Báo Công An Đà Nẵng

Thanh Chiêm-dinh xưa, trấn cũ

Thứ sáu, 23/06/2017 12:20

(Cadn.com.vn) - Ẩn dưới lớp bụi thời gian, ở vùng đất Điện Bàn (Quảng Nam) từng tồn tại một dinh trấn được xem như "kinh đô thứ 2" của các chúa Nguyễn, vùng đất khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Đó là dinh trấn Thanh Chiêm, một di tích có một không hai ở xứ Quảng.

Đất trung chuyển mở cõi

Dinh trấn Thanh Chiêm ngày nay được các nhà khoa học xác định nằm ở xã Điện Phương (Thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Tuy nhiên, trải qua 415 năm, dấu tích về dinh trấn ngày nay chẳng còn, có chăng chỉ còn lưu lại tên địa danh và trong ký ức của nhiều người cao tuổi. Hỏi chuyện về dinh trấn Thanh Chiêm, ông Đinh Trọng Tuyên (thôn Thanh Chiêm 2, xã Điện Phương), người có nhiều năm nghiên cứu về dinh trấn đọc cho tôi nghe vài câu thơ do ông sáng tác: "Dinh trấn Thanh Chiêm nhớ một thời/ Bốn trăm năm cũ bấy nhiêu đời/ Hành Cung, Vọng Nguyệt đâu còn nữa/ Chợ Củi, Nhà Lao đã mất rồi ...". "Bây giờ dinh trấn Thanh Chiêm chỉ còn lưu lại ở tên các địa danh, nhưng đã có một thời, nơi đây là vùng đất sầm uất", ông Tuyên nói.

Bia dinh trấn Thanh Chiêm được người dân dựng lên ở thôn Thanh Chiêm 1 (xã Điện Phương). 

Quả thật, dinh trấn Thanh Chiêm đã đi vào lịch sử như một địa danh nổi tiếng của sứ Đàng Trong. Với tầm nhìn chiến lược, chúa Tiên Nguyễn Hoàng khi đặt chân đến vùng đất Quảng Nam đã chọn đây "là đất yếu hầu của miền Thuận Quảng". Sử xưa chép rằng, "Chúa Nguyễn Hoàng lại đi thăm xứ Quảng Nam, thấy núi Ải Vân hiểm trở sừng sững vươn cao, khen mãi cho là nơi cảnh đẹp, núi kỳ. Rồi đó, Nguyễn Hoàng vượt đèo đi vào địa phận phủ Thăng Hoa, Quảng Nam xem xét tình hình núi non các nơi trong xứ. Thấy xứ này đầy nguồn hiểm yếu, cửa biển vững chắc, bèn sai dựng hành điện, kho tàng để chứa trữ thóc tiền, mưu toan công việc lâu dài. Lại để công tử Nguyễn Phúc Nguyên ở lại trấn thủ để bảo vệ dân lành".

Vào năm 1602, chúa Nguyễn đã cho dựng dinh trấn Thanh Chiêm, mở đầu cho sự phát triển thịnh vượng của Đàng Trong trong suốt hai thế kỷ XVII và XVIII. Ban đầu, chúa Nguyễn Hoàng chọn lập dinh ở Cần Húc (Duy Xuyên ngày nay), sau chuyển về Thanh Chiêm, với tên gọi chung là Dinh Chiêm làm lỵ sở của dinh Quảng Nam. Các nhà nghiên cứu cho rằng, việc đặt dinh Quảng Nam, sai con là Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ dinh này và cắt vùng đất nam Hải Vân (vốn thuộc huyện Điện Bàn, xứ Thuận Hóa) nhập vào dinh Quảng Nam, chúa Nguyễn Hoàng đã mở ra một chương mới trong lịch sử mở cõi của Đại Việt. Quyết định này cũng biến Quảng Nam thành vùng đất "ngoài biên ải" thành trung tâm chính trị, kinh tế lớn. "Đây là trung tâm kinh tế lớn, một hậu phương vững chắc cho Thuận Hóa phòng ngự ở mặt bắc với chúa Trịnh và trở thành đất trung chuyển cho dân tộc tiến về phương Nam", nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Đăng (Trường Đại học khoa học Huế) đã nhận xét như vậy khi nói về dinh trấn Thanh Chiêm.

Dinh trấn Thanh Chiêm trong tranh vẽ của các thương nhân Nhật Bản khi đến Hội An giao thương. 

Cái nôi chữ Quốc ngữ

Tại dinh trấn Thanh Chiêm, các nhà nghiên cứu tin rằng đây là cái nôi khai sinh ra chữ Quốc ngữ. Dẫn tài liệu mà mình nghiên cứu, ông Đinh Trọng  Tuyên quả quyết, "Nhiều tài liệu đã chứng minh giáo sĩ Francisco de Pina mới chính là người đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, chứ không phải là Alexandre de Rhodes như mọi người vẫn lầm tưởng. Và nơi đầu tiên ông Latinh hóa tiếng Việt là ở Thanh Chiêm". Vào năm 1617, giáo sĩ Pina được cử đến xứ Đàng Trong, làm việc tại trụ sở Hội An. Khi đến xứ Đàng Trong, Pina nhiều lần qua lại Hội An và Thanh Chiêm, ông nhận thấy tiếng nói ở dinh trấn Thanh Chiêm là hay nhất, thuận lợi cho việc nghiên cứu tiếng nói nhất. "Kẻ Chiêm (tức Thanh Chiêm) vẫn là nơi tốt nhất với tư cách là trung tâm của triều đình. Ở đây người ta nói rất hay, có sự đổ dồn của những người trẻ tuổi đến mà họ là những sĩ tử và bên họ, những ai bắt đầu học tiếng có thể tìm thấy mọi sự giúp đỡ", Pina nhận xét. Do có năng khiếu về ngôn ngữ và phương pháp làm việc khoa học nên chỉ trong một thời gian ngắn, giáo sĩ Pina đã có thể giảng đạo bằng tiếng Việt, cùng với giáo sĩ Borri biên soạn kinh sách bằng tiếng Nôm. Cuốn Nhập môn tiếng Đàng Ngoài của Pina là một công trình Latinh hóa tiếng Việt sớm nhất. Trong lời đầu tiên của cuốn từ điển bằng 3 thứ tiếng Việt -Bồ -La, giáo sĩ Alexandre de Rhodes cũng đã khẳng định: "Tôi từng học với giáo sĩ Pina, một người Bồ Đào Nha thuộc dòng Tên. Ông là người rất giỏi tiếng bản xứ và là người đầu tiên dám tự giảng bằng tiếng bản xứ".

Vì sao Thanh Chiêm là nơi đầu tiên khai sinh ra chữ Quốc ngữ? Các nhà nghiên cứu cho rằng, bởi cảng thị Hội An và Thanh Chiêm là nơi tiếp nhận hầu hết các thông tin, luồng văn hóa từ bên ngoài, còn có chính sách cai trị cởi mở của các quan trấn thủ Thanh Chiêm. Ngoài ra những xướng âm phong phú, đa dạng của người xứ Quảng cũng góp phần giúp các giáo sĩ phương Tây phiên âm tiếng Việt bằng chữ Latinh. Như giáo sĩ Pina từng nhận định: "Tiếng nói này là một ngôn ngữ có thanh, giống như một sự xướng âm và trước hết phải biết xướng âm nó đã, sau đó mới học đến các chữ". Ngày nay, chữ Quốc ngữ trở thành văn tự chính thức của Việt Nam, công lao đó, trước hết phải kể đến giáo sĩ Francisco de Pina và hẳn nhiên cũng không thể nào quên vùng đất Thanh Chiêm, nơi đầu tiên đón nhận chữ Quốc ngữ chào đời. Chính vì lẽ đó, vừa qua dinh trấn Thanh Chiêm được công nhận là di tích cấp Quốc gia.

Minh Hà