Tháng 5 nghe kể chuyện về Người
Càng ngày càng yêu Bác hơn, yêu nghề hơn
Cứ mỗi dịp tháng 5 về, đường vào khu di tích Kim Liên lại tấp nập xe cộ đủ các loại. Dòng người nối đuôi nhau về thăm quê Bác ngày càng nhiều. Từ các cựu chiến binh, các cụ già cao tuổi đến đoàn viên thanh niên, hội phụ nữ, các em học sinh... tất cả đều đến với quê Bác bằng một tấm lòng thành kính, một tình cảm thiêng liêng. Đến với quê Bác, được nhìn thấy ngôi nhà tranh, từng hiện vật đơn sơ và giản dị nơi nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ của Người, ai cũng có chung một dòng cảm nhận xúc động bồi hồi đến lạ.
Xen lẫn giữa dòng người đứng trước mái nhà tranh, bên hàng rào dâm bụt ở Làng Sen là tà áo dài của các hướng dẫn viên, người kể lại những câu chuyện về cuộc sống giản dị, thanh bần của Bác Hồ cùng gia đình.
Cầm khăn lau những giọt mồ hôi sau khi thuyết minh cho đoàn khách cựu chiến binh từ miền Bắc vào, chị Lương Thị Định cho biết, bản thân rất may mắn bởi chị là người quê gốc Nam Đàn lại được nhận vào làm việc ở Khu di tích Kim Liên. Đến nay, chị Định đã trải qua 12 năm làm việc ở Khu di tích Kim Liên.
"Sinh ra ở quê hương Nam Đàn, sau khi ra trường lại được quay lại chính quê hương của Bác để làm việc, bản thân tôi cảm thấy vô cùng vinh dự, tự hào. Qua thời gian làm việc, được đón rất nhiều đoàn khách từ mọi miền Tổ quốc về thăm quê Bác, tôi cảm nhận một điều rất rõ về tình cảm của mọi người dành cho Bác sau khi họ được nghe hướng dẫn viên thuyết minh, được nhìn thấy những hiện vật trong căn nhà đơn sơ tại đây. Chính tình cảm, niềm xúc động của mọi người đã bồi đắp trong tôi tình yêu Bác nhiều hơn, yêu nghề nhiều hơn", chị chia sẻ.
Liên tiếp đón các đoàn khách và làm nhiệm vụ thuyết minh, hướng dẫn cho khách nên phải đợi khá lâu chúng tôi mới gặp được chị Phùng Thị Hương Giang, người đã có thâm niên 22 năm làm việc ở đây. Giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm, pha chút hóm hỉnh, chị Giang vừa hướng dẫn, thuyết minh cho đoàn khách là các cháu học mầm non ở Hà Tĩnh ra thăm quê Bác. "Các con có biết mẹ của bác Hồ là ai không?", giọng chị Giang nhẹ nhàng. Một vài cháu hô to "là bà Hoàng Thị Loan ạ!". "À đúng rồi. Các cháu rất giỏi", chị Giang vừa khen ngợi vừa tiếp tục hỏi những câu tương tự. Cũng bởi sự linh hoạt, hóm hỉnh và cách dẫn dắt câu chuyện phù hợp với từng đối tượng du khách đã làm cho công việc thuyết minh của những cán bộ hướng dẫn viên như chị Giang không hề cảm thấy nhàm chán mà ngày càng cảm xúc hơn, yêu nghề hơn.
Đi cùng đoàn cựu chiến binh từ Hà Nam vào thăm quê Bác, bác Hoàng Văn Nhiên xúc động: "Chúng tôi là người lính Bộ đội Cụ Hồ, từng chiến đấu ở các chiến trường từ Nam ra Bắc, lần này có dịp được về quê Bác, nghe thuyết minh những câu chuyện về Bác và những thành viên trong gia đình tôi cảm thấy rất xúc động. Tôi luôn nhắc nhủ con cháu cố gắng học tập một trong những nét tính cách của Người thì cuộc sống này sẽ trở nên tươi đẹp hơn, ý nghĩa hơn".
Luôn trau dồi nghiệp vụ và nâng cao ý thức trách nhiệm
Song song với nhiệm vụ tham gia hướng dẫn ở Khu di tích Kim Liên, các cán bộ thuyết minh còn được cơ quan giao nhiệm vụ tuyên truyền, thuyết minh các chuyên đề về Bác ở các đơn vị ngoài Khu di tích như trường học, đơn vị quân đội, đoàn viên thanh niên... Hàng năm, các cán bộ thuyết minh thường xuyên được tham gia các lớp bồi dưỡng, học thêm kiến thức về cuộc đời, sự nghiệp, làm các chuyên đề chuyên sâu và nghe thêm các câu chuyện hết sức thú vị về Bác Hồ.
Chị Phạm Thị Oanh, cán bộ thuyết minh quê nội Bác chia sẻ, được làm việc ở quê Bác hơn 10 năm, trực tiếp cảm nhận, chứng kiến những tình cảm cao quý mà đồng bào du khách khắp mọi miền Tổ quốc dành cho Bác và quê Bác, tôi càng ý thức được trách nhiệm của mình trong việc trau dồi kiến thức về cuộc đời, sự nghiệp của Bác tốt hơn để những câu chuyển kể về Người sẽ hay hơn, sinh động hơn.
Ông Nguyễn Bảo Tuấn- Giám đốc Ban Quản lý Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên cho biết, hiện tại Khu di tích Kim Liên có 70 cán bộ đang làm việc, trong đó những cán bộ làm công tác thuyết minh chiếm số lượng lớn. Đây là công việc đòi hỏi cán bộ nhân viên phải thường xuyên nâng cao nghiệp vụ, thường xuyên học hỏi, yêu nghề và nêu cao trách nhiệm với tinh thần phục vụ nhân dân, phục vụ du khách. Hàng năm, Khu di tích Kim Liên tổ chức các đợt bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh. Đặc biệt, xây dựng các chuyên đề chuyên sâu về Bác để nâng cao nghiệp vụ. Hiện Khu di tích đang chú trọng đào tạo các thuyết minh viên bằng tiếng nước ngoài, đã có 6 cán bộ thuyết minh tiếng Anh, 1 cán bộ thuyết minh tiếng Pháp và hiện đang đào tạo 5 cán bộ thuyết minh tiếng Lào.
Dương Hóa