vọng đặt ra rõ ràng là rất nhiều. Nhưng... kết quả của hội nghị thật sự đã gây thất vọng và thậm chí là tuyệt vọng: vẫn chưa đạt được thỏa thuận về mức cắt giảm khí thải cho từng quốc gia cần phải thực hiện vào cuối năm 2020.

Kết quả này là “sự phản bội” lại nỗ lực của những nhà hoạt động trẻ chống biến đổi khí hậu, “sự phản bội” lại cảnh báo trong báo cáo gần đây do 11.000 nhà khoa học đến từ 153 quốc gia ký kết và cả “sự phản bội” của Carlon Zackhras, một thiếu niên đến từ Quần đảo Marshall, nhân vật trẻ tuổi đã có những cảnh báo về việc mực nước biển dâng cao đe dọa thế giới. Và điều rõ ràng nhất, nó phản chiếu sự tuyệt vọng của hàng triệu học sinh sinh viên, do nhà hoạt động tuổi teen Greta Thunberg dẫn đầu, khi tất cả các em đều tin rằng, những người trưởng thành đang nỗ lực đàm phán cho tương lai của trái đất.

Việc Mỹ rút khỏi hiệp định Paris đã làm suy yếu rất nhiều động lực toàn cầu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trong những năm qua. Washington cho đến nay là nước thải khí CO2 lớn nhất trên thế giới, tiếp theo là Liên minh Châu Âu (EU). Và lượng thải khí CO2 bình quân đầu người của Mỹ vẫn cao hơn gấp đôi so với Trung Quốc. Các cuộc chiến thương mại do Mỹ gây ra cũng khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi đánh lạc hướng sự chú ý, làm suy yếu niềm tin giữa các quốc gia và làm chậm sự tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia, tất cả đều có hại cho thế giới trong việc chống biến đổi khí hậu.

Cũng đã có những chỉ trích nhằm vào các kênh tin tức và báo chí lớn trên thế giới về việc phớt lờ hoặc đưa tin tối thiểu về COP25 bất chấp “tình trạng khẩn cấp về vấn đề khí hậu” như tuyên bố của các nhà khoa học và chính phủ các nước. Một số mạng tin tức lớn đã đưa tin đậm nét về một vụ xả súng ở Mỹ, nhưng đã không nói gì  việc Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới hành động. Đó là lý do tại sao tin tức giả mạo như “biến đổi khí hậu chỉ là trò lừa bịp của Trung Quốc” dường như vẫn được tin tưởng ở một số nơi mặc dù có bằng chứng khoa học ngược lại.

THANH VĂN