Báo Công An Đà Nẵng

Thận trọng với tính hai mặt của “chỉ dẫn địa lý”

Thứ tư, 31/08/2016 08:28

(Cadn.com.vn) - Mới đây, sản phẩm lừng danh của đỉnh núi Ngọc Linh nằm giữa tỉnh Quảng Nam và Kon Tum – Sâm Ngọc Linh – được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý (CDĐL), một lần nữa, gợi nên sự tò mò về khái niệm CDĐL. CDĐL là gì, nó tác động thế nào đến sự phát triển của sản phẩm...?

* Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, bất kỳ một sản phẩm nào được cấp nhãn hiệu chứng nhận, CDĐL, sau một thời gian giá sản phẩm sẽ tăng lên gấp đôi, đây là cơ hội để địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, các hộ sản xuất, tăng thêm nguồn thu bền vững nhằm khai thác tiềm năng nguồn lợi từ sản phẩm nông nghiệp. Vì vậy, không chỉ các nhà quản lý mà người nông dân cũng cần ý thức để bảo vệ sản phẩm mang CDĐL.

Với 70% dân số làm nông nghiệp, được thiên nhiên ưu đãi, Việt Nam có nhiều sản phẩm chất lượng, danh tiếng, mang tính đặc thù và có giá trị kinh tế cao gắn với các địa danh cụ thể như: Nước mắm Phú Quốc, Cam Cao Phong, Nhãn Hưng Yên, Tương bần Hưng Yên, Sâm Ngọc Linh... nhưng giá trị sản phẩm mang lại chưa khẳng định được vị thế tương xứng với tiềm năng. Thời gian qua Việt Nam đã xây dựng một hành lang pháp lý và tích cực hỗ trợ các địa phương trong việc đăng ký bảo hộ CDĐL, cấp nhãn hiệu chứng nhận để gia tăng giá trị sản phẩm và khẳng định thương hiệu sản phẩm nông nghiệp Việt.

CDĐL thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Nhà nước có thể trực tiếp thực hiện quyền quản lý thông qua các cơ quan chức năng như Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN hay trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho các tổ chức đại diện quyền lợi của các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ. Sau nhiều nỗ lực đến nay cả nước đã có gần 50 bảo hộ CDĐL được cấp quyền tại các tỉnh, thành phố. Các CDĐL đăng ký đa dạng về loại hình và sản phẩm mà còn cho thấy sự đặc trưng đại diện cho các vùng, miền trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng: Việc cấp chứng nhận đăng ký CDĐL để góp phần bảo tồn, phát triển và gia tăng giá trị sản phẩm, nhưng trên thực tế việc khai thác và giám sát sử dụng CDĐL lỏng lẻo khiến cho nạn giả, nhái các chỉ dẫn địa lý diễn ra ở nhiều nơi, nên giá trị sản phẩm chưa được khẳng định vị thế và phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, chưa có cơ quan kiểm soát chất lượng sản phẩm mang CDĐL nên người tiêu dùng không xác định và không phân biệt để sử dụng được đúng sản phẩm mang CDĐL, không chỉ khó khăn trong bảo hộ ở trong nước mà nhiều CDĐL ở Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển để xuất khẩu, nhưng chưa được đăng ký và bảo hộ ở nước ngoài nên giá trị sản phẩm chưa được như mong muốn. 

Thực tế cho thấy, việc cấp nhãn hiệu chứng nhận hay CDĐL có tính hai mặt, giúp địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, các hộ sản xuất tăng lợi nhuận nhưng nếu không quản lý dẫn đến tình trạng lợi dụng nhãn hiệu chứng nhận thì lại phản tác dụng do có những sản phẩm tương tự được gắn nhãn hiệu làm mất uy tín của các sản phẩm chính hiệu. Do vậy, sau khi được cấp giấy chứng nhận, phải bảo vệ và phát triển sản phẩm, đây là nhiệm vụ không chỉ của các cơ quan chức năng, các ban, ngành, địa phương mà còn là trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất, hợp tác xã. 

Để góp phần nâng cao hiệu quả CDĐL, các cơ quan chức năng đã đề ra nhiều giải pháp để quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đồng thời, huy động để phát huy sức mạnh của các tổ chức, cá nhân liên quan đến bảo hộ CDĐL, thương hiệu sản phẩm...

H.Linh