Báo Công An Đà Nẵng

Thành công trong chống dịch COVID-19 thể hiện tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam

Thứ hai, 30/10/2023 06:59
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị.

Việt Nam có năng lực tốt

Hội nghị đánh giá, COVID-19 là đại dịch có quy mô toàn cầu, chưa từng có trong lịch sử, diễn biến phức tạp, khó dự báo. Trước yêu cầu cấp bách bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế- xã hội, với các quyết sách đúng đắn, kịp thời, phù hợp với diễn biến từng giai đoạn của dịch bệnh của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong thời gian ngắn đã làm chậm sự lây lan, ngăn chặn sự bùng phát và từng bước đẩy lùi được dịch bệnh. Hiện nay, dịch bệnh đã được kiểm soát trên cả nước.

Đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội.

Kết quả đạt được trong phòng, chống dịch COVID-19 đã góp phần quan trọng và tạo thuận lợi cho kinh tế xã hội phục hồi, khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo, tăng trưởng đang ở mức cao; tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02% (cao nhất trong 12 năm), quý III năm 2023 đạt 5,33% và tính chung 9 tháng của năm 2023 đạt 4,24%. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển; an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực.

Bà Angela Pratt - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam; cách ứng phó với dịch bệnh của Việt Nam trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia trong phòng, chống dịch bệnh. Đại diện WHO chỉ rõ 6 bài học, yếu tố mà Việt Nam đã thực hiện hiệu quả để thành công trong phòng, chống đại dịch COVID-19 để đến nay được chuyển phân loại từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao đổi với bà Angela Pratt - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam.

Trong đó, Việt Nam có năng lực tốt trong phát hiện, truy vết, khoanh vùng, dập dịch; thực hiện đóng cửa biên giới, phong tỏa các điểm dịch phù hợp; có hệ thống và đội ngũ y tế tận tâm; sáng suốt thực hiện chiến lược vaccine thần tốc; có sự tham gia tích cực của cả cộng đồng; đặc biệt có sự quyết đoán, tận tâm của lãnh đạo Chính phủ trong phòng, chống dịch.

4 bài học kinh nghiệm từ Đà Nẵng

Tham gia phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Lê Trung Chinh bày tỏ: Đại dịch COVID-19 tác động rất lớn đến đất nước chúng ta nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, sự nỗ lực của các địa phương, sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp nên chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế đất nước đã được phục hồi. Chúng ta trân trọng kết quả đó. Trong quá trình triển khai công tác phòng chống dịch tại TP Đà Nẵng, chúng tôi xin được rút ra 4 bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, chúng ta phát huy tính hiệu quả của phương châm 4 tại chỗ và sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, thống nhất và đồng bộ.

Thứ hai, là theo dõi sát, đánh giá, dự báo đúng tình hình để chủ động các phương án, kế hoạch hiệu quả với tinh thần là biện pháp phải cao hơn, nhanh hơn diễn biến dịch và điều trị phải đi đôi với kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh.

Thứ ba, là đa dạng hóa các loại hình điều trị và kịp thời đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung nhân lực y tế, điều phối trang thiết bị và đặc biệt là ứng dụng tốt công nghệ thông tin. Và cũng dịp này, Thành phố Đà Nẵng cũng rà soát lại hệ thống y tế cơ sở của mình, lâu nay được quan tâm nhưng chưa đúng mức. Qua lần này, chúng ta thấy cần rà soát đánh giá và có sự đầu tư hơn nữa.

Bài học thứ tư là có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vai trò của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt là sự phối hợp giữa các địa phương, một biện pháp của địa phương này sẽ tác động đến các địa phương khác. Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương phối hợp rất nhịp nhàng trong công tác phòng chống dịch.

Lãnh đạo TP Đà Nẵng tham dự Hội nghị.

Tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu kiến nghị: Trung ương đã ban hành nhiều quy định tạo hành lang pháp lý triển khai tình trạng khẩn cấp, rất mong thời gian tới tiếp tục điều chỉnh các quy định, hành lang pháp lý đảm bảo sự thống nhất để các địa phương triển khai. Đặc biệt hiện nay ở các địa phương, đang đưa ra thời gian dịch kết thúc tại địa phương mình. Bộ Y tế thì đưa ra là tháng 1-2020 đến tháng 9-2021, khoảng 20 tháng. “Chúng tôi rất mong Chính phủ, Bộ Y tế thống nhất điểm này để làm cơ sở cho cả nước vì mỗi địa phương có thời gian diễn biến dịch khác nhau. Vì sao? Bởi vì hiện nay nhiều dự án cũng như giới hạn dự án rất cần đến thời điểm bất khả kháng. Rất mong Chính phủ, Bộ Y tế chúng ta thống nhất thời gian này trong cả nước”, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nói và đề nghị Bộ Y tế xây dựng các tiêu chí và thực hiện thường xuyên những thống kê, quản lý dữ liệu về y tế thống nhất trong cả nước để phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, xử lý, kiểm soát dịch bệnh.

Chuẩn bị năng lực ứng phó trong mọi tình huống

Điểm lại những khoảnh khắc không thể nào quên trong giai đoạn đầy cam go của cuộc chiến chống dịch bệnh COVID-19; những tháng ngày đầy cảm xúc, thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả những sự hy sinh, mất mát của đồng bào, đồng chí cả nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, giai đoạn chiến đấu với dịch bệnh chính là thước đo của bài học "lửa thử vàng, gian nan thử sức", thể hiện tinh thần "đoàn kết, tương thân, tương ái" và lòng yêu nước của cả dân tộc.

Nêu bật các kết quả, những tồn tại, hạn chế và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng cho rằng, Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả vì có tư duy, phương pháp luận đúng là “đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết; lấy người dân là trung tâm, chủ thể trong phòng, chống dịch; lấy xã, phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ; chiến thắng đại dịch là chiến thắng của nhân dân”.

“Thành công trong cuộc chiến chống đại dịch một lần nữa khẳng định tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam, không lùi bước trước mọi khó khăn, thách thức”, Thủ tướng khẳng định.

Trên cơ sở những bài học kinh nghiệm đúc kết, thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, nhất là Bộ Y tế tiếp tục phối hợp, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; tháo gỡ khó khăn vướng mắc còn tồn tại trong công tác phòng, chống dịch; tập trung khắc phục bất cập, vướng mắc trong pháp luật hiện hành và tạo lập hệ thống khuôn khổ pháp lý đồng bộ, đầy đủ, phù hợp, đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, nhất là về mua sắm thuốc, vaccine, trang thiết bị, vật tư y tế... trong mọi tình huống, kể cả trong tình trạng khẩn cấp; nghiên cứu, đề xuất, thiết lập cơ chế, tổ chức phòng, chống đại dịch tại các tuyến, đảm bảo việc huy động, quản lý, điều phối, sử dụng tối đa nguồn lực; xây dựng Kế hoạch quốc gia ứng phó với đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai.

Phạm Tiếp