Báo Công An Đà Nẵng

“Thần y” trị độc xà

Thứ sáu, 30/08/2013 10:52

(Cadn.com.vn) - Đó là biệt danh mà mọi người dành tặng cho anh Bùi Đức Lục (trú khối 3, thị trấn Lạt, H. Tân Kỳ, Nghệ An). Anh Lục thành danh nhờ một loại thuốc chế biến từ thảo dược gia truyền từ đời ông nội. Anh không nhớ nổi mình đã điều trị rắn cắn cho bao nhiêu người, nhưng ai cũng được chữa khỏi nếu nạn nhân kịp uống hoặc xoa bóp phương thuốc đặc hiệu này.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký LHH Khoa học & Kỹ thuật H. Tân Kỳ Nguyễn Thanh Tuấn xác nhận, tháng 8-2012,  Liên hiệp các Hội KH-KT H. Tân Kỳ đã tổ chức Hội thảo khoa học về bài thuốc chữa rắn cắn của lương y Bùi Đức Lục, có sự tham gia của GS-TS Nguyễn Viết Thân, Chủ nhiệm bộ môn dược liệu, Trường Đại học Y dược Hà Nội; Thượng tá, nhà giáo ưu tú Đào Văn Khôi, Chủ nhiệm quân y; Chủ tịch Hội đồng y, BĐBP Nghệ An; Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền Nghệ An… đặc biệt là 8 bệnh nhân bị rắn cắn được anh Lục chữa khỏi. Các phát biểu ở Hội thảo đều đánh giá cao bài thuốc chữa rắn cắn của anh Lục và đề nghị phổ biến rộng rãi trong nhân dân sử dụng.

Lương y Bùi Đức Lục.

Cũng tại cuộc hội thảo trên, anh Bùi Đức Lục đã cho biết, trải qua hàng chục năm, gia đình anh đã cứu được hàng trăm nạn nhân bị rắn và côn trùng có nọc độc cắn thoát khỏi tử thần. Chỉ tính từ tháng 7-2004 đến tháng 7-2012, theo ghi chép của gia đình anh Lục, đã có 149 bệnh nhân bị các loại rắn độc cắn được đưa đến gia đình chữa trị và đã khỏi bệnh 100%. Đó là chưa kể những người gia đình quên ghi chép hoặc đến mua thuốc, được hướng dẫn uống rồi về… Trong số bệnh nhân bị rắn cắn được chữa khỏi trên chia ra: bị rắn cạp nong, cạp nia cắn 22 người; rắn hổ chúa đen bóng cắn 2 người; rắn Hổ chúa màu xám đen cắn  2 người; rắn Hổ mang bành cắn 25 người; rắn Hổ chì cắn: 4 người; rắn lục đỏ đuôi và rắn lục đọt chuối cắn: 68 người; rắn khô mộc (nhóm thần kinh) cắn: 5 người; rắn khô mộc (nhóm hoại tử) cắn: 20 người; rắn chun đất cắn: 1 người... Nghĩa là tất cả các loại rắn độc cắn người đều bị anh Bùi Đức Lục  hóa giải.

Anh Lục nhớ lại những bệnh nhân mà mình đã cứu chữa rất nguy hiểm như chị Bích ở xá Tân Long, bị rắn hổ chúa cắn khi chị đang mang thai 7 tháng; anh Danh quê ở Kỳ Anh (Hà Tĩnh) bị rắn hổ mang bành cắn đã hoại tử lòi xương; anh Hùng, cán bộ CA  ở Trại giam 3 ( Bộ Công an)  bị rắn đen trắng cắn trong lúc làm nhiệm vụ, đã hôn mê 4 tiếng; cháu Nguyễn Thị Tú ở xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cũng bị rắn đen trắng cắn và hôn mê 12 tiếng… Tất cả bệnh nhân nguy kịch đó đã được chữa khỏi, đặc biệt là sau khi khỏi bệnh không một ai để lại di chứng gì.

 

Tiếng lành đồn xa, tài nghệ tiếng tăm chữa trị rắn độc cắn của Lương y Bùi Đức Lục không chỉ người Tân Kỳ mà người ngoài huyện, ngoài tỉnh đều biết. Nhiều lần bệnh nhân đến đông, giường ngủ nhà anh thành giường bệnh. Nửa đêm, có người bị rắn độc cắn tìm đến gõ cửa nhờ chạy chữa, anh Lục đều rất nhiệt tình phục vụ, trên môi luôn nở nụ cười, luôn động viên bệnh nhân yên tâm, tin tưởng. Với phương châm chữa bệnh cứu người, anh Lục không hề đòi hỏi một sự đền đáp gì từ gia đình bệnh nhân. Với anh, cứu được người là hạnh phúc, là sự đền đáp lớn nhất.

Tôi hỏi anh Lục:  “Anh có thể công khai những loại lá mà mình dùng để chữa rắn cắn được không? Hay là bí mật gia truyền?”. Anh Lục cười: “Tôi công khai tại hội thảo năm ngoái rồi mà. Có gì mà không công khai. Càng công khai thì người bị rắn cắn thoát chết càng nhiều lên. Hiện tôi sử dụng 8 loại nguyên liệu chính là thảo dược từ lá cây, hay vỏ, rễ cây lấy trong vườn, ngoài bờ ruộng hoặc trong rừng. Hiện tại bài thuốc này mới chỉ dùng có 3 loại lá cây rất dễ kiếm, cấp cứu khi bị rắn cắn rất có hiệu quả. Đó là lá cỏ chỉ thiên, thường mọc trong vườn hoặc bờ ruộng; lá xuyên tiêu, họ lá trâng, mọc ở các bờ bụi; lá cây găng có gai, tức cây găng ổi, mọc thẳng bờ rào, đồi rừng. Có thể tên ba loại lá này mỗi nơi gọi  khác nhau, cho nên phải trực tiếp thông qua truyền dạy thực tế mới nhận ra chính xác. Tôi cũng công khai cả phương pháp bào chế lá theo công thức “2-2-1”: Lá cỏ chỉ thiên 2 (40%); lá xuyên tiêu 2 (40%); lá găng 1 (20%). Lá thuốc được sấy khô và xay thành bột. Sử dụng thuốc chủ yếu là dùng “nội ẩm ngoại đồ”, tức là trong uống ngoài rịt. Thuốc gói kín không để không khí xâm nhập có thể bảo quản được từ 24  đến 36 tháng mà chất lượng không thay đổi. Khi có người bị rắn cắn thì hòa bột thuốc với nước sôi nóng cho bệnh nhân uống. Ngoài uống là đắp, hoặc bôi, ngâm. Hòa bột thuốc với nước sôi nóng cho đủ ướt như làm bánh bột nếp đắp vào chỗ rắn cắn và những nơi sưng rồi dùng gạc băng để băng lại, giữ độ ẩm. Tất nhiên trong sử dụng thuốc người ta thường bảo thuốc và thang. Thang nghĩa là gia giảm liều lượng tùy theo mức độ bệnh và trọng lượng từng người bệnh. Cái đó thì chỉ có anh Bùi Đức Lục mới biết được với bệnh nhân nào thì dùng bao nhiêu, thời gian như thế nào.

Trước khi chia tay, tôi có hỏi anh Lục rằng, anh có nhắn  gì với những người bị rắn cắn không. Anh cười hiều hậu: “Nọc độc của rắn là loại chết người, nên phòng tránh rắn cắn là tối ưu nhất. Rắn ở khắp nơi. Hãy đề phòng cẩn thận khi đi đường, khi lao động ở vườn, ruộng, cả khi đi ngủ. Và không được bắt rắn. Rắn chỉ cắn để tự vệ. Và khi bị rắn cắn thì nhanh chóng đưa đến bệnh xá gần nhất để họ buộc ga-rô, sơ cứu trước khi uống thuốc chữa trị”.

 Và theo sự đồng ý của anh Lục, xin cung cấp địa chỉ của lương y Lục để ai bị rắn cắn thì tìm đến, nhất định anh sẽ chữa khỏi:  Bùi Đức Lục, ở Khối 3, thị trấn Lạt, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.  ĐT: 097 7848 056.

Ngô Minh