Báo Công An Đà Nẵng

Thành lập 3 sở chỉ huy chống bão Haiyan

Thứ sáu, 08/11/2013 16:38

(Cadn.com.vn) - Sáng 8-11, Trung tướng Lê Chiêm, Tư lệnh Quân khu 5 chủ trì cuộc hợp Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Quân khu.

Theo đó, Quân khu thành lập ngay sở chỉ huy cơ bản tại Đà Nẵng và 2 sở chỉ huy cơ động tại Quảng Nam và Bình Định, do Thiếu tướng Nguyễn Long Cáng, Phó tư lệnh - Tham mưu trưởng Quân khu và Thiếu tướng Đoàn Kiểu, Phó tư lệnh Quân khu chỉ huy các lực lượng sẵn sàng cơ động xử lý tình huống.

Tư lệnh Quân khu yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường trực 24/24 giờ theo dõi sát diễn biến của bão và mưa lũ trên địa bàn. Kiểm tra các khu vực trọng điểm (ngập lụt, lũ ống, quét, sạt lở đất, hồ đập thuỷ điện…), tham mưu cho chính quyền địa phương kiên quyết di dời nhân dân sống ở các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; đặc biệt là sơ tán nhân dân các làng ven biển, hoàn thành trước 13 giờ ngày 10-11.

Tư lệnh Quân khu 5 chỉ đạo: Các địa phương, đơn vị trên địa bàn các tỉnh ven biển từ 12 giờ ngày 8-11 tạm dừng huấn luyện, công tác chưa cần thiết, tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp chằng chống nhà cửa, kho tàng, nhà xe, pháo, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật chất dự trữ xử trí các tình huống.

Chiều ngày 8-11, Quân khu đã cử các đoàn công tác về các địa phương, đơn vị kiểm tra tình hình triển khai ứng phó bão Haiyan.

Bình Định: Khẩn trương ứng phó với siêu bão Haiyan

Lo ngại bão Haiyan có thể ảnh hưởng trực tiếp tới tỉnh  Bình Định, sáng 8-11, UBND tỉnh Bình Định tổ chức cuộc họp trực tuyến khẩn cấp triển khai các biện pháp chống siêu bão.

Sáng 8-11, nhiều vùng H. Tuy Phước (Bình Định) ngập trong nước lũ
do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới.

Theo Ban chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh, tổng số tàu thuyền di chuyển đánh bắt ở các ngư trường là 7.345 tàu/42.268 người. Trong đó, khu vực quần đảo Hoàng Sa 35 tàu/262 người; khu vực giữa Hoàng Sa 60 tàu/450 người; khu vực quần đảo Trường Sa 129 tàu/903 người; 273 tàu cá/3.897 người ở vùng biển phía Nam quần đảo Trường Sa. Hiện tại 224 tàu/1.615 người nằm ở khu vực nguy hiểm của bão Haiyan sắp vào biển Đông. Hiện các tàu thuyền, chủ phương tiện đã nhận được thông tin cơn bão Haiyan sắp đi vào biển Đông.

UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo tiếp tục thông báo và kiên quyết kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trong vùng biển nguy hiểm về bờ an toàn; kiểm soát tàu thuyền hoạt động ở ven biển, vùng cửa sông.

Gia lai: Ứng cứu 20 người dân bị mắc kẹt

Sáng 8-11, Ban chỉ huy PCLB&TKCN thị xã Ayunpa cho biết: Chiều 7-11, tại địa bàn xã Ia Rờ Tô (TX Ayunpa) có khoảng 20 người dân bị mắc kẹt trên một bãi bồi giữa dòng sông Ba và có khả năng nguy hại đến tính mạng. Ban chỉ huy PCLB&TKCN thị xã Ayunpa đã khẩn trương triển khai các phương án và huy động lực lượng ứng cứu. Mãi đến 22 giờ đêm 7-11, lực lượng cứu hộ dùng ca nô, xuồng mới tiếp cận được bãi bồi và đưa hết số người trên về nơi an toàn. Lúc đó nước trên sông Ba đã dâng cao đến hơn 0,5 mét. Ông Võ Thế Phụng, Phó Ban chỉ huy PCLB&TKCN thị xã Ayunpa cho biết: Khi lực lượng cứu hộ nghe thông tin có 20 người dân đang sản xuất tại bãi bồi giữa dòng sông Ba bị cô lập và khả năng bị cuốn trôi, lực lượng đang tìm đủ mọi cách và cứu được, nếu như chỉ chậm trong vòng một giờ nữa thì chưa biết chuyện gì sẽ xảy ra khi nước sông Ba ngày càng dâng cao và chảy xiết.

Đảm bảo an toàn cung cấp điện

Sáng ngày 8-11, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã ban hành Công điện khẩn số 557/CĐ-EVNCPC gửi các đơn vị thành viên về việc triển khai ứng phó bão Haiyan. EVNCPC yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai các phương án PCLB, xử lý kịp thời các sự cố, đảm bảo an toàn cung cấp điện, an toàn cho người, thiết bị, công trình và an toàn điện trong dân; chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống, thuốc y tế.. tại các vùng có khả năng bị chia cắt do bão, lụt; sẵn sàng triển khai các phương án huy động vật tư, nhân lực, phương tiện để xử lý, khắc phục sự cố; tăng cường kiểm tra các khu vực có khả năng sạt lở, ngập úng ảnh hưởng đến tình hình vận hành lưới điện để có các phương án xử lý kịp thời.

Các đơn vị nằm trong vùng ảnh hưởng của bão kiểm tra kỹ văn phòng, cơ quan làm việc, kho tàng, bến bãi…tổ chức chằng néo, bảo vệ, hạn chế tối đa thiệt hại; kiểm tra điều kiện sẵn sàng làm việc, chuẩn bị đầy đủ nhiên liệu máy phát để sử dụng kịp thời; kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, đảm bảo thông suốt phục vụ công tác điều hành PCLB, phân công cán bộ CNTT tham gia ứng cứu thông tin khi xảy ra sự cố.

Các đơn vị quản lý vận hành nhà máy thủy điện tổ chức kiểm tra các vị trí xung yếu, theo dõi sát tình hình thủy văn, kiểm tra các công trình, thiết bị đóng mở vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn và tham gia giảm lũ vùng hạ du. Các đơn vị tổ chức rà soát, kiểm tra kỹ các công trình đường dây và trạm vừa được khắc phục sau các cơn bão trước để có các biện pháp bảo vệ, gia cố thích hợp nhằm hạn chế thiệt hại; tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn mọi mặt tại các công trường đang thi công khắc phục hậu quả bão số 10, 11…

B.Thùy – N.Diệp – T.Dịu – P.Kiếm - TTXVN