Tháng Giêng lên Yên Tử
(Cadn.com.vn) - Ngày hội Yên Tử năm nay vừa khai mạc vào đêm mồng 9 Tết (18-2), sớm hơn thường niên một ngày. Ngoài những nội dung truyền thống như khai mạc lễ hội, gióng trống, thỉnh chuông, lễ cầu quốc thái dân an và lễ đóng dấu thiêng Yên Tử, còn có nghi lễ đặc biệt: Công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt và trao Bằng Di tích quốc gia đặc biệt cho Khu di tích danh thắng Yên Tử.
Bước vào khu di tích danh thắng Yên Tử là đến với một khu vực cảnh quan bao gồm hệ thống chùa, am, tháp và rừng cây cổ thụ hòa quyện với cảnh vật thiên nhiên, mà bắt đầu là cuộc hành hương đi lễ Yên Tử với hành trình từ chùa Giải Oan qua tháp thờ vua Trần Nhân Tông lên đến chùa Hoa Yên, và điểm cuối là chùa Đồng.
Khách du lịch hành hương lên chùa Đồng, Yên Tử.
Dọc theo các lối đi, chúng tôi đọc thấy tài liệu còn ghi khắc trên các văn bia nêu rõ: từ thời Lý, Yên Tử đã có chùa thờ Phật gọi là chùa Phù Vân và đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã tu hành đắc đạo ở đây. Tuy nhiên, Yên Tử thật sự trở thành trung tâm của Phật giáo kể từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một giáo phái Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là phái Thiền Trúc Lâm và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh: Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Sau khi ông qua đời, người kế tục sự nghiệp là Pháp Loa Đồng Kiên Cương (1284-1330) vị tổ thứ hai của phái Trúc Lâm, đã soạn ra bộ sách "Thạch thất ngôn ngữ" và cho xây dựng 800 ngôi chùa, am, tháp lớn nhỏ trong nước với hàng nghìn pho tượng có giá trị, trong đó có những chùa nổi tiếng như viện Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên ở Đông Triều... Ở trung tâm truyền giáo của Pháp Loa còn có Huyền Quang Lý Đạo Tái (1254-1334) - vị tổ thứ ba của phái Trúc Lâm. Sang đến thời Lê, Nguyễn thì Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo Việt Nam và được vua quan các triều đại quan tâm tôn tạo, sửa chữa nên khu di tích Yên Tử là sự kết tinh, sự hội tụ của nền văn hóa dân tộc với dáng dấp kiến trúc, hoa văn trang trí và các mảng chạm khắc mang đậm dấu ấn của các thời đại...
Tác giả dưới chân chùa Đồng.
Ngồi trong cáp treo lên Yên Tử, ở tuyến đầu tiên, ngay khi qua khỏi đường tùng là điểm dừng chân thứ nhất, thật bồi hồi biết bao khi gặp gỡ Huệ Quang Kim tháp hay Tháp tổ. Đây là tòa tháp có bệ tạc đài sen 102 cánh, chạm nổi trang trí dây hoa. Tầng đầu mở cửa hướng chính Nam, bên trong thờ tượng Trần Nhân Tông ngồi thiền ở thế liên hoa, vẻ mặt thanh cao, trí huệ, cảm thông và dung dị. Tượng được tạc bằng đá cẩm thạch, cao 62cm. Cả pho tượng thờ cùng lăng tháp được xây dựng một năm sau ngày vua Trần nhập niết bàn, tức vào năm 1309. Ngôi tháp này được đánh giá là lớn và đẹp nhất trong số 97 tháp của Vườn tháp Yên Tử.
Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử, cho biết: Từ ngày mồng 1 đến hết ngày mồng 6 Tết, danh thắng Yên Tử đã đón hơn 150.000 khách (tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái). Trong ngày chính hội ước tính có đến hơn 10.000 du khách, tăng ni, Phật tử đến dự. Và lượng người nhộn nhịp sẽ tiếp tục đến mồng 10 tháng 3 âm lịch. So với những năm đầu tiên, sau khi khu di tích Yên Tử được đưa vào quản lý, đến nay, tình hình an ninh trật tự tại đây khá ổn định. Đặc biệt, vào những ngày hội này, Ban quản lý đã phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai mở rộng nút giao thông tại ngã ba Dốc Đỏ, chuẩn bị chu đáo các bãi đỗ xe. Hầu hết các hộ kinh doanh dịch vụ tại Yên Tử đều thực hiện việc niêm yết giá dịch vụ, không diễn ra tình trạng lôi kéo, mời chào, ép khách; không bày bán thịt động vật tươi sống... Từ năm 2006 tại đây cũng đã bỏ việc bán vé vãn cảnh. Du khách chỉ mua vé nếu như đi cáp treo, còn đi bộ lên chùa Đồng thì không phải trả tiền.
Điểm dừng chân thứ hai là chùa Hoa Yên. Chùa tọa lạc trên triền núi nhô ra tựa trán rồng. Xưa kia, chùa có nhiều tên: Vân Yên, chùa Chính, chùa Cả... Đến đời vua Lê Thánh Tông, trong khi du hành Yên Tử, lúc vãn cảnh chùa Vân Yên thấy ở đây trăm hoa đua nở nên đã đổi tên chùa thành Hoa Yên. Đây là ngôi chùa mà cả 3 vị Tổ Trúc Lâm Yên Tử: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang đều trụ trì ở đây. Cuối cùng, mục tiêu ngưỡng vọng nhất và cũng là điểm thử thách ý chí, niềm tin với khách hành hương, tức chùa Đồng - tọa lạc cheo leo trên đỉnh núi Yên Tử. Không phải ai cũng vượt qua dễ dàng. Cụ thể, trong nhóm người đi cùng chúng tôi, có người trèo nửa chặng đường đã phải quay lui.
Trong sương khói mơ màng, ngôi chùa hiện ra trông đơn sơ, nhỏ bé, thế nhưng, đây là ngôi chùa bằng đồng lớn và độc đáo nhất Đông Nam Á, có chiều dài 4,6m, rộng 3,6m, cao 3,35m và nặng 70 tấn (đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục). Trong chùa, tôn trí tượng Phật Thích Ca Mâu ni ngự trên đài sen và 3 pho tượng Trúc Lâm Tam Tổ: Trần Nhân Tông, Pháp Loa và Huyền Quang. Cũng tại nơi này, vào cuối tháng 11 năm ngoái, nhà sư Thích Tâm Mẫn vừa đi vừa lạy đã đến làm lễ bái Phật Hoàng Trần Thánh Tông, kết thúc hành trình nhất bộ nhất bái kéo dài hơn 3 năm, mới thấu hiểu phần nào sự kiên trì, sự khổ hạnh, sự hợp nhất con người với thiên nhiên... của triết lý nhà Phật, và cảm nhận thật hạnh phúc, vì trong đời đã một lần được đặt chân đến chùa Đồng trên đỉnh cao Yên Tử.
Trần Trung Sáng