Báo Công An Đà Nẵng

Thành phố đầu ​cửa biển…

Thứ hai, 30/03/2020 20:00

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ định hướng phát triển kinh tế Đà Nẵng  dựa trên 3 trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.

Trên thực tế, cả 3 lĩnh vực này liên quan mật thiết với nhau và cùng dựa trên "nguồn tài nguyên" quý giá là bờ biển trải dài hơn 70 km và các khu cảng nước sâu của TP Đà Nẵng.

Đường ven biển Nguyễn Tất Thành.

Tạm dừng hoạt động tất cả các tuyến xe buýt liền kề giữa Đà Nẵng và Quảng Nam

Thực hiện Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn số 4095-CV/TU ngày 26-3-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng; các văn bản chỉ đạo của UBND TP… về phòng chống dịch bệnh Covid-19, sau khi có ý kiến thống nhất của Sở TVT tỉnh Quảng Nam, Sở GTVT TP Đà Nẵng quyết định:  Kể từ 13 giờ 00 ngày 28-3-2020, tạm dừng hoạt động tất cả các tuyến xe buýt liền kề giữa TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam để phòng, chống dịch Covid-19 cho đến khi có thông báo mới. Các tuyến tạm dừng bao gồm:  1. Tuyến số 01: Đà Nẵng - Hội An; 2. Tuyến số 03:  Đà Nẵng - Ái Nghĩa; 3. Tuyến số 04:  Đà Nẵng - Tam Kỳ; 4. Tuyến số 06:  Đà Nẵng - Phú Đa; 5. Tuyến số 09: Đà Nẵng - Quế Sơn.

T.N

Sự ra đời và phát triển của thành phố "cửa biển"

Có thể nói, lịch sử hình thành và phát triển của Đà Nẵng gắn liền với biển. Giữa thế kỷ XVI, khi Hội An đã là trung tâm buôn bán sầm uất ở phía Nam thì Đà Nẵng mới là vị trí tiền cảng, trung chuyển hàng hóa, tu sửa tàu thuyền.

Theo các nhà sử học, tên gọi Đà Nẵng xuất phát từ tiếng Chăm cổ "Da Nak", tức là "cửa sông lớn ra biển". Đầu thế kỷ XVIII, từ vị trí tiền cảng, Đà Nẵng dần dần trở thành thương cảng lớn thay thế cho Hội An, vì vịnh Đà Nẵng có mực nước sâu, tương thích những loại tàu thuyền lớn đến từ châu Âu.

Vị trí trọng yếu cả về kinh tế lẫn quân sự của Đà Nẵng thể hiện ở việc thực dân Pháp đã chọn Đà Nẵng là điểm khởi đầu cuộc tấn công xâm lược vào năm 1858.

Trong suốt thời kỳ Pháp thuộc, Đà Nẵng đã được quy hoạch, xây dựng là một đô thị thương cảng, một trung tâm thương mại quan trọng, Cảng Đà Nẵng đã tương đối hoàn chỉnh và đi vào hoạt động từ giai đoạn 1933-1935, Sân bay dân dụng cũng được xây dựng vào năm 1926.   Năm 1950, sau khi được Pháp trao trả thành phố Đà Nẵng, chính quyền Mỹ - Ngụy đã tiếp tục xây dựng thành phố này thành đô thị lớn thứ 2 tại miền Nam, đồng thời thiết lập một căn cứ quân sự lớn tại đây. Mỹ cho xây dựng ở Đà Nẵng các căn cứ quân sự và kết cấu hạ tầng: sân bay, cảng, kho bãi, đường sá, công trình công cộng, cơ sở thông tin liên lạc, lập tín dụng ngân hàng.

Sau giải phóng năm 1975, Đà Nẵng là thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, người dân thành phố bắt tay vào khôi phục những hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng công cuộc phục hồi và phát triển thành phố đã đạt các thành quả, nhất là thời kỳ đổi mới, sau năm 1986.

Ngày 6-11-1996 tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Về địa giới hành chính, thành phố Đà Nẵng mới bao gồm thành phố Đà Nẵng trước đây, H. Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.

Từ khi trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, nền kinh tế Đà Nẵng liên tục phát triển và trong nhóm dẫn đầu cả nước.

Có được sự phát triển đó, một phần nhờ vào vị trí đắc địa của thành phố Đà Nẵng, khi nằm ở trung độ của Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội khoảng 760 km về phía Bắc, cách Tphcm hơn 960 km về phía Nam và cách kinh đô thời cận đại của Việt Nam là TP Huế chỉ 100 km về hướng Bắc.

Đà Nẵng còn là trung điểm của các di sản thế giới: Cố đô Huế, Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn. Thành phố Đà Nẵng nằm trên trục giao thông Bắc - Nam về đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không, là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Đông Bắc Campuchia, Thái Lan và Myanmar.

  Khoảng cách từ Đà Nẵng đến các trung tâm kinh tế chính của khu vực Đông Nam Á như Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia), Singapore,  Manila (Philippines) đều chỉ nằm trong khoảng 1.000-2.000 km.

Gìn giữ "chất biển" trong ngư nghiệp truyền thống

Trước khi có cảng biển, có sân bay, thì nghề truyền thống của người dân nơi cửa biển Đà Nẵng là ngư nghiệp. Nhiều phế tích Chăm còn sót lại hiện nay như giếng Chăm cổ, tháp Xuân Dương, lũy đất Thành Lồi, hay mới đây một nền móng tháp Chăm khổng lồ được khai quật đã chứng minh Đà Nẵng từng là một làng chài tấp nập hàng ngàn năm trước.

Cùng với nghề đi biển, làng nghề nước mắm Nam Ô được hình thành vào đầu thế kỷ XX. Nam Ô là làng đánh cá nhỏ nằm ở cửa sông Cu Đê, nay thuộc P. Hòa Hiệp Nam, Q. Liên Chiểu. Đặc trưng nhất của nước mắm Nam Ô là được chế biến từ cá cơm than, đánh bắt tại vùng biển gần bờ vào tháng ba âm lịch hàng năm.

Hiện nay, ngành nghề truyền thống vẫn được giữ vững và ngày càng phát triển. Vùng biển Đà Nẵng nằm trọn trong ngư trường trọng điểm của miền Trung (rộng trên 15.000 km2) với trữ lượng nguồn lợi thủy sản dồi dào, phong phú.

Theo thống kê của Sở NN và PTNT TP Đà Nẵng, tổng sản lượng khai thác hải sản của thành phố Đà Nẵng năm 2019 ước đạt 37.636 tấn, tăng 3,8% so với năm 2018.

Để gìn giữ nghề đi biển truyền thống, thành phố Đà Nẵng đã ban hành, triển khai nhiều chủ trương, chính sách phát triển ngành thủy sản, hỗ trợ mạnh mẽ cho các ngư dân.

Năm 2016, Đề án "Giảm số lượng tàu cá và thuyền thúng gắn máy công suất nhỏ hơn 20CV khai thác hải sản ở vùng biển ven bờ Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020" của UBND TP Đà Nẵng là một trong những giải pháp đột phá để giảm áp lực tàu thuyền khai thác ven bờ.

Bên cạnh đó, Quyết định 47/2014/QĐ-UBND của UBND TP Đà Nẵng đã tạo động lực cho ngư dân thành phố đóng mới tàu công suất 400CV trở lên vươn khơi, đến nay đã hỗ trợ đóng 141 tàu với tổng kinh phí 110 tỷ đồng.

Ngoài ra, thành phố còn có những chương trình hỗ trợ thiết thực cho ngư dân như: hỗ trợ 40% chi phí mua bảo hiểm thân tàu; hỗ trợ 100% kinh phí mua thiết bị giám sát hành trình tàu cá và thuê bao năm đầu tiên; hỗ trợ 50% chi phí trang bị máy móc phục vụ khai thác, bảo quản hải sản... TP Đà Nẵng cũng đã xây dựng cơ sở hạ tầng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ với ngành thủy sản, bao gồm Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, Khu Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang và Chợ Thủy sản đầu mối Thọ Quang.

Từ năm 2008 đến nay, khi cảng cá Thuận Phước được di dời sang Thọ Quang để phục vụ chủ trương đô thị hóa, phát triển thành phố, cùng với Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản và Chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang đã tạo thành khu dịch vụ hậu cần nghề cá khép kín, tập trung, hợp lý.

Nhờ vậy không chỉ tàu thuyền của Đà Nẵng mà các tàu cá trên cả nước đã chọn Đà Nẵng làm nơi cập bến, sản lượng hàng hóa qua cảng liên tục tăng qua từng năm. Nếu như năm 2010, cảng cá Thọ Quang chỉ có 10.874 lượt tàu thuyền với hơn 63.350 tấn hải sản qua cảng thì năm 2018 đã tăng hơn 2 lần, với gần 23.800 lượt tàu thuyền và gần 129.600 tấn hải sản qua cảng.

Nghị quyết số 43-NQ/TW định hướng ngư nghiệp là 1 trong 5 lĩnh vực mũi nhọn kinh tế mà thành phố cần có chính sách, ưu tiên nguồn lực, chú trọng phát triển. Chính phủ đã xác định Đà Nẵng là 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước, gắn với ngư trường Biển Đông và Hoàng Sa.

Trong Chương trình hành động số 28-CT/TU thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII), Thành ủy Đà Nẵng đã xác định, ngành khai thác hải sản có thứ tự ưu tiên đầu tư phát triển thứ 3 trong 6 ngành kinh tế biển của thành phố.

Theo đó, định hướng ngành thủy sản chuyển từ khai thác theo phương thức truyền thống sang hiện đại, tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao; đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng nghề cá trở thành trung tâm dịch vụ nghề cá của khu vực.

Thúc đẩy hoạt động khai thác hải sản bền vững và tăng cường bảo vệ, tái sinh nguồn lợi hải sản; hiện đại hóa quản lý nghề cá trên biển, đẩy mạnh phương thức sản xuất theo liên kết tổ đội; ứng dụng khoa học công nghệ để khai thác, bảo quản, chế biến hải sản có chất lượng, giá trị kinh tế cao.

Quốc Dũng