Thành phố cây Xoan
Nha Trang, ngày xưa có một con đường trồng cây Xoan, hay còn gọi là cây Neem, cây Sầu Đông ở trên đường Lê Thành Phương. Sau này, gần như cây Xoan đã biến mất khỏi thành phố du lịch này. Khi đến Phan Rang (Ninh Thuận), tôi khá bất ngờ vì bất cứ đường phố nào cũng dày đặc bóng cây Xoan, nhiều cây đã vươn cành cao và ra trái. Trong không gian lộng lẫy và xinh đẹp của khu vực dưới chân tháp Poglong Garai cũng là hàng Xoan đang mùa ra trái xanh mướt lá. Có lẽ Phan Rang là thành phố của cây Xoan, như Hải Phòng được mệnh danh là thành phố Hoa phượng đỏ hay Đà Lạt trùng trùng thông xanh.
Nỗi tò mò không nén được vì với câu hỏi tại sao Phan Rang không trồng một loại cây ra hoa nào mà tràn ngập cây Xoan, tôi hỏi một người dân địa phương, anh trả lời chắc nịch: "Cây Neem này giống cây Xoan ngoài Bắc, là đặc sản của Ninh Thuận, bởi không có nơi nào có nhiều cây Neem như ở đây đâu. Bởi vì đây là cây chịu hạn, mà Ninh Thuận là xứ sở của nắng". À, thì ra thế, lý do trồng cây Neem là bởi đây là loại cây gần như duy nhất chịu áp lực khô hạn.
Ninh Thuận nói chung, thành phố Phan Rang nói riêng có thể nói là miền đất của nắng và gió, hạn hán thường xuyên xảy ra. Vì thế, đây cũng là miền đất của loài cây sa mạc: Xương rồng phát triển khá mạnh so với các loại cây khác. Các loại cây trồng ở Ninh Thuận cũng đòi hỏi sức chịu hạn và chịu nắng là tỏi và nho. Nhưng để phủ bóng cây xanh tạo cho đường phố và công viên xinh đẹp, chỉ có mỗi cây Xoan.
Tính ra thì sự xuất hiện của cây Xoan ở Phan Rang cũng chỉ mới hơn 20 năm. Đây là loại cây có nguồn gốc từ Ấn Độ, vào thế kỷ XX cây Xoan bắt đầu có mặt ở châu Phi, vùng Caribbean và Nam Mỹ do các nhà khoa học khám phá ra khả năng phát triển của nó trong điều kiện khô hạn khắc nghiệt. Xoan có thể cao tới 20m, sống vài trăm năm và đường kính lên tới 2,5m. Từ năm 1981, Giáo sư Lâm Công Định, khi đó là Vụ trưởng Vụ Lâm nghiệp (Bộ Lâm nghiệp) đã đem cây Xoan về gây giống trồng ở Ninh Thuận cho đến nay khắp thành phố Phan Rang đã trở thành thành phố cây Xoan. Hiện nay toàn tỉnh Ninh Thuận đã có 2.000 ha đất trồng Xoan.
Ngoài việc che bóng mát, cây Xoan còn mang nhiều lợi nhuận cho người trồng. Lá bán dùng làm thuốc trừ sâu, cho cừu ăn, gỗ giống như gỗ gụ, được sử dụng trong xây dựng, làm xe kéo, gỗ gia dụng, các nông cụ... Đôi khi vẻ đẹp của một thành phố từ những hàng cây. Đến Phan Rang, ngắm nhìn những hàng cây Xoan đang mùa trĩu trái cũng là một cảm giác lạ.
Khuê Việt Trường