Thành quả sáng tạo của những cô giáo mầm non
(Cadn.com.vn) - Năm 2014, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam (VKHGDVN) cử đoàn công tác đi khảo sát thiết bị dạy học tự làm (TBDHTL) tại 3 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, TT-Huế và Quảng Trị nhằm tuyển chọn để phổ biến, nhân rộng các sản phẩm này trong toàn quốc. Sau thời gian khảo sát, thành lập 2 Hội đồng tuyển chọn mẫu, mới đây, VKHGDVN thông báo đã tuyển chọn được 34 TBDHTL tại 3 tỉnh, thành phố này gồm: 9 mẫu bậc học mầm non (MN), 25 mẫu bậc phổ thông. Trong 9 mẫu sản phẩm bậc MN được tuyển chọn, TP Đà Nẵng có 6 mẫu thì trường MN Tuổi Ngọc (Liên Chiểu) có 2 mẫu sản phẩm...
Hiệu trưởng Ngô Thị Hòa với 2 sản phẩm vừa được VKHGDVN tuyển chọn để phổ biến, nhân rộng trong toàn quốc. |
Theo Hiệu trưởng trường MN Tuổi Ngọc Ngô Thị Hòa, việc 2 sản phẩm của nhà trường vừa được VKHGDVN tuyển chọn để nhân rộng trong toàn quốc là sự ghi nhận cho những nỗ lực, tinh thần trách nhiệm, tình yêu nghề, yêu trẻ của tập thể cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường suốt thời gian qua...
* Trường MN Tuổi Ngọc là một trong số những trường MN có thương hiệu, uy tín về chất lượng chăm sóc trẻ trên địa bàn Liên Chiểu. Tổng số cháu hiện đang theo học tại 3 cơ sở của trường là 516 cháu. Hàng năm, nhà trường luôn bị áp lực do số lượng hồ sơ đăng ký vào đây học rất lớn. Năm 2009, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Đến năm 2011, nhà trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Cũng trong năm học đó, trường vinh dự được UBND TP Đà Nẵng tặng cờ thi đua. Năm 2012-2013 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm học vừa qua, nhà trường vinh dự được Bộ GD-ĐT tặng cờ thi đua… |
Nói về sản phẩm “Đoàn tàu thông minh”, cô Phan Thị Tám- Hiệu phó nhà trường, phấn khởi chia sẻ: “Năm 2011, tôi là giáo viên dạy mẫu giáo bé kiêm tổ trưởng tổ chuyên môn. Hàng ngày, quan sát các cháu chơi, tôi nhận thấy nhu cầu cũng như khả năng khám phá đồ chơi của trẻ rất lớn. Trong khi đó, những đồ chơi bằng nhựa mua về vừa đắt, vừa không có tính đa năng. Từ đó tôi suy nghĩ, tại sao không làm đồ chơi cho trẻ bằng tre, gỗ và có tính đa năng hơn. Thế là ý tưởng xây dựng mô hình sản phẩm TBDHTL “Đoàn tàu thông minh” làm bằng gỗ ra đời. Trong ý tưởng của tôi, đoàn tàu phải được thiết kế làm sao để có thể tách rời từng toa riêng biệt. Khi không chơi theo cả đoàn tàu, các bé vẫn có thể tách từng toa tàu để biến nó thành xe ô-tô, xe trượt ba tanh, xe rùa hoặc dùng làm thùng đựng đồ dùng học tập, làm bàn...”.
Từ suy nghĩ đó, cô Tám đã đi xin gỗ rẻo của các phụ huynh làm nghề thợ mộc rồi nhờ họ đóng lại thành từng toa tàu riêng biệt, liên kết với nhau bằng móc xích, bánh tàu là bánh xe từ đồ chơi đã hỏng. Mỗi toa tàu đều được sơn nhiều màu sắc, tùy theo chủ đề học của từng tháng mà thiết kế những hình ảnh minh họa như: nhận biết chữ cái, con số, đồ vật...
Theo cô Tám, sau khi hoàn thành, giá thành phẩm của mỗi bộ sản phẩm TBDHTL này chỉ dao động từ 200.000 đến 300.000 đồng. “Với sản phẩm này, khi không dùng làm đồ chơi có thể làm để dạy học cho các bé theo chủ đề. Đây là một TBDHTL có tính đa năng, có thể dùng được cho tất cả những hoạt động dạy học của nhà trường”-cô Tám chia sẻ thêm.
Một góc thế giới đồ chơi, học tập phát triển trí tuệ và tư duy cho trẻ của trường MN Tuổi Ngọc. |
Sản phẩm thứ 2 có tên gọi “bộ lắp ghép đa năng”, được xuất phát từ ý tưởng của Hiệu trưởng Ngô Thị Hòa trên cơ sở cải tiến từ tháp tô màu trên giấy do hãng sữa cung cấp. Theo đó, ban đầu cô Hòa chỉ cái tiến TBDHTL này bằng giấy alu. Tuy nhiên, sản phẩm này khi đem đi dự thi các cấp thì được đánh giá không gọn, không có tính đa năng. Từ góp ý của cô Lê Thị Lệ Yến (Sở GD-ĐT), sau thời gian mày mò nghiên cứu, cô Hòa chuyển từ làm bằng giấy alu sang làm bằng gỗ lắp ghép tận dụng từ gỗ thông rẻo người ta bỏ đi. Sản phẩm ra đời có sự góp sức từ bảo vệ, đến hiệu trưởng, giáo viên nhà trường…
“Chúng tôi đã phải làm đi làm lại không biết bao nhiêu lần mới thành công. Cuối cùng chúng tôi đã có được sản phẩm hoàn hảo nhất để ứng dụng trong việc dạy học cho các cháu tốt hơn… Ngoài việc dạy cho trẻ về tư duy lắp ghép, mô hình sản phẩm này còn góp phần phát triển tư duy và sự sáng tạo của trẻ trong quá trình sử dụng nó... So với các sản phẩm bằng nhựa được mua về dùng làm đồ chơi, đồ dùng học tập, giá thành sản phẩm này khá rẻ, một bộ chỉ khoảng 500.000 đồng...” - cô Hòa cho biết thêm.
Chăm sóc trẻ ăn trưa. Ảnh: P.T |
Ngoài 2 sản phẩm đã được VKHGDVN tuyển chọn phổ biến, nhân rộng trong toàn quốc, nhiều sản phẩm TBDHTL của nhà trường được đánh giá cao tại các cuộc thi TBDHTL các cấp bởi tính hấp dẫn, giúp trẻ phát triển trí tuệ, thể chất; góp phần làm đa dạng, phong phú đồ dùng dạy học trong nhà trường. Hiệu trưởng Ngô Thị Hòa bật mí thêm, hiện nhà trường đang làm TBDHTL làm bằng tre có tính đa năng cao. Hy vọng với sự đam mê trong sáng chế đồ dùng dạy học dành cho trẻ, mô hình sản phẩm mới mà trường MN Tuổi Ngọc sắp cho “ra lò” sẽ góp phần cung cấp vào kho dữ liệu chung của ngành GD-ĐT trong bối cảnh đồ dùng dạy học dành cho trẻ còn thiếu như hiện nay.
P.Thủy