Báo Công An Đà Nẵng

Tháng 6-2015, phải hoàn chỉnh phương án ứng phó với bão mạnh và siêu bão

Thứ tư, 08/10/2014 09:09

(Cadn.com.vn) - Ngày 7-10, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương và Ủy ban Quốc gia TKCN tổ chức hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó với bão mạnh, siêu bão. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Ủy ban quốc gia TKCN và Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng chủ trì hội nghị.

CÔNG TÁC DỰ BÁO NGÀY CÀNG KHÓ KHĂN

Tại hội nghị, các bộ, ban ngành đã đưa ra các kịch bản mô phỏng bão mạnh đổ bộ vào các tỉnh Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ của nước ta. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phân được 5 vùng có nguy cơ xảy ra bão mạnh và siêu bão là Quảng Ninh - Thanh Hóa, Nghệ An – Thừa Thiên – Huế, Đà Nẵng – Bình Định, Phú Yên – Khánh Hòa và Ninh Thuận – Cà Mau. Những số liệu thống kê, khảo sát ban đầu được đánh giá là những căn cứ quan trọng để các bộ, ban ngành cũng như các địa phương xây dựng được các phương án phòng tránh bão lũ. Đặc biệt là các kịch bản mưa lớn làm nước biển dâng ngập sâu vào đất liền, sạt lở đất, vỡ hồ chứa, lũ ống, lũ quét...

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thị sát công tác chuẩn bị ứng phó với bão Nari năm 2013
tại miền Trung.

Theo các địa phương, lâu nay nước ta chỉ xây dựng kịch bản đối phó với các trận bão thường trong khi diễn biến của thời tiết, khí hậu ngày càng phức tạp, nguy hiểm. Nhiều kịch bản, dự báo đã trở nên lạc hậu đối với những cơn bão có cường độ lớn, và khái niệm siêu bão chỉ mới xuất hiện chính thống trong năm nay. Để chủ động ứng phó với bão mạnh, siêu bão, các địa phương cũng nêu ra những kiến nghị, đề xuất một cách cấp thiết. Theo ông Đỗ Trường Thoại – Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng, vùng có thể xuất hiện ngập lụt tới 6m (theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường), ngoài việc sớm ban hành quy chuẩn về cấp bão, quy chế phối hợp giữa các ban ngành thì Bộ NN&PTNT phải nhanh chóng xây dựng bản đồ ngập lụt, bản đồ các khu dân cư nguy hiểm khi có siêu bão để các địa phương chủ động trong công tác ứng phó.

Ông Đinh Viết Hồng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An và ông Huỳnh Văn Tô – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi lại quan tâm đến bản đồ ngập lụt vùng cửa sông, hồ chứa, nơi tiếp nhận sơ tán dân cũng như các khu neo đậu tàu thuyền. Nhiều địa phương cho rằng công tác dự báo sớm và phát yêu cầu trú tránh cho cộng đồng ngư dân trên biển cũng như tổ chức sơ tán người dân ở các vùng dễ bị tổn thương phải được tính toán một cách tỉ mỉ và quyết liệt. Thực tế trong thời gian qua vẫn còn xuất hiện tâm lý tham đánh bắt cá, chủ quan trong việc trú ẩn đối với ngư dân. Cạnh đó, một bộ phận người dân trên đất liền cũng như ngư dân tại các âu thuyền do chưa nhận thức sâu sắc về diễn biến phức tạp của thời tiết nên đủng đỉnh trong việc sơ tán, cho rằng trời đang nắng, không có dấu hiệu gì của bão thì chưa nhất thiết phải di dời. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền của các cơ quan, các cấp chính quyền để thay đổi thói quen này là rất quan trọng.

Đầu cầu Đà Nẵng tham gia hội nghị trực tuyến về công tác ứng phó với bão mạnh, siêu bão.

PHẢI CÓ KỊCH BẢN RIÊNG ĐỐI PHÓ SIÊU BÃO

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, với những diễn biến ngày càng phức tạp của bão thì nhất thiết phải có đánh giá tác động cụ thể của từng cấp bão để đưa ra phương án ứng phó trong việc sơ tán, bảo vệ đê điều, chằng chống nhà cửa, kêu gọi tàu thuyền trú tránh... Đặc biệt, với việc xuất hiện khái niệm siêu bão thì phải có một kịch bản ứng phó riêng. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên Môi trường cần có nghiên cứu cụ thể hơn nữa để dự báo chính xác hơn về bão và siêu bão. Phải có giải pháp cụ thể, công bố đầy đủ hơn để nâng cao năng lực dự báo. Trên cơ sở đó, các địa phương nhanh chóng xây dựng được các phương án bổ sung ứng phó dựa trên đặc điểm địa hình của từng vùng.

Một nhiệm vụ hết sức quan trọng là phải nâng cao công tác tuyên truyền, giúp người dân nhận thức được sự nguy hiểm của bão lũ cũng như phân loại các công trình nhà ở, trú tránh, vùng nguy cơ, số dân cần sơ tán tại các vùng tương ứng với độ nguy hiểm của cấp bão. “Chậm nhất đến tháng 6-2015, Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương và các địa phương phải có phương án hoàn chỉnh ứng phó với bão mạnh và siêu bão. Sau bản đồ nước biển dâng, các bộ ngành cũng phải nhanh chóng hoàn thành bản đồ ngập lụt, sạt lở đất để các địa phương có cơ sở ứng phó, đặc biệt là triển khai công tác sơ tán dân. Bên cạnh đó, phải rà soát lại nhu cầu đầu tư trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để đề xuất Thủ tướng triển khai đầu tư, nâng cao hiệu quả công tác ứng phó”, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo.

Công Khanh