Báo Công An Đà Nẵng

Tháng "đen tối" nhất của hàng không thế giới

Thứ sáu, 21/08/2015 10:52

(Cadn.com.vn) - Tháng 8-1985 đi vào lịch sử hàng không thế giới là tháng "đen tối" nhất bởi đã có hơn 700 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn liên quan đến máy bay.

Một trong những thảm họa hàng không thảm khốc nhất lịch sử nhân loại là vụ tai nạn Boeing 747SR-46 thuộc chuyến bay 123 của Hãng hàng không Japan Airlines (JAL).

Máy bay cất cánh lúc 18 giờ 12 ngày 12-8-1985, từ sân bay quốc tế Haneda, Tokyo đi Osaka. Sau khi rời đường băng được 12 phút đã gặp sự cố nổ phía sau làm phi công mất kiểm soát, liên tục lao lên, lao xuống. Và 32 phút sau, máy bay đâm vào núi Takamagahara ở Ueno, tỉnh Gunma, cách Tokyo 100km.

Tổng cộng 520 người thiệt mạng, trong đó có 15 phi hành đoàn. 4 hành khách ngồi phía sau sống sót. Nguyên nhân tai nạn là do vách ngăn áp suất sau máy bay bị rách, làm thay đổi áp lực, mất khả năng kiểm soát. Được biết, lỗi kỹ thuật này xảy ra trước đó 7 năm, khiến lúc hạ cánh đầu máy bay cao hơn đuôi. Giới chuyên môn gọi đây là sự cố "dập đuôi" nhưng quy trình sửa chữa của JAL lại quá sơ sài, sai quy trình do Boeing quy định.

Vụ tai nạn máy bay xảy ra tại sân bay Manchester Airport, Anh ngày 22-8-1985.

Nhiều ý kiến cho rằng, hành khách trên chuyến bay 123 có thể được cứu sống nếu giới chức Nhật điều ngay nhân viên cứu hộ đến hiện trường giải cứu hoặc chấp nhận đề nghị hỗ trợ từ căn cứ không quân của Mỹ ở gần đó. Theo các nguồn tin, sau thảm họa, một quan chức ở phân ban bảo trì của JAL, tên Hiroo Tominaga đã tự sát, và nhận lỗi về những gì sai phạm của mình.

Sự cố ở Nhật khác với thảm họa tại Anh xảy ra 10 ngày sau đó. Chiếc Boeing 737-200 của Hãng hàng không British Airtours gặp sự cố tại sân bay Manchester. Người ta phát hiện vết nứt trong động cơ phản lực, thủ phạm tạo ra lượng khói độc lớn, giết chết 56 người trong tổng số 136 hành khách và phi hành đoàn. Đây là vụ tai nạn "tự bốc cháy" hiếm thấy của máy bay Boeing 737, và do đang bay trên đường băng ngược chiều gió nên lửa và khói dồn về phía hành khách. Những người tử nạn đều chết vì hít khói độc còn những người sống sót bị sốc vì ngạt thở. Theo kết quả điều tra sau đó, việc cứu hộ chậm và bị cản trở do khoảng không di chuyển quá chật, khoảng cách ghế ngồi quá hẹp, trong khi khói lại mù mịt.

Sau vụ tai nạn "tự bốc cháy" của British Airtours, hàng loạt các thay đổi thiết kế cho máy bay thương mại được áp dụng, tập trung đến yếu tố an toàn, lối đi lại trong máy bay được mở rộng, tăng cường vật liệu chịu lửa... tất cả nhằm giảm thiểu nhiệt và khói khi máy bay cháy và giúp hành khách thoát nhanh ra ngoài. Ngoài ra, người ta còn đưa ra đề xuất trang bị mũ tránh khói cho hành khách.

Bài học đắt giá khác là cách ứng phó với thay đổi vận tốc đột ngột từng xảy ra tại Dallas vào buổi chiều ngày 22-8-1985 trên chuyến bay 191 của Hãng hàng không Delta Airline, tác động mang tính "bất khả kháng" do thiên nhiên gây ra. Trong khi đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Dallas, máy bay Lockheed L-1011 gặp phải cơn bão sét. Lúc đó, máy bay bị bao quanh bởi các tia sét khi đang ở độ cao 250m và hứng chịu hiện tượng "wind shear" (vận tốc gió thay đổi đột ngột trong một khoảng không gian nhỏ), khiến tốc độ của máy bay giảm 100km/h trong vòng vài giây.

Tháng 8-1985 kinh hoàng của ngành hàng không thế giới khép lại với vụ tai nạn chuyến bay 1808 của Hãng Bar Harbor Airlines. Máy bay lao xuống đường băng tại sân bay Lewiston Municipal Airport ở Maine, Mỹ khiến tất cả 6 hành khách và 2 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. 

Nhiều người cho rằng, vụ tai nạn này có yếu tố tội phạm. Tuy nhiên, giới điều tra không tìm thấy bằng chứng và kết luận rằng, đây chính là lỗi của bộ phận radar dưới mặt đất trong khi phi công không có kinh nghiệm điều khiển máy bay trong đêm tối trời mưa.

Kim Hùng

(Theo BBC)