Báo Công An Đà Nẵng

Thành tích đáng nể của hai anh em dân tộc Nùng

Thứ tư, 13/02/2019 11:11

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở buôn Ngô A, xã Hòa Phong (H. Krông Bông -  Đắk Lắk), hai anh em Phạm Mạnh Đình (1998) và Phạm Thị Ngọc Diễm (2001, dân tộc Nùng) không được may mắn như các bạn học cùng trang lứa để có một góc học tập riêng. Nơi học của 2 em có khi là bóng mát bên hiên nhà, có khi là dưới tán cà-phê.

Thế nhưng với niềm đam mê khoa học, 2 em Đình và Diễm đã gây được nhiều ấn tượng qua sản phẩm tái chế túi nylon thành gạch lát nền tại các cuộc thi Sáng tạo trẻ dành cho Sinh viên và Sáng tạo khởi nghiệp dành cho học sinh Trung học phổ thông năm 2018.

Hai anh em Phạm Mạnh Đình và Phạm Thị Ngọc Diễm. 

Từ ý tưởng đến hiện thực

Phạm Mạnh Đình chia sẻ: Năm học 2015 - 2016, khi còn là học sinh lớp 11 trường THPT Krông Bông, hàng ngày trên quãng đường đi học về em đã nhìn thấy biết bao túi nylon nóng chảy mỗi khi được đốt từ những bãi rác thải. Từ đó, em nảy ra ý tưởng tái chế túi nylon thành thảm nhựa để ghép làm nhà siêu nhẹ trình bày với thầy giáo dạy Vật lý xin thử nghiệm. Thế nhưng, ý tưởng đó không đủ thuyết phục, bởi chưa có thông số kỹ thuật nào tin cậy. Lên lớp 12, em ở trọ gần nhà máy xay xát lúa, nhìn thấy vỏ trấu bị đốt bỏ hàng ngày gây ô nhiễm môi trường. Sau khi cơn bão lũ hồi cuối năm 2016 khiến cầu Cư Păm (H. Krông Bông) bị gãy, chứng kiến việc đi lại của người dân trong vùng gặp nhiều khó khăn, một lần nữa em nảy sinh ý tưởng tái chế túi nylon với trấu thành vật liệu lót mặt cầu.

Ý tưởng trên đã được thầy giáo Huỳnh Tấn Hùng và thầy Tài giáo viên Trường THPT Krông Bông đồng tình hướng dẫn cũng như ủng hộ toàn bộ kinh phí cho công trình nghiên cứu của em. Đồng thời, chủ nhà máy cơ khí Tải Hương ở Tổ dân phố 5, thị trấn Krông Kma cho mượn cơ sở và hỗ trợ nguyên vật liệu để em chế tạo máy ép nylông. Sau khi chế tạo máy ép nylon, em đưa vào sản xuất thí nghiệm thành công gạch lót nền từ túi nylông với trấu. Sản phẩm được Hội đồng khoa học đánh giá cao và em đã đạt giải ba Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT năm 2017. Cũng năm đó, em thi đỗ vào khoa Công nghệ thông tin - Trường Sư phạm kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh.

Vì hoàn cảnh gia đình nghèo, em được xét ở Ký túc xá của trường cùng chung với bạn Vũ Văn Dương (SV khoa Kỹ thuật xây dựng). Đây cũng là cơ hội may mắn để em thực hiện ước mơ. Sau những lần trò chuyện với bạn, đến năm thứ hai (2018 - 2019), em và bạn được Tiến sỹ Lê Anh Thắng, Khoa kỹ thuật công nghệ xây dựng ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh hướng dẫn thực hiện tiếp đề tài dang dở từ cấp học phổ thông.

Qua 2 tháng miệt mài nghiên cứu với 60 mẫu thử nghiệm, đôi bạn đã chế tạo thành công gạch lót vỉa hè bằng nhựa nylon tái chế với cát. Sản phẩm liên tiếp được nhận nhiều giải thưởng giá trị của Bộ Giáo dục & Đào tạo và Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh: Giải khuyến khích Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka lần thứ 20; Giải nhì Sáng tạo trẻ Giao thông xanh; Huy chương vàng giải thưởng thiết kế chế tạo ứng dụng lần thứ 6, Giải nhất sáng tạo trẻ Giao thông Xanh và đạt loại xuất sắc vật liệu NC (Nylon + Cát) làm vỉa hè Khoa đào tạo Chất lượng cao.

Để có vật liệu nghiên cứu Đình và Dương đi ra chợ Tăng Nhơn Phú (Quận 9, TP Hồ Chí Minh xin từng chiếc túi nylon về rửa sạch, để tái chế thành vật liệu hữu dụng cho xã hội.

Hai anh em cùng tiến

Là một nữ thanh niên thuộc thế hệ 10x, nhưng em gái của Đình là Phạm thị Ngọc Diễm (HS lớp 12, trường THPT Krông Bông) cũng không tỏ ra thua kém. Suốt 12 năm học em đều là học sinh khá, giỏi. Theo bước anh trai, Diễm cũng thích thú mày mò trên lĩnh vực khoa học công nghệ. Mặc dù ở trọ nhà của dì ruột cách xa nhà hơn 15 cây số, ngoài giờ học khi về nhà em còn phụ giúp gia đình của dì, nhưng khi rảnh rỗi là em dành hết thời gian cho học tập và nghiên cứu, tìm tòi trên tài liệu. Cùng với sự giúp đỡ của người anh và thầy hướng dẫn, năm 2018, em đã đạt Giải nhất Khoa học Vật liệu CPS (Compusic - Plastic- Silicát) và Giải thưởng Sáng tạo khởi nghiệp năm 2018 dành cho học sinh THPT do Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Đắk Lắk tổ chức. Tính khả thi công trình nghiên cứu CPS của em Phạm Thị Ngọc Diễm là vật liệu siêu nhẹ, năng lượng sạch, giá thành nhẹ, dễ vận chuyển lại  thích ứng với điều kiện môi trường khắc nghiệt. Với kết quả trên, hiện tại em đang tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để tham gia kỳ thi quốc gia được tổ chức vào tháng 3-2019.

Phạm Thị Ngọc Diễm nhận Giải nhất Khoa học Vật liệu CPS (Compusic - Plastic- Silicát) và Giải thưởng Sáng tạo khởi nghiệp năm 2018 dành cho học sinh THPT do Sở Giáo dục & Đào tạo tỉnh Đắk Lắk tổ chức.

Chia sẻ của người mẹ

Bà Lăng Thị Thảo mẹ của 2 em Đình và Diễm tâm sự: Do liên tiếp bị mất mùa sáu, bảy năm liền hàng chục héc-ta cà phê, tiêu bị chết không có thu hoạch, nợ vay ngân hàng để đầu tư ngày càng tăng, gia đình bà lâm vào khánh kiệt. Trước hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, sau khi tốt nghiệp Trung học cơ sở, em Phạm Mạnh Đình có ý định đi học nghề để sớm giúp đỡ gia đình, nhưng khi biết con đam mê khoa học nên bà thường xuyên động viên và nói với các con rằng: "Mặc dù mẹ nghèo không lo cho con đủ đầy như bạn bè, nhưng mẹ sẽ không để các con phải từ bỏ ước mơ, các con cứ yên tâm học hành đến nơi đến chốn…". Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình nên các con của bà chăm ngoan học hành, chi tiêu tằn tiện, những lúc nghỉ lễ, ngày chủ nhật các con của bà còn đi làm thêm hoặc phụ giúp gia đình dì buôn bán để có tiền mua đồ dùng học tập. Chính những lời động viên đó đã trở thành động lực để hai con của bà đạt được những kết quả bước đầu đầy ấn tượng.

Con đường phía trước vẫn còn xa, với hoàn cảnh hiện tại và những kết quả nghiên cứu khoa học của 2 em Đình và Diễm, hy vọng những nhà mạnh thường quân "tiếp sức ước mơ" cùng 2 cháu và sớm tìm được nhà tài trợ để đưa vào sản xuất gạch lót vỉa hè bằng nhựa ny lông tái chế, góp phần làm cho môi trường thân thiện hơn.

MAI VIẾT TĂNG