Báo Công An Đà Nẵng

Thành ủy Đà Nẵng chỉ thị thực hiện năm văn hóa, văn minh đô thị: Là trách nhiệm, nghĩa vụ toàn dân (*)

Thứ ba, 30/12/2014 10:13

(Cadn.com.vn) - Trong những năm qua, cùng với phát triển KT-XH, thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác quy hoạch, chỉnh trang, quản lý đô thị, xây dựng đời sống văn hóa, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Nhờ đó, diện mạo thành phố thay đổi ngày càng rõ nét theo hướng văn minh, hiện đại; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy; đời sống nhân dân được cải thiện; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cấp, các ngành cũng như ý thức, trách nhiệm của cán bộ và người dân từng bước được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, đô thị Đà Nẵng vẫn còn những hạn chế, bất cập. Quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, nhưng văn hóa, văn minh đô thị phát triển chưa tương xứng. Nhiều thiết chế văn hóa còn thiếu; một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa có ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành các quy định về đảm bảo ATGT, trật tự đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường nơi công cộng, thiếu ý thức bảo vệ tài sản công; hành vi ứng xử, giao tiếp thiếu văn hóa. Công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực trật tự đô thị còn nhiều vấn đề cần quan tâm; đầu tư cho văn hóa chưa tương xứng với sự phát triển của thành phố.

BCH Đảng bộ thành phố xác định chủ đề năm 2015 là "Năm văn hóa, văn minh đô thị" với mục tiêu tăng cường đầu tư cho văn hóa, xây dựng kỷ cương trật tự và nếp sống văn minh đô thị, tạo sự chuyển biến mới, thực chất trong ý thức, trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và từng người dân Đà Nẵng. Để khắc phục những hạn chế trên và thực hiện có hiệu quả "Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015" , Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể thành phố lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt những nội dung sau:

I- Những nhiệm vụ chủ yếu:

1. Tuyên truyền, giáo dục sâu rộng trong các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị trường học và cộng đồng dân cư với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu biết đầy đủ về pháp luật, nhận thức sâu sắc về chủ trương thực hiện "Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015"; xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên và lâu dài, nhằm tạo sự chuyển biến đồng bộ về nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động của mọi người, mọi cấp, mọi ngành, nhất là đối với cán bộ, đảng viên trong việc tuân thủ pháp luật và xây dựng, thực hiện văn hóa, văn minh đô thị; tạo nên phong trào quần chúng rộng rãi để mọi người dân trực tiếp hưởng ứng tham gia với tư cách là một chủ thể, vừa vận động vừa thực hiện; xem đây là nghĩa vụ, trách nhiệm của mọi người dân tham gia xây dựng đô thị Đà Nẵng trật tự, kỷ cương, văn minh.

2. Gắn việc thực hiện "Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015" với Chương trình trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" và mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XX: "Phấn đấu đến năm 2020 xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức; một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống".

3. Tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, gồm: hệ thống điện, điện chiếu sáng, cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải, vệ sinh công cộng, thông tin liên lạc, hệ thống biển báo, bồn hoa, cây xanh, vỉa hè, hệ thống trường học, cơ sở chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh, hệ thống các thiết chế văn hóa, khu vui chơi, giải trí…; nâng cao chất lượng các dịch vụ đô thị; đầu tư tôn tạo, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của thành phố nhằm đáp ứng cơ bản nhu cầu đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Trước mắt trong năm 2015, tập trung rà soát toàn bộ các thiết chế văn hóa trên địa bàn từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã, trên cơ sở đó tiến hành quy hoạch lại một cách đồng bộ và phân kỳ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt lưu ý các khu dân cư, khu chung cư, khu vực công cộng, khu công nghiệp, các trường trung cấp, cao đẳng, đại học đảm bảo các thiết chế, các điều kiện như: công viên, cây xanh, khu vui chơi… để thực hiện tốt văn hóa, văn minh đô thị. Tập trung nguồn lực đầu tư, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các công trình, dự án văn hóa trọng điểm của thành phố, quận, huyện, phường, xã trong kế hoạch năm 2015.

4. Thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước về quản lý trật tự đô thị, như quy hoạch, quản lý quy hoạch, kiến trúc, quản lý xây dựng, quản lý tài nguyên, môi trường, quản lý quảng cáo, rao vặt, quản lý vỉa hè, lòng lề đường…

Tiếp tục triển khai các chương trình, kế hoạch chỉnh trang đô thị, từng bước thực hiện hạ ngầm, sắp xếp lại đường dây cáp điện, thông tin liên lạc, hệ thống chiếu sáng, cây xanh đô thị trên các tuyến đường chính của các quận, huyện, nhất là các khu vực trung tâm thành phố.

Tổ chức cuộc vận động tháo dỡ mái che di động, chỉnh trang mặt tiền trên các tuyến đường lớn. Thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, quảng cáo, rao vặt, đồ giá hạ tại các lô đất trống, bán hàng rong, đánh giày, bán sách, báo dạo… không đúng quy định đảm bảo trật tự, kỷ cương, mỹ quan đô thị.

Thực hiện tốt Đề án "Thành phố môi trường". Tập trung xử lý các điểm nóng ô nhiễm môi trường, nhất là tại âu thuyền Thọ Quang, sông Phú Lộc, các lô đất trống. Rà soát và xử lý các điểm ngập úng, nhất là các điểm bị ngập sâu và kéo dài, tiến tới giải quyết cơ bản tình trạng ngập úng trên địa bàn thành phố.

Duy trì hiệu quả phong trào "Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp" tại các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là ở các khu dân cư, khu chung cư. Đảm bảo vệ sinh môi trường trên các tuyến đường, khu vực công cộng, các bãi biển; thu dọn, vận chuyển kịp thời không để rác tồn đọng; lòng đường, vỉa hè luôn sạch sẽ; không thả động vật nuôi chạy rông, phóng uế bừa bãi nơi công cộng. Tạo thói quen bỏ rác, xả nước thải đúng nơi quy định; bảo vệ, chăm sóc cây xanh; tiết kiệm điện, nước trong sinh hoạt; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh sạch sẽ trong các nhà hàng, quán ăn, quán giải khát, tạo thành nếp sống đẹp của người dân thành phố.

5. Đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông; xây dựng phương án tổ chức giao thông hợp lý, nhất là tại các nút giao thông trong giờ cao điểm nhằm giảm thiểu ùn tắc và tai nạn giao thông. Tiếp tục rà soát, tổ chức phân làn, phân luồng, sơn kẻ vạch hướng dẫn giao thông; lắp đặt biển báo, biển hiệu theo đúng quy hoạch và quy định, đảm bảo thuận tiện, khoa học và mỹ quan; hướng dẫn việc dừng, đỗ xe đúng nơi quy định.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, nhất là trong thanh niên, học sinh sinh viên khi tham gia giao thông đảm bảo thực hiện đi đúng làn đường, đúng chiều, đúng tốc độ cho phép, đội mũ bảo hiểm đúng tiêu chuẩn, không lạng lách, đánh võng, không sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông.

Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về giao thông; phấn đấu giảm mạnh tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí. Quản lý chặt chẽ dịch vụ vận tải, nâng cao ý thức, văn hóa giao thông trong đội ngũ lái xe, nhất là lái xe taxi. Xử lý triệt để tình trạng "xe dù, bến cóc"; xe chở quá khổ, quá tải không bảo đảm an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

6. Xây dựng nếp sống văn minh đô thị, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình, họ tộc, cộng đồng dân cư, tạo chuyển biến thực sự trong giao tiếp, ứng xử của cán bộ, nhân dân thành phố nhất là trong văn hóa giao tiếp nơi công cộng, văn hóa thương mại, văn hóa du lịch, văn hóa giao thông, văn hóa công sở…

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", các quy định về việc cưới, tang, lễ hội; phát huy tác dụng của các nội quy, quy ước, cam kết trong cộng đồng dân cư. Duy trì thực hiện tốt Chương trình thành phố "5 không", "3 có"; kiên quyết không để tình trạng lang thang, xin ăn xảy ra trên địa bàn thành phố; thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 37-CT/UB của Ban Thường vụ Thành ủy, Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy nhằm giảm thiệu tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố. Tiến hành rà soát, bổ sung, điều chỉnh các tiêu chí, quy định, quy trình tổ chức xét và công nhận các danh hiệu văn hóa như: gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa, thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa… đảm bảo thực chất, không bệnh thành tích, không chạy theo số lượng.

Thường xuyên kiểm tra, kiểm soát các khu vực, điểm du lịch, tuyến đường đông du khách tham quan để ngăn chặn và xử lý kịp thời tình trạng buôn bán hàng rong, xin ăn biến tướng, chèo kéo làm ảnh hưởng không tốt đến du khách.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, hoạt động của các siêu thị, trung tâm thương mại, các chợ trên địa bàn; thực hiện văn minh thương mại; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về thương mại như đầu cơ, tích trữ, nâng giá, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…

7. Đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; kiên quyết xử lý các vi phạm về trật tự an ninh đô thị, gây rối trật tự nơi công cộng. Tăng cường quản lý, thiết lập trật tự kỷ cương trong các hoạt động văn hóa, bài trừ tệ nạn xã hội, nhất là tại các quán bar, vũ trường, karaoke, nơi công cộng, không để hình thành các tụ điểm phức tạp, gây dư luận xấu trong nhân dân; xử lý kiên quyết đối với các hành vi vi phạm liên quan đến văn hóa phẩm độc hại, các tệ nạn ma túy, mại dâm, cờ bạc, số đề, mê tín dị đoan.

II. Tổ chức thực hiện

1. UBND thành phố chỉ đạo các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện:

- Xây dựng kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện "Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015"; trong đó chọn một số nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá để tập trung chỉ  đạo tổ chức thực hiện nhằm tạo sự chuyển biến rõ nét trên lĩnh vực được phân công quản lý.

- Đảm bảo kinh phí để các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của "Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015".

- Thành lập Tổ Liên ngành, trên cơ sở điều động, biệt phái lãnh đạo thanh tra của một số sở, ngành chức năng và lãnh đạo đội kiểm tra quy tắc đô thị các quận huyện, giúp lãnh đạo thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện, xử lý các vi phạm, tham mưu, đề xuất những vấn đề liên quan đến văn hóa, văn minh đô thị.

- Phát động phong trào thi đua thực hiện "Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015" rộng rãi trong các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, Mặt trận, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Tổ chức bình xét thi đua và khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc vào các dịp sơ kết, tổng kết và nhân rộng các mô hình, điển hình xây dựng văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn thành phố.

2. Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp với Sở VH-TT&DL, Sở Tư pháp biên soạn tài liệu tuyên truyền, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo đài của thành phố mở đợt tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân về "Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015", tăng thời lượng phát sóng, các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền, phổ biến pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng; đồng thời, chỉ đạo các địa phương có các hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm và tình hình thực tế…

3. Các Quận ủy, Huyện ủy chỉ đạo UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch cụ thể và chịu trách nhiệm tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện "Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015" trên địa bàn quản lý gắn với phát huy vai trò của tổ trưởng dân phố, trưởng thôn; đưa nội dung này thành một trong các tiêu chí để đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trong năm 2015 và những năm tiếp theo.

- Chỉ đạo các cơ quan chức năng (Công an, Thanh tra, Quản lý đô thị, Lao động - Thương binh và Xã hội . . . ) tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, trật tự xây dựng, trật tự đô thị và tệ nạn xã hội.

- Ban Thường vụ Thành ủy chọn quận Hải Châu, Thanh Khê là các địa phương làm điểm của thành phố.

- Mỗi quận, huyện chọn một số tuyến đường, tuyến phố, phường, xã để thực hiện làm điểm trong việc chỉnh trang hè phố, vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; sắp xếp trật tự vỉa hè gọn gàng, thông thoáng, tháo dỡ mái che, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt, phát tờ rơi không đúng quy định…, đảm bảo mỹ quan đô thị.

4. Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương, đơn vị tập trung công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng thực hiện "Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015"; tổ chức các phong trào thi đua, mở các đợt cao điểm ra quân lập lại trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, góp phần tạo chuyển biến mới về văn hóa, văn minh đô thị trong các tầng lớp nhân dân thành phố.

5. Ban cán sự Đảng UBND thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan tham mưu, giúp việc Thành ủy, ủy ban Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố giúp Ban Thường vụ Thành ủy theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chỉ thị này, định kỳ (hàng quý, 6 tháng, năm) tổ chức sơ kết đánh giá kết quả thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vướng mắc phát sinh thì báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy (qua Văn phòng Thành ủy) để chỉ đạo giải quyết kịp thời.

Chỉ thị này được phổ biến, quán triệt kỹ đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố (kể cả các cơ quan Trung ương), các chi bộ, Mặt trận, đoàn thể và nhân dân tại tổ dân phố, thôn để tổ chức thực hiện…

(*) Tít do Tòa soạn đặt