Tháo chạy khỏi "vàng trắng"
(Cadn.com.vn) - Gian nan "cứu" được cao su tiểu điền bị cơn bão lớn vào tháng 10 - 2013 quật ngã, nông dân Quảng Trị đã và đang chịu cảnh giá mủ tụt thảm hại kéo theo khốn khó. Nhiều người đã không thể đợi đến ngày giá cả tăng lên, có hộ chuyển bán, có người chặt đi, thay vào đó là những vườn cây màu ngắn ngày "chữa cháy", đặc biệt cây tiêu đang lên ngôi tại vùng đông Vĩnh Linh, nơi trồng cao su tiểu điền lớn của Quảng Trị.
Giá mủ cao su giảm mạnh trong nhiều năm khiến nông dân lao đao. |
Trao đổi với ông Nguyễn Việt Trang, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nông dân H. Vĩnh Linh, được biết giá mủ cao su giảm đã tác động lớn đến nông dân, nhất là những hộ bị ảnh hưởng từ cơn bão năm 2013 càng thiệt hại nặng nề. Ghi nhận tại các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Kim, Vĩnh Nam, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thạch...nhiều hộ nông dân đang thử sức với loại cây khác sau khi quyết định chặt bỏ cao su... Trên đường về vùng đông Vĩnh Linh, chúng tôi gặp chị Lê Thị Hiến (xã Vĩnh Nam, H. Vĩnh Linh) đang cặm cụi trên mấy sào môn tây (còn gọi là môn "lựu đạn"), nơi mấy tháng trước vẫn còn là vườn cao su đã lấy mủ được vài năm. "Giá mủ rớt, một đêm khai thác 150 cây chỉ kiếm được vài chục ngàn đồng thôi, trước đây gần 200 ngàn đồng. Vợ chồng tôi đang có mẹ già và nuôi con đi học, hoàn cảnh khó khăn nên phải phá vườn cao su để trồng loại cây này, vốn ít nhưng quay vòng nhanh. Nhiều bà con cũng chọn trồng môn, trồng ném như tôi. Những hộ có điều kiện thì họ chuyển dần sang trồng tiêu", chị Hiến ngậm ngùi khi nhớ về thời "hoàng kim" của "vàng trắng". Nhìn sang vườn cao su xơ xác kế bên, chúng tôi thấy nhiều chén chỉ tráng đáy dù đã đến thời điểm trút mủ. "Mùa ni giá mủ nước cùng lắm được 6 ngàn đồng/kg, biết khi mô giá lại lên, muốn chuyển sang cây khác giá trị cao nhưng không phải dễ", chị Hiến trăn trở.
Tại xã Vĩnh Kim, một xã đạt chuẩn nông thôn mới sớm của Quảng Trị, cây cao su tiểu điền (một thời ví là "vàng trắng") từng là cây chủ lực với hơn 400 ha, người dân giàu cũng từ "vàng trắng", nhưng bước sang năm 2014, diện tích cao su bắt đầu giảm dần, người dân tính toán chuyển đổi, chặt bỏ. Đó là một cuộc tháo chạy ồ ạt khỏi "vàng trắng" vào những tháng đầu năm 2015 để chuyển trồng tiêu. "Riêng năm 2015 Vĩnh Kim đã trồng mới 40 mẫu tiêu, phát triển nhiều nhất so với những năm trước. Tính chung cả xã có hơn 200 mẫu tiêu, có 3 CLB nông dân trồng tiêu", ông Nguyễn Xuân Tam, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Kim cho biết. Qua tìm hiểu, hộ dân trồng bình quân 200 đến 300 gốc, hộ trồng lớn nhất đến 500 gốc tiêu. "Đầu tư ban đầu cho doái (trụ) và giống là 300 ngàn đồng/gốc, chưa kể công chặt phá cao su, đào hố cũng như những tốn kém khác. Phải có vốn chứ không thể làm chơi. Nhưng đây là cây đang cho giá trị kinh tế cao, hiện dao động từ 190 ngàn đồng đến 220 đồng/1kg hạt khô nên bà con lựa chọn chứ đeo cao su đúng là nan giải", chị Hoài, người vừa chuyển đổi mấy sào cao su sang trồng tiêu trong tổng số hơn 3 ha cao su tiểu điền chia sẻ. Người dân cũng hy vọng trong 2 năm đầu trồng tiêu, nếu thuận lợi nông dân đã có thể cắt bán giống, một gốc chừng được vài trăm ngàn, sớm bù lại vốn đầu tư.
Một vườn tiêu vừa được trồng trên diện tích cao su bị chặt bỏ. |
Vòng qua nhiều xã vùng đông Vĩnh Linh cho thấy cây tiêu đã hiện diện rộng, khắp, xen vào các vườn đồi cao su vốn trước đây "độc tôn". Tuy nhiên, sự phát triển này không khiến nông dân không tránh khỏi thấp thỏm. "Nếu phát triển ồ ạt đến lúc giá giảm thì tiêu luôn, chưa kể đầu ra thiếu bền vững đồng thời tiêu là thứ cây dễ bị sâu bệnh", một hộ trồng tiêu lo lắng. Chúng tôi lại liên tưởng đến nỗi lo của người nông dân trồng cà-phê tại Hướng Hóa hiện nay. "Cà-phê giờ chỉ còn từ 2.800 đồng đến 3.000 đồng/1kg. Tiền công thuê hái 1kg đã gần 2.000 đồng nên chủ vườn chỉ có lỗ, nhiều người để mặc cà-phê chín", chị Lê Thị Khuê, xã Hướng Tân buồn rầu. Ông Lê Quang Vang, Trưởng thôn Tân Linh, xã Hướng Tân (H. Hướng Hóa) cho biết do hạn hán nên cà-phê năm nay chín sớm không đều, đồng thời giá liên tục hạ mấy năm liền nên người dân ngao ngán không chăm sóc dẫn đến chất lượng cà-phê càng giảm. Một số hộ dân lựa chọn phương án sang trồng gừng, trồng cỏ để nuôi bò, tuy chưa đến mức ồ ạt song tâm lý buông bỏ loại cây chủ lực từng mang lại cho họ niềm tin thoát nghèo, làm giàu cứ xâm chiếm tâm trí. Bao giờ tăng giá, đó là câu nói mà nông dân từ đồng bằng đến miền núi Quảng Trị vẫn đau đáu.
Bảo Hà