Báo Công An Đà Nẵng

Thăng trầm ngành công nghiệp thép Anh

Thứ sáu, 03/06/2016 11:15

(Cadn.com.vn) - Ngành công nghiệp thép được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của nước Anh nhưng gần đây đang lâm vào khủng hoảng, nhất là khi thép giá rẻ Trung Quốc tràn lan.

Cuộc khủng hoảng thép ở Anh diễn ra âm thầm từ nhiều thập kỷ nhưng hiện nay mới bùng nổ mạnh mẽ, nhất là khi thép Trung Quốc dư thừa bán tràn lan.

Công nhân ngành thép Anh biểu tình vì mất việc.

Bùng nổ và phá sản

Từ lâu, thép từng là “tư lệnh chính của nền kinh tế” Anh và được xem là sản phẩm xương sống của Châu Âu sau chiến tranh. Điều này là tự nhiên đối với một số quốc gia, thậm chí nó còn được coi là cuộc cách mạng công nghiệp như ở Nhật, Hàn, Trung. Nhiều nhà máy lớn ra đời để phục vụ cho nền kinh tế phát triển.

Tuy nhiên, do được đầu tư quá nhiều nên thép sản xuất ra không tiêu thụ được, giá giảm mạnh buộc các nước phải tìm kiếm thị trường mới ở nước ngoài, tạo khủng hoảng toàn cầu. Và trên thực tế, “bong bóng” ngành thép thế giới sôi động trước khi xảy ra cơn bão khủng hoảng tài chính toàn cầu, và hậu quả, thép dư thừa ở khắp mọi nơi. Và tệ hơn nữa khi mới đây Tata Steel công bố kế hoạch bán nhà máy thép tại Port Talbot ở Anh và xứ Wales nhằm cắt giảm chi phí và hạn chế tổn thất hàng tỷ USD trong vòng 5 năm trở lại đây.

Tháng 3-2016, Tata Steel chính thức đóng cửa nhà máy Port Talbot, nơi “kiếm cơm” của hơn 37.000 người dân ở Wales. Quyết  định này được ví như dấu hiệu cảnh tỉnh về mức độ trầm trọng của cuộc khủng hoảng ngành thép ở Châu Âu cũng như trên toàn thế giới. Riêng tại Châu Âu, ước tính khoảng 20% lực lượng lao động trong ngành thép bị mất việc. Theo Tata Steel, việc họ cắt giảm sản xuất, bán nhà máy là do làm ăn thua lỗ cả tại Anh lẫn Châu Âu, do thị trường thép còn tồn đọng quá nhiều.

Theo giới phân tích, cuộc khủng hoảng thép của Anh bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân như: nhu cầu giảm mạnh, chi phí năng lượng cao, quy định về khí thải nghiêm ngặt, sự cạnh tranh thép giá rẻ từ Trung Quốc và nguy cơ Anh rời Liên minh Châu Âu (EU) cộng với chính sách toàn cầu hóa, quy định cứng nhắc của EU và sự hỗ trợ thiếu nhiệt tình của chính phủ. Năm 2003 Trung Quốc sản xuất khoảng 779 triệu tấn thép, chiếm 50% tổng sản lượng thép toàn cầu, năm 2014 tăng lên 820 triệu tấn. Chưa dừng ở đó, trong năm 2016, tập đoàn thép lớn nhất Trung Quốc, hãng Baosteel vừa thông báo sẽ tăng sản lượng thêm 20% lên 27,1 triệu tấn.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cho rằng, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho thép Trung Quốc mà nguyên nhân sâu xa còn do chi phí sản xuất thép tại Anh quá lớn, giá điện cao hơn 50% so với các  thành viên EU khác. Tỷ giá đồng bảng Anh ở mức cao, trong bối cảnh EU không cho phép các nước thành viên sử dụng “quỹ bình ổn” để cứu các nhà máy thép làm ăn thua lỗ.

Giải pháp tình thế

Để giúp ngành thép phục hồi, chính phủ Anh hiện đưa ra áp dụng nhiều giải pháp mới, trong đó có giải pháp “từ  không thể tưởng tượng đến có thể tưởng tượng được” trong khuôn khổ chương trình giải cứu mang tên SOS – “Cứu vớt ngành thép”, trong đó có giải pháp chặn làn sóng thép giá rẻ của Trung Quốc.

Chính phủ Anh còn được khuyến cáo kiện Trung Quốc cho hành động bán phá giá thép lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Theo Viện Nghiên cứu Chính sách Công (IPPR), nếu Tata Steel không giữ được 15.000 việc làm, Anh có thể bị thất thoát 4,6 tỷ bảng Anh tiền thuế VAT và thuế thu nhập. Một tín hiệu đáng mừng là Tata Steel có ý định bán hoạt động sản xuất thép ở Scunthorpe, Lincolnshire cho tập đoàn Greybull Capital nhằm cứu 4.400 việc làm. Ngoài ra, chính phủ Anh còn có kế hoạch mua 25% cổ phần của Tata Steel, và xem lại khả năng quốc hữu hóa một phần Tata Steel.

Kim Hùng
(Theo BBC)