Tháng tư gọi về cửa biển...
(Cadn.com.vn) - Vĩnh Quang nay là TT Cửa Tùng (H. Vĩnh Linh, Quảng Trị) nằm ở cuối dòng Bến Hải. Trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ, vùng đất cửa biển này đã phải chịu những nỗi đau xé ruột gan. Đến hôm nay, người đang sống vẫn gợi nhắc trong nước mắt, chưa nguôi ngoai về một thời chiến tranh ác liệt.
Trên nấm mộ chung "đồi 61" là câu "Khắc sâu tội ác quân xâm lược". |
Bi thương "Đồi 61"
Đầu năm 2016, Đại tá Nguyễn Đức Khánh, Chính ủy BĐBP Quảng Trị chia sẻ với chúng tôi về việc xây dựng mới doanh trại của ĐBP Cửa Tùng, quá trình đào móng đã phát lộ hầm địa đạo, bên trong có hài cốt. Sau đó, lực lượng chức năng vào cuộc xác định đó là hầm địa đạo của Đồn CA Cửa Tùng bị bom đánh sập trong những năm kháng chiến. Đây là phát hiện ý nghĩa không chỉ đối với hệ thống di sản địa đạo và làng hầm Vĩnh Linh mà gợi cho nhiều người về một hy vọng tìm lại được hài cốt người thân đã vùi sâu trong một số hầm địa đạo những năm bom đạn ác liệt. Dãy đồi uốn quanh như cánh tay ôm gọn vỗ về Cửa Tùng trước biển khơi xanh ngắt, cũng là trên con đường dẫn đến địa đạo Vịnh Mốc nổi tiếng. Dù chiến tranh đã lùi xa hơn 4 thập kỷ nhưng ngọn đồi ấy vẫn đau đáu tâm can người dân xã Vĩnh Quang (nay là TT Cửa Tùng, H. Vĩnh Linh) kể từ trận bom dội xuống địa đạo gần chợ Cửa Tùng vào ngày 20-6-1967 khiến gần 70 đồng bào bị vùi lấp, nhưng chỉ tìm được 5 người tử nạn ở cửa hầm, còn lại 61 người bị vùi chung trong địa đạo. Đồi làng An Hòa trở thành tên gọi "đồi 61" từ đó...
Dấu tích chiến tranh ấy, nỗi đau xé lòng ấy vẫn khắc sâu trong tâm trí người chứng kiến. Còn với lớp trẻ, đó là lời nhắc nhở sâu sắc về ác liệt của chiến tranh và ý nghĩa của hòa bình, thống nhất hôm nay.
Trạm đèn biển Cửa Tùng được xây mới, nơi đây, năm 1956, nhạc sĩ Hoàng Hiệp |
Tìm hình nỗi nhớ
"...Ơi câu hò chiều nay sao nghe nặng tình ai/ Hay là anh bên ấy trong phút giây nhớ nhung trào sôi...", câu hát vẳng lên từ quán cà-phê 2 tầng ở chân cầu Cửa Tùng hút chân tôi đứng lại. Nghe bản tình ca từ chính vị trí này khiến lòng xao động khác lạ. "Bây chừ đi qua ngọn hải đăng Cửa Tùng là cứ liên tưởng hình ảnh người chồng ngóng về Nam thuở trước. Đúng là bản tình ca này lay động và sâu sắc mãnh liệt", cô gái Lê Thị Thương đi cùng tôi chia sẻ về bài hát "Câu hò bên bờ Hiền Lương" của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Chúng tôi cũng hiểu Thương đang nói về nguyên mẫu của bản tình ca, chuyện tình của người chiến sĩ cách mạng Phan Đồng.
Không có bất kỳ hình ảnh nào về bom, đạn, máu và mất mát, bài hát chỉ có niềm thương nhớ da diết nhưng bật lên được sự ác liệt của cuộc chiến ở nơi giới tuyến đất nước những năm bị chia cắt. Chính trong phút xúc động nhất, nhạc sĩ Hoàng Hiệp đã khắc họa thành công nỗi nhớ ấy khi ông đến Vĩnh Quang (H.Vĩnh Linh) vào năm 1956, lúc mới 25 tuổi. Người tạo nên "chất liệu" cho bản tình ca chính là ông Phan Đồng. Và người hiện còn nắm giữ nhiều hồi nhớ ấy chính là người con gái còn lại duy nhất của ông Phan Đồng, bà Phan Thị Hoa hiện sống tại TT Cửa Tùng.
Năm 1954, ông Phan Đồng rời quê hương là bờ Nam ở thôn 9 xã Trung Giang (H. Gio Linh) tập kết ra Bắc, nhận nhiệm vụ tại Cửa Tùng. Ngoài chiến đấu, sản xuất, ông Đồng còn có nhiệm vụ treo đèn biển cho thuyền bè hướng về. Từ đó sang nơi vợ con ông, chỉ mấy chục sải bơi, mái chèo cũng chỉ cần khua nhẹ, chưa mỏi tay đã cập bờ. Mỗi chiều như thế, trên chòi cao, ông Đồng đều phóng tầm mắt về Nam, nỗi nhớ thương vợ con trào dâng, thắt nghẹn tâm can. Vợ ông, bà Khổng Thị Nậy, lúc ấy cũng hoạt động cách mạng tại Trung Giang và đang mang thai đứa con thứ 3, là bà Hoa. Nhưng cảnh phân ly đã chia cắt họ. Có nỗi nhớ nào day dứt hơn, có niềm thương nào vời vợi hơn nỗi cách xa vợ con như thế.
Một lần ông bí mật về thăm đứa con vừa chào đời. Phút quý giá ấy khiến ông quay quắt khi trở lại bờ Bắc, thôi thúc ông càng quyết tâm chiến đấu, kiên cường để có ngày đoàn tụ. Một chiều mùa hè năm 1956, ông Đồng gặp nhạc sĩ tài hoa Hoàng Hiệp tại Cửa Tùng. Ông kể rất nhiều về tinh thần kiên cường của bà con nơi đây. Trong dằng dặc câu chuyện ấy, nhạc sĩ Hoàng Hiệp bất chợt nhận ra những khoảnh khắc lóe lên trong đôi mắt người treo đèn biển. Đó là niềm thương gửi về Nam, những lúc đó, ông đều dường như ngừng lại, nghẹn ngào...
Và bài hát ra đời đẫm về nỗi nhớ ấy. Những chiến sĩ cách mạng trong cảnh phân ly đều như thấy hình bóng người thân yêu, nỗi nhớ của mình trong đó mà thêm phần vững tin để chiến đấu cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Bà Hoa nghẹn ngào xúc động khi nhắc đến ngày gặp cha. Khi đó bà 18 tuổi, mẹ và anh trai đã hy sinh ở bờ Nam. Một người anh trai khác cũng mất do bệnh tật. Hôm ấy ông Đồng ôm lấy đứa con gái còn lại khóc trong đau đớn. Sau ngày giải phóng, nhạc sĩ Hoàng Hiệp có trở lại Cửa Tùng tìm gặp ông Đồng một lần nữa và kể về bài hát lấy nguyên mẫu từ ông. Người gác đèn biển đã bật khóc trong khắc khoải nhớ thương. Con gái lập gia đình ở Cửa Tùng, ông Đồng cũng ở đó cho đến năm 2006 thì mất.
"Nơi miền quê xa vắng, em có nghe thấu cho lòng anh. Tình này ta xây đắp nên thủy chung không bao giờ phai", tôi lại nghe câu hát như dội vào tim, vẽ lên câu chuyện tình của những người chiến sĩ cách mạng đẹp và lung linh rạng ngời. Cửa biển hôm nay đã có chiếc cầu kiên cố, rộng đẹp, nhưng dường như tâm thức mọi người đôi bờ Bắc-Nam từ lâu đã được nối bởi câu chuyện tình nồng thắm và mãnh liệt đến mãi sau.
Bảo Hà