Tham vọng thay đổi chính sách quốc phòng của Thủ tướng Abe
(Cadn.com.vn) - Kể từ khi nhậm chức vào tháng 12-2012, Thủ tướng Shinzo Abe đã thực hiện những chính sách trong và ngoài nước đầy tham vọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cải cách chính sách quốc phòng của Nhật Bản.
Trong năm 2015, năm đánh dấu kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II, chính sách an ninh quốc phòng của ông Abe được đặc biệt quan tâm. Việc nhóm cực đoan Hồi giáo IS hành quyết hai công dân Nhật Bản gần đây càng khiến nhiều người đặt ra câu hỏi: Liệu Tokyo có nên tiếp tục xem xét việc nâng cao vai trò của Lực lượng Phòng vệ (SDF)?
Những thay đổi
Theo sau những nỗ lực sửa đổi Hiến pháp hồi cuối tháng 7-2014 cho phép Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể, ông Abe và nội các Nhật đã vạch ra kế hoạch hành động với ba phần chính: ban hành một đạo luật an ninh quốc gia cần thiết, đề nghị một ngân sách kỷ lục cho chi tiêu quốc phòng trong năm tài chính 2015 và sửa đổi các nguyên tắc quốc phòng Mỹ-Nhật Bản.
Theo Hiến pháp sửa đổi, Nhật Bản được phép triển khai SDF để hỗ trợ các quốc gia nếu xảy ra tấn công vũ trang vào một quốc gia khác đe dọa sự sống còn của Nhật Bản hoặc xâm phạm quyền công dân nước này. Trên cơ sở những sửa đổi này, ngày 10-1, Chính phủ Nhật Bản đã công bố dự thảo luật an ninh mới cho phép SDF hỗ trợ các quốc gia thân cận trong các cuộc xung đột quốc tế. Đặc biệt, luật này xác định cụ thể những tình huống cho phép Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể, cho phép SDF hỗ trợ quân đội các nước đồng minh cũng như điều SDF trong những tình huống bất ngờ.
Vào tháng 1, nội các đã chấp thuận yêu cầu ngân sách ở mức kỷ lục 96,34 tỷ Yên cho năm tài khóa 2015, trong đó ngân sách quốc phòng lên đến 4,98 tỷ Yên.
Trong khi đó, Nhật Bản cũng chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Nhật và Thủ tướng Abe đã lên kế hoạch thăm Mỹ trong thời gian tới. Hội nghị thượng đỉnh dự kiến sẽ tập trung vào ba yếu tố. Đầu tiên là chống lại những lời chỉ trích của Trung Quốc đối với Nhật Bản về lịch sử trong bối cảnh kỷ niệm 70 năm Thế chiến II kết thúc. Thứ hai, hai nhà lãnh đạo sẽ trao đổi về các thách thức an ninh khu vực, bao gồm các hoạt động hàng hải ngày càng tăng của Trung Quốc và chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Và quan trọng nhất, hai nước sẽ xem xét sửa đổi các nguyên tắc hợp tác quốc phòng song phương.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Diplomat. |
Kiên quyết chống khủng bố
Sau vụ 2 công dân Nhật bị IS chặt đầu, một số nhà quan sát cho rằng đây chính là cơ hội cho ông Abe thực hiện những kế hoạch lâu nay về an ninh và chính sách quốc phòng. Bên cạnh nỗ lực nhằm cho phép Nhật Bản thực hiện quyền tự vệ tập thể, ông Abe còn giao cho SDF nhiệm vụ sơ tán công dân Nhật ở nước ngoài trong trường hợp khẩn cấp, đồng thời xem xét khả năng "sử dụng vũ khí để loại bỏ mối nguy hiểm và giải cứu" công dân Nhật.
Ông cũng kêu gọi thay đổi hiến pháp để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân Nhật Bản. Sự ủng hộ của Hạ viện trong việc chống lại chủ nghĩa khủng bố cũng được coi là một động lực cho tham vọng thay đổi chính sách an ninh của ông Abe. Hôm 5-2, Hạ viện nhất trí thông qua nghị quyết chống chủ nghĩa khủng bố, trong đó lên án những "hành động khủng bố dã man và đê hèn" của IS, tuyên bố giữ vững lập trường "không bao giờ khoan nhượng với chủ nghĩa khủng bố", và kêu gọi chính phủ đẩy mạnh viện trợ nhân đạo cho các nước Trung Đông và Châu Phi cũng như phối hợp với cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố.
Thách thức phía trước
Tuy nhiên, với các cuộc bầu cử địa phương trên toàn quốc vào tháng 4, đạo luật an ninh mới có khả năng sẽ bị hoãn lại cho đến sau cuộc bầu cử.
Trong khi đó, dư luận cũng đóng vai trò quan trọng. Mặc dù Thủ tướng Abe xem chiến thắng của LDP trong cuộc bầu cử Hạ viện tháng 12-2014 là nhiệm vụ mới cho chính sách kinh tế của mình, một cuộc thăm dò của trang Kyodo tiến hành 2 ngày sau cuộc bầu cử cho thấy 55,1% số người được hỏi không ủng hộ chính sách quốc phòng và an ninh của ông Abe.
Sau cuộc khủng bố con tin, phần lớn công dân Nhật Bản không sẵn sàng giúp đỡ Trung Đông ngoài việc cung cấp viện trợ phi quân sự. Theo cuộc thăm dò được trang Kyodo công bố vào hôm 7-2, 57,9% số người được hỏi cho biết Nhật Bản nên hỗ trợ phi quân sự. Nỗi sợ hãi bị lôi kéo vào cuộc xung đột luôn tồn tại trong công chúng Nhật Bản có thể là một ràng buộc cho các kế hoạch an ninh, quốc phòng của ông Abe.
An Bình
(Theo Diplomat)