Báo Công An Đà Nẵng

Thang tre mùa lũ

Thứ tư, 03/09/2014 08:30

(Cadn.com.vn) - Mỗi khi mùa mưa bão đến gần, người dân TP Tam Kỳ (Quảng Nam) lại thấy một cụ già đạp xe đạp chở thang tre đi bán. Cụ tên là Nguyễn Ấn (88 tuổi), người đóng thang tre cuối cùng ở thôn Phước Mỹ, xã Tam Đàn, H. Phú Ninh. Nắng cũng như mưa, cứ cách vài ngày cụ Ấn chở 1 hay 2 chiếc thang tre kè kè hai bên hông xe đạp rong ruổi khắp phố cùng quê để bán cho người cần mua.

Sau cơn bão 2009, nghề làm thang tre của cụ Ấn mới "phất lên". Để kiếm thêm khoản chi tiêu cho cuộc sống, 2 vợ chồng già và hơn hết là sự nhờ cậy của bà con, chòm xóm, cụ Ấn tất bật cả ngày lẫn đêm đi tìm tre để mua rồi cho ra lò những chiếc thang tre dài theo kích cỡ 5m, 7m, 9m. Nhu cầu nhiều nên thanh niên trong làng giúp công mua tre để cụ Ấn đỡ vất vả. Thang tre làm ra bao nhiêu chiếc bà con trong xóm mua hết. Giá bán thời điểm đó từ 50 ngàn đồng đến 90 ngàn đồng/chiếc.

Cứ "đến hẹn lại lên", mỗi khi mùa mưa bão sắp đến thì cụ Ấn lại đóng thang tre và rong ruổi trên xe đạp xuống Tam Kỳ bán. Tùy theo kích cỡ, mỗi chiếc thang tre cụ Ấn đóng hiện có giá từ 200 nghìn đến 400 nghìn đồng. Anh Đỗ Văn Hồng, nhà trên đường Phan Châu Trinh, TP Tam Kỳ cho biết: "Chuẩn bị chiếc thang trong mùa mưa bão là rất cần thiết cho gia đình tôi cũng như bà con trong khu phố. Thang tre của cụ Nguyễn Ấn đóng chắc chắn, giá cũng rẻ. Tôi mua ủng hộ vì thấy cụ cao tuổi mà vẫn tiếp tục nghề đóng thang tre rất hữu ích".



Cụ Nguyễn Ấn đưa thang tre đi bán dạo.

Cụ Ấn cho biết, cùng với nghề đan đát, việc làm thang tre ở thôn Phước Mỹ xuất hiện đã lâu lắm rồi, theo kiểu cha truyền con nối. Đan đát nong, nia, thúng, mủng, giần, sàng... thì làm quanh năm suốt tháng để bán cho bà con thôn xóm hoặc các chợ trong vùng. Còn thang tre có ai cần mới đến đặt hàng, chừng 10 ngày đến nửa tháng thì đến mang về. Đối với thôn quê, thang tre là vật dụng không thể thiếu, nhà nào cũng có 1 chiếc để phục vụ cho việc leo trèo rất hữu ích. Thang tre đóng đúng kỹ thuật, sử dụng đúng mục đích và cất giữ cẩn thận thì dùng được đến 10 năm. Thế nên, chỉ đến mùa mưa bão, cần trong việc chằng chống nhà cửa nên nhiều người mới hỏi mua thang tre. Có cầu ắt có cung. Dù tuổi cao nhưng cụ Ấn vẫn ngày ngày cần mẫn đóng thang tre để chở đi bán dạo. "Tùy theo kích cỡ, mỗi ngày tôi đóng được 1 chiếc, vừa phục vụ bà con vừa có khoản tiền chi tiêu cho hai vợ chồng", cụ Ấn nói.

Theo cụ Ấn, trong các nghề liên quan đến tre trúc thì đóng thang là đơn giản, không đòi hỏi kỹ thuật cao và tốn nhiều công sức. Nhưng để có một chiếc thang tre tốt, độ bền chắc và an toàn cho người sử dụng thì phải đảm bảo từ khâu lựa chọn tre đến việc đóng ghép thành sản phẩm. Để làm thang tre tốt trước hết phải lựa được 2 cây tre già (loại tre đực, không bị mối mọt), thẳng, đường kính phần đế chân thang 60-70 cm thon dài đến ngọn. Hai đầu của đoạn tre làm thân thang phải là mắt tre để khỏi bị nứt. Tốt nhất là ngâm tre vài ba tháng hoặc thui sơ qua khói lửa để tăng độ bền chắc. Sau khi uốn nắn cho thân tre được thẳng đều thì phơi khô, dùng rựa riếng mắt sạch sẽ rồi đóng các nấc (gióng) thang vào. Các nấc thang cũng phải dùng thân tre đặc để chịu sức nặng của người cùng với vật dụng mang vác khi lên xuống thang. Hai nấc thang dưới và trên cùng, người thợ sẽ dùng chốt tre (đinh) đóng chặt hoặc dùng dây thép để định hình chiếc thang vững chắc, không bị xoạc ra.

Dù tuổi đã cao nhưng cụ Nguyễn Ấn vẫn còn dẻo dai. Cụ hiện sống cùng vợ ở quê nhà, còn mấy người con của hai vợ chồng cụ đã ra riêng. Nghề đóng thang tre cũng đủ đong gạo để hai vợ chồng sinh sống, không cần sự chăm lo của con cái. Người đóng thang tre cuối cùng của làng Phước Mỹ cũng có lúc ưu tư khi con cháu và người dân trong thôn không ai theo nghề này.

Bài, ảnh: Thạch Hà