Báo Công An Đà Nẵng

"Thành hoàng" vùng đầm phá Tam Giang

Thứ bảy, 16/07/2016 11:09

(Cadn.com.vn) - Năm 2002, tôi viết phóng sự "Ông tổ nghề nuôi tôm bên Phá Tam Giang" về Phan Thế Phương-nguyên Giám đốc Sở Thủy sản tỉnh TT-Huế, người  được ngư dân xã Quảng Công, H. Quảng Điền (TT-Huế) suy tôn là "Thành hoàng" làng. Năm 2003, ông được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới... Đầu tháng 7-2016, tôi được bà con thôn 14 xã Quảng Công mời về dự kỷ niệm 30 năm dân thủy điện lên định cư và khánh thành miếu thờ Anh hùng Phan Thế Phương mới xây lại...

Miếu thờ Anh hùng Lao động Phan Thế Phương tại thôn 14. 

Câu chuyện ông Phương bắt đầu từ sau trận bão lớn Cecil năm 1985 làm chết 703 người, trong đó đa phần là dân thủy điện dọc Phá Tam Giang, tỉnh TT- Huế chủ trương đưa dân lênh đênh sông nước lên bờ định cư để đảm bảo cuộc sống. Thôn 14 ra đời từ đó (1986). Lúc đầu lên định cư dân không quen vì không điện, đường, trường, trạm. Nhà nào cũng bảy tám đứa con lít nhít, nheo nhóc, sinh ra không có giấy khai sinh, không  đi học. Đa phần làng là hộ nghèo đói, định cư thì dễ nhưng duy trì cuộc sống cho dân mới khó. Liệu Nhà nước có nuôi họ mãi được không? Một câu hỏi đặt ra: Làm sao vừa định cư, vừa tổ chức cho bà con sống với nghề của mình? Câu hỏi ấy luôn ám ảnh vị Giám đốc Sở Thủy sản Phan Thế Phương. Nhận thấy đây là trách nhiệm lớn của mình, ông đề xuất kế hoạch lập khu định cư và tổ chức nuôi trồng thủy sản. Ý kiến ông được lãnh đạo ủng hộ nhưng phải bắt đầu từ đâu?

Sau bão 1985, ông một mình từ Huế đi "đò chợ" về vùng Quảng Ngạn, Quảng Công bên kia Phá Tam Giang để tìm hiểu, nghiên cứu cách thức định cư cho bà con. Ông bàn với lãnh đạo xã Quảng Công thành lập một khu định cư dân vạn chài. Thế là thôn 14 ra đời với 36 hộ dân đò phiêu dạt vì bị bão được vận động về lập thôn. Anh Nguyễn Văn Bỉnh, Chủ tịch xã Quảng Công lúc đó nói: "Nghe bác Phương nói chuyện định cư thích lắm nhưng chúng  tôi chỉ nghĩ cái lợi là dễ quản lý hộ dân hơn, vì họ hay lang thang trên đò, không nghĩ được như bác Phương là "phải thay đổi cuộc sống dân vạn chài, làm cho họ giàu hơn". Thế là chuyện đào hồ nuôi tôm bắt đầu.

Từ đó 36 hộ đầm phá cùng về định cư trên bãi đất hoang cuối xã Quảng Công, cạnh quốc lộ 49, bên Phá Tam Giang bắt đầu đào ao nuôi tôm, được hướng dẫn vào Đà Nẵng, Nha Trang mua giống tôm, thức ăn. Rồi ông vận động ngân hàng cho họ vay vốn. Lúc đầu vì sợ thất bại nên chỉ dám thả tôm giống 3- 4 con/1m2. Nhưng kết quả thật phấn chấn. Tôm nuôi rất  mau lớn và bán được giá. Thế là năm 1988, thôn 14 phát triển hồ tôm lên 2 ha. Đến năm 1989, cả xã Quảng Công đã có 20 ha hồ nuôi tôm, chủ yếu cũng ở thôn 14. Lúc này tôm giống thả rất thưa, chủ yếu là tôm đất, tôm rảo, nhưng năng suất cũng đạt 200- 300 kg/ ha. Mừng lắm, mơ cũng không thấy! Chưa bao giờ người dân đầm phá lại một lúc có trong tay được vài tạ tôm sú, giá hơn chục triệu đồng! Những ngày đó kỹ sư Phan Thế Phương luôn bám sát thôn 14, đích thân lội ra hồ tôm kiểm tra vệ sinh, thức ăn.

Thôn 14 xã Quảng Công hôm nay.

Năm 1989, ông tổ chức "Hội  nghị nuôi tôm đầu bờ" ở ngay thôn 14, Quảng Công. Có tới 150 đại biểu vượt phá về tận ruộng tôm để bàn việc phát triển nghề nuôi tôm, trong số đó có 100 đại biểu là ngư dân các xã ở Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền về học tập cách nuôi tôm. Nhiều kỹ sư, tiến sĩ chuyên ngành ở Bộ Thủy Sản, các Trường Đại học Thủy sản ở Hải Phòng, Nha Trang cũng được mời đến hội nghị. Người dân Quảng Công gọi đó là Hội nghị "Diên Hồng" kinh tế đầm phá". Từ sau Hội nghị đầu bờ ở thôn 14, Quảng Công ấy, việc nuôi trồng thủy sản đã được triển khai quy mô lớn toàn tỉnh. Từ nuôi rau câu,  nuôi cua ở Thuận An, Tân Mỹ, đến nuôi tôm sú ở các xã ven phá của Phú Lộc, Phú Vang, Phong Điền, Quảng Điền rầm rộ phát triển. Sau này bà con nuôi thêm nhiều loại như cá mú lồng, vẹm xanh, hàu, cá lồng trên sông...

Ngày 6- 10- 1991, ông vào Nam Bộ  nghiên cứu chuẩn bị con giống cho vụ nuôi mới. Khi trở về, đến địa phận tỉnh Bình Thuận, ông bị tai nạn ô-tô và vĩnh viễn ra đi ở tuổi 59. Sau khi ông Phương qua đời, người dân vùng đầm phá Tam Giang lập miếu thờ, xem ông là ông tổ của nghề nuôi tôm giúp dân nghèo đổi đời. Ngày 16-9-2003, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký quyết định truy tặng danh hiệu "Anh hùng Lao động" cho ông Phương...

Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh TT-Huế đã lên hơn 5.000 ha. 100% xã đầm phá có điện, có hệ thống nước sạch. Từ đó 67 hộ dân thôn 14 Quảng Công đã "an cư lạc nghiệp". Sau 30 năm "lên bờ", 100% hộ dân ở đây đã thoát nghèo và nhiều hộ giàu. 15/15 tiêu chí xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành vượt mức...Từ chỗ  thất học, xã Quảng Công mấy năm nay, mỗi năm có 7- 8 em đậu vào các trường cao đẳng, đại học. UBND H. Quảng Điền đã có quyết định đổi tên Trường THCS Quảng Công thành Trường THCS Phan Thế Phương. Một tấm bia tưởng niệm công đức của Phan Thế Phương đã được dựng trang trọng giữa sân trường. Tôi đi một vòng quanh thôn 14, nhận ra chỉ mới 12 năm mà toàn là nhà xây, nhà đúc khang trang.

Tại Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập thôn 14, ai cũng nhắc đến tên ông. Ông Phạm Kinh, Bí thư chi bộ thôn 14 bộc bạch: "Nhờ bác Phương, cuộc sống thôn 14 chúng tôi mới có được như hôm nay. Ai cũng bảo: "Cứ làm theo cách ông Phương,  lập làng định cư, nuôi trồng thủy sản, thì vừa giàu có, vừa văn minh thôn xóm!".

Ngô Minh