Báo Công An Đà Nẵng

Thành phố Hội An thúc đẩy phát triển lĩnh vực nghề thủ công và nghệ thuật dân gian

Thứ bảy, 15/06/2024 19:39
Toàn cảnh Hội thảo.

Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết, từ hơn 400 năm trước, Hội An đã là một đô thị thương cảng sầm uất, là nơi giao lưu hội nhập với nhiều nền văn hóa bên ngoài và đã tiếp biến, sáng tạo nên nhiều giá trị độc đáo. Khu phố cổ Hội An là Di tích đặc biệt của quốc gia, được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới vào ngày 4-12-1999. Trong giai đoạn hiện nay, Hội An cũng là một thành phố luôn đi đầu trong việc tiếp thu các giá trị tiến bộ, nhân văn của nhân loại trên cơ sở bảo tồn và phát huy những truyền thống di sản quý báu của cha ông. Hội An luôn lựa chọn sự tiếp cận nhẹ nhàng, sâu lắng trước những biến đổi mạnh mẽ của thời cuộc để hướng đến một thành phố sinh thái, văn hóa, an toàn và phát triển bền vững trong tương lai. Ngày 31-10-2023, Hội An trở thành thành viên "Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO" trên lĩnh vực "Thủ công và nghệ thuật dân gian". Với ý thức, trách nhiệm của mình, từ khi gia nhập vào mạng lưới đến nay, Hội An luôn nỗ lực không ngừng để thực hiện tốt vai trò của một thành viên trong mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Lanh, Quần thể kiến trúc đô thị cổ Hội An là một di tích sống, là nơi cư trú, bán buôn, sáng tạo và lưu giữ các giá trị văn hóa của người Hội An qua bao thế hệ. Có thể nói hiếm có nơi nào tập trung mật độ di tích dày đặc như ở Hội An với một quần thể kiến trúc nghệ thuật thuộc các công trình dân dụng, công trình tín ngưỡng và công trình đặc thù. Mỗi loại hình kiến trúc đều có những đặc điểm, sắc thái riêng nhưng đó là sự kết hợp hài hòa giữa không gian, bố cục và sự đan quyện tài tình giữa các phong cách kiến trúc Việt- Hoa- Nhật- Phương Tây. Vẻ đẹp không trùng lặp của Phố cổ Hội An chứa đựng trong sự phong phú của các thể dáng kiến trúc, những cái điển hình gắn kết trong sự đa thể, đồng thời được tô điểm ở sự kết dính hoàn hảo từng di tích với nhau. Các giá trị di sản văn hóa và phẩm hạnh "nhân tình thuần hậu", tinh thần cố kết cộng đồng, cùng với một cấu trúc hình thái đô thị lồng ghép phố - làng và đan xen bên trong hệ thống cảnh quan sinh thái đa dạng chính là hạt nhân, nền tảng và môi trường cho sự sáng tạo và phát triển bền vững của Hội An.

Tại Hội thảo, có 24 bài tham luận của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn về các giải pháp để bảo tồn, phát triển văn hóa, cũng như thúc đẩy phát triển lĩnh vực nghề thủ công và nghệ thuật dân gian.

PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương - Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia trình bày tham luận kinh nghiệm, chiến lược và các giải pháp phát huy tối đa các nguồn lực tạo nên sự phát triển đột phá của 2 thành phố sáng tạo Chiang Mai (Thái Lan), Jeonju (Hàn Quốc). Đối với Hội An, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương gợi mở, lãnh đạo TP cần thành lập Tổ tư vấn sáng tạo Hội An bao gồm đại diện chính quyền, đại diện cộng đồng sáng tạo, các doanh nghiệp ở lĩnh vực lựa chọn và các lĩnh vực liên quan, chuyên gia trong nước, quốc tế cùng các chủ thể khác nhằm triển khai hiệu quả các cam kết với UNESCO; phát triển thủ công thành ngành công nghiệp văn hóa mũi nhọn nhằm định vị bản sắc Hội An trong mối liên kết với lĩnh vực như ẩm thực, thiết kế, nghệ thuật truyền thông; sử dụng giải pháp thiết kế sáng tạo nhằm đa dạng hóa các mẫu mã sản phẩm thủ công truyền thống, đương đại nhằm thúc đẩy du lịch xanh; tạo sự dịch chuyển, kết nối linh hoạt của các không gian phố cổ và làng nghề.

Kết thúc Hội thảo, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn tiếp thu các ý kiến đề xuất, các giải pháp xây dựng và phát triển trên các lĩnh vực, sẽ vận dụng vào thực tiễn để thúc đẩy phát triển lĩnh vực nghề thủ công và nghệ thuật dân gian, tăng trưởng kinh tế của thành phố.

LÊ VƯƠNG