Báo Công An Đà Nẵng

Tháng Tư, nơi đầu nguồn biên giới... (Kỳ 1:“Lá chắn thép” dọc dải biên cương!)

Thứ tư, 27/04/2022 15:46
CBCS Đồn Biên phòng La Êê phối hợp với Đại đội bảo vệ biên giới 533 của Lào tuần tra, bảo vệ cột mốc, đường biên.

Vững chãi Đắk Ngol

Đường lên các xã biên giới của huyện Nam Giang (Quảng Nam) mùa này thật đẹp, chỉ có điều hơi đìu hiu, vắng vẻ bởi dư âm của “cơn bão” COVID-19 vẫn còn hiện hữu. Khác với sự nhộn nhịp, đông đúc bởi lượng người, phương tiện, hàng hóa di chuyển qua lại cửa khẩu biên giới giữa tỉnh Quảng Nam (Việt Nam) và tỉnh Sê Kông (Lào) trước khi có dịch, thì nay thỉnh thoảng mới có một vài chiếc ô-tô di chuyển trên đường, chủ yếu là xe chở gỗ keo do bà con đồng bào khai thác từ rừng trồng. Phải chăng vì thế mà quãng đường chúng tôi đi từ Đà Nẵng lên Đồn biên phòng La Êê nhanh hơn thường lệ.

Đón chúng tôi, ngoài Thượng tá Quách Thiện Dư, Chính trị viên và Thượng tá Lê Huy Bảy, Đồn trưởng còn có đông đảo cán bộ chiến sỹ của Đồn. Khác với hình dung ban đầu có thể sẽ có “khoảng cách” nhất định, nhưng hoàn toàn ngược lại, chúng tôi đã nhận được tình cảm hết sức nồng ấm, chân tình của mọi người, cảm giác như những người thân lâu ngày mới gặp lại. Sau cái tay bắt, mặt mừng, chúng tôi dùng vội bữa cơm trưa đạm bạc nhưng lại vô cùng ấm áp cùng đơn vị. Bữa cơm trở nên chóng vánh hơn khi Thượng tá Dư nhìn về phía núi bảo: “Hôm nay chắc mưa sớm! Anh em lên Đồn xong rồi còn đi đâu nữa không? Nếu đi vào chốt thì tranh thủ đi sớm, kẻo chiều nay trời mưa to, đi lại vất vả lắm. Cần thông tin gì thì anh em quay về trao đổi sau”…

Dẫn chúng tôi lên thăm chốt kiểm soát Đắk Ngol (Suối nước ngọt) là Thiếu tá Zơ Râm Thân (1982), Đội trưởng Đội trinh sát (Đồn biên phòng La Êê), Chốt trưởng. Thiếu tá Thân là người Tà Riềng, sinh ra và lớn lên tại Đắk Ngol, có lẽ ngoài nghiệp vụ, chuyên môn được trau dồi thì sự am hiểu, thông thuộc địa bàn mà anh được cấp trên tin tưởng, giao nhiệm vụ Đội trưởng Đội trinh sát địa bàn?!

Lực lượng Bộ đội Biên phòng, Công an, Đoàn Thanh niên và các em học sinh xã La Êê phát quang, dọn dẹp cột mốc biên giới.

Chốt Đắk Ngol mặc dù được xem là khá gần so với các chốt kiểm soát khác, được BCH Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Nam và Đồn biên phòng La Êê thành lập kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bắt đầu manh nha, tuy nhiên cũng phải mất hơn 30 phút đi xe và chừng ấy thời gian cuốc bộ đường rừng chúng tôi mới tiếp cận được. Chốt nằm trên một ngọn đồi heo hút, cách xa địa bàn dân cư. Cái duy nhất hơn các chốt khác là ở đây đã có điện (kéo nhờ của bà con từ dưới bản lên – PV) và chỗ ăn ở, sinh hoạt của anh em cán bộ chiến sỹ cơ bản đáp ứng nhu cầu. Khi chúng tôi đến, ngoài số anh em đang đi tuần, thì tại chốt chỉ có Thiếu tá ALăng XRăng, nhân viên Đội vận động quần chúng, thành viên Tổ kiểm soát tại chốt.

Cũng vẫn cái cảm giác được đón tiếp như những người thân lâu ngày trở về, Thiếu tá Thân cũng như Thiếu tá XRăng ôn tồn kể về những công việc, nhiệm vụ mà hằng ngày các anh vẫn thực hiện. “Cao điểm nhất là những ngày dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Ngoài tuần tra bảo vệ tuyến biên giới từ cột mốc 709 đến 712 (khoảng 25 km), dọc tuyến chủ yếu là địa hình rừng núi, dốc cao, nhiều đường mòn, lối mở nên không tránh khỏi tình trạng người dân lợi dụng để xuất nhập cảnh trái phép”, Thiếu tá Thân nói. Đồng thời minh chứng, vào ngày 29-12-2021, trong quá trình tuần tra, bảo vệ tuyến biên giới, Tổ tuần tra tại Chốt phát hiện một nhóm người đang tìm cách xâm nhập vào nội biên. Sau khi phát hiện, Tổ tuần tra đã tiến hành bắt giữ, dẫn giải về Đồn. Tại đây, những người này khai nhận quê ở tỉnh Gia Lai, sau thời gian qua Lào làm công nhân khai thác gỗ thì dịch bệnh bùng phát nên bị kẹt lại. Cuộc sống khó khăn, không còn cách nào khác, họ tìm cách vượt biên để trở về. Vụ việc sau đó được Đồn chuyển cho các cơ quan chức năng xử lý theo thẩm quyền.

Cũng theo Thiếu tá Thân, vị trí của chốt nằm ở nơi trọng yếu, nhưng cách Đồn Biên phòng La Êê hàng chục km, cách xa khu dân cư nên việc phối hợp với các lực lượng dân quân, công an trong công tác tuần tra, bảo vệ biên giới, phòng chống dịch bệnh gặp không ít trở ngại. Bám trụ ở nơi xa xôi, khó khăn, cách trở với đơn vị và nhân dân là thế nhưng anh em trực chốt tại đây vẫn hằng ngày vượt khó để hoàn thành nhiệm vụ… Và để yên tâm bám trụ, CBCS tại chốt vẫn hằng ngày tăng gia sản xuất, trồng thêm rau xanh, nuôi thêm gà, thêm cá để tự cung tự cấp một phần.

Rời chốt kiểm soát Đắk Ngol cũng là lúc trời đổ mưa. Cơn mưa bất chợt, không lường trước khiến cho việc di chuyển của chúng tôi trở nên khó khăn hơn. Trơn trợt, ướt át, lấm lem bùn đất chỉ khiến cho chúng tôi khâm phục hơn ý chí, tinh thần trách nhiệm của những người đang ngày đêm bám chốt, bảo vệ bình yên đường biên, mốc giới quốc gia. Với họ, dù có khó khăn, vất vả thế nào cũng chỉ là những ranh giới tầm thường, sợ nhất là không nỗ lực khắc phục để vượt qua. Như câu nói nửa đùa nửa thật của Thượng tá Quách Thiện Dư, Chính trị viên Đồn biên phòng La Êê: “Anh em khổ quen rồi, sướng tí lại chịu không được”!

Thiếu tá Zơ Râm Thân (ngồi) cùng Thiếu tá ALăng XRăng đang chăm sóc vườn rau xanh tại chốt kiểm soát Đắk Ngol.

Pà Ooi điểm tựa…

Đồn biên phòng La Êê đóng quân tại địa bàn thôn Pà Ooi, xã La Êê. Đồn được giao quản lý, bảo vệ đoạn biên giới dài 35,13 km với 13 cột mốc, 3 cọc dấu, tiếp giáp với 9 bản thuộc huyện Đắk Chưng, tỉnh Sê Kông (Lào). Với địa bàn quản lý rộng gần 24 ngàn ha, có 6 thôn thuộc 2 xã La Êê và Chơ Chun của huyện Nam Giang.

“Với đặc thù địa bàn đơn vị quản lý, bảo vệ rộng, việc cơ động không thuận lợi, nhất là mùa mưa bão; đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tình hình khiếu kiện, khiếu nại, tranh chấp đất đai diễn biến phức tạp; hoạt động truyền đạo trái pháp luật, khai thác lâm khoáng sản trái phép diễn biến phức tạp, thiên tai bão lũ diễn ra liên tục và gây hại nghiêm trọng, dịch bệnh COVID-19 hoành hành... Tuy nhiên lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ của Đồn vẫn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, vững tay súng, bảo vệ vững chắc biên cương”, Thượng tá Quách Thiện Dư, Chính trị viên Đồn khẳng định.

Cũng theo Thượng tá Dư, quán triệt nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch công tác Biên phòng, sẵn sàng chiến đấu đến toàn bộ CBCS, thời gian qua, Đồn đã tổ chức lực lượng bám, nắm tình hình địa bàn nội, ngoại biên, phát huy có hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ, qua đó thu thập được 191 nguồn tin có giá trị sử dụng phục vụ cho công tác chỉ huy, quản lý, giữ vững an ninh, trật tự địa bàn. Bên cạnh đó, Đồn cũng thường xuyên tổ chức hội đàm, tuần tra song phương, kiểm tra toàn bộ hệ thống đường biên, cột mốc với Đại đội bảo vệ biên giới 533 của Lào; phối hợp với Đảng ủy, UBND 2 xã La Êê và Chơ Chun tổ chức hàng chục lượt tuần tra, kiểm tra, phát quang hệ thống đường biên, cột mốc…

Trong cuộc chiến phòng chống dịch bệnh COVID-19, Đồn đã thành lập 4 chốt và bố trí 127 lượt cán bộ, chiến sỹ đơn vị, 12 lượt cán bộ các phòng cơ quan Bộ Chỉ huy, phối hợp với 165 lượt công an, dân quân, y tế 2 xã để tiến hành các biện pháp phòng, chống dịch tại tuyến đường liên xã ra vào khu vực biên giới và các đường mòn qua lại biên giới. Bên cạnh đó, Đồn cũng phối hợp với các lực lượng kiểm lâm, địa chính tuần tra, truy quét, phát hiện 32 vụ/96 đối tượng vi phạm quy chế khu vực biên giới, xử phạt vi phạm hành chính hơn 51 triệu đồng; đốt phá 8 lán trại, 5 bồn đãi vàng, 1 máy nổ, 1 súng kíp, 1 máy xay; tịch thu tang vật vi phạm gồm 2 xe máy, hơn 5m3 gỗ các loại…

Đặc biệt trong 2 năm (2019-2020), thực hiện có hiệu quả các quy chế, chương trình phối hợp, Đồn Biên phòng La Êê đã huy động các nguồn lực từ 75 tổ chức, cá nhân, tổ chức hỗ trợ hơn 7,2 tỷ đồng cho các gia đình chính sách, người nghèo, học sinh trên địa bàn.

Chia tay lãnh đạo, CBCS Đồn Biên phòng La Êê, chúng tôi mang theo về tình cảm và sự nể phục. Công việc tuần tra bảo vệ biên giới, phát hiện và ngăn chặn các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép; vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phối hợp trong bảo vệ biên giới, phòng chống tội phạm; cùng địa phương nơi đứng chân chăm lo phát triển kinh tế - xã hội… là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của các anh. Nghe thì đơn giản, nhưng để thực hiện tốt thì rất cần tinh thần, thái độ, trách nhiệm, thậm chí là sự hy sinh vô điều kiện của mỗi CBCS mang quân hàm xanh dọc giải biên cương này.

Ký sự: DOÃN HÙNG