Báo Công An Đà Nẵng

Tháo gỡ khó khăn cho ngành thể thao Đà Nẵng

Thứ năm, 06/11/2014 08:56

(Cadn.com.vn) - Ngày 5-11, đồng chí Nguyễn Xuân Anh, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chủ trì buổi làm việc với Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng về tình hình phát triển ngành TDTT. Từ ý kiến phản ánh của lãnh đạo ngành thể thao, Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch - Đầu tư..., lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng đã có nhiều quyết sách quan trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để từng bước đưa thể thao Đà Nẵng phát triển. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Anh chủ trì buổi làm việc với Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng.

Báo cáo với lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Phúc Linh, Phó giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, hiện nay hoạt động TDTT quần chúng tại TP Đà Nẵng được duy trì, tổ chức rộng khắp, tạo không khí sôi động, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị và đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khỏe nhân dân. Trên lĩnh vực thể thao thành tích cao (TTTTC), trong năm 2014 (tính đến hết ngày 13-10), các VĐV Đà Nẵng thi đấu đạt 100 HCV, 100 HCB và 142 HCĐ tại các giải trong nước và quốc tế. Ấn tượng nhất là trong năm 2010, TP Đà Nẵng đăng cai Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VI, đoạt tới 57 HCV, xếp vị thứ 4 toàn đoàn.

Tuy nhiên, kể từ sau Đại hội TDTT, lĩnh vực TTTTC gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ tụt hậu so với nhiều địa phương trong cả nước. Nguyên nhân là do hàng loạt cơ sở vật chất phục vụ thi đấu, tập luyện, số thì bị giải tỏa, số thì chuyển đổi công năng, số thì xuống cấp, hư hỏng như: SVĐ Chi Lăng, Cung thể thao Tiên Sơn, CLB đua thuyền, Bể bơi thành tích cao... ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác huấn luyện VĐV. Thêm nữa, chế độ dinh dưỡng và chính sách đãi ngộ cho các VĐV thành tích cao sau khi giải nghệ chưa được quan tâm, tạo tâm lý không tốt cho các VĐV phấn đấu.

Ông Đặng Đông Hải, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Đào tạo VĐV (TTHL&ĐT VĐV)  TP Đà Nẵng chia sẻ: “Khi SVĐ Chi Lăng được thành phố bàn giao cho chủ mới là Tập đoàn Thiên Thanh, TTHL&ĐT VĐV phải chuyển nơi làm việc về ăn nhờ ở đậu tại CLB Bể bơi thành tích cao. Theo đó, các VĐV đội tuyển cử tạ, cầu lông, điền kinh... không chỉ mất sân tập mà còn li tán mỗi đội một nơi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình tập luyện và thi đấu. Chỉ tính riêng tiền chuyên chở VĐV đi tập luyện từ nơi ở đến bãi thuê tập luyện mỗi năm ngốn hết 2,5 tỷ đồng".

Ông Hải viện dẫn, Cung thể thao Tiên Sơn là nơi chuyên tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao lớn nên các đội tuyển tập luyện tại đây đều bị động về giáo án. Hay như CLB đua thuyền Đồng Xanh – Đồng Nghệ nằm tại xã Hòa Khương (H. Hòa Vang) chưa có nhà ăn ở tại chỗ cho VĐV nên hằng ngày các VĐV phải di chuyển quãng đường khá xa, vừa mất thời gian vừa tốn kinh phí đi lại. Nếu lãnh đạo thành phố không kịp thời đầu tư cơ sở vật chất và chính sách đãi ngộ, thu hút nhân tài thì nguy cơ thể thao Đà Nẵng tụt hậu so với Thanh Hóa, Hải Phòng, An Giang, Cần Thơ... là rất cao.

Cùng chung quan điểm này, ông Bùi Xuân Hòa, Tổng Giám đốc Cty CP thể thao SHB Đà Nẵng cho biết, hơn 7 năm qua, bóng đá Đà Nẵng đạt được nhiều thành tích xuất sắc trên bình diện quốc gia. Mỗi năm, nhà đầu tư bỏ ra khoảng hơn 70 tỷ đồng để lo cho đội bóng thi đấu tại giải VĐQG và các tuyến trẻ. Xét về lâu về dài, việc chỉ có 1 nhà đầu tư cho đội bóng đá Đà Nẵng là không bền vững, bởi nếu xảy ra việc nhà đầu tư không tiếp tục tài trợ thì nguy cơ giải thể đội bóng là rất cao. Từ ngày bóng đá Việt Nam lên chuyên, đã có không dưới 10 CLB bị giải thể vì lý do này. Thực tế Cty CP thể thao SHB Đà Nẵng cũng đã từng giải thể đội hạng nhất và 2 tuyến trẻ U11 cùng U14 vì gặp khó khăn về kinh phí. Vậy nên, đề nghị thời gian tới TP Đà Nẵng nên quan tâm, hỗ trợ nguồn kinh phí việc đào tạo cầu thủ trẻ.

Trước những khó khăn của ngành thể thao, đồng chí Nguyễn Xuân Anh chỉ đạo các Sở Tài Chính, Kế hoạch – Đầu tư và Xây dựng kịp thời có tham mưu, đề xuất UBND TP Đà Nẵng ban hành những quyết sách phù hợp. Trước mắt, đề nghị UBND TP Đà Nẵng  thông qua đề án chế độ đãi ngộ cho các VĐV để họ yên tâm tập luyện, phấn đấu. Về chế độ dinh dưỡng của VĐV cũng cần phải được nâng lên và sớm đưa ra thông qua tại kỳ họp HĐND sắp tới. Về dự án Khu Liên hợp TDTT Hòa Xuân, các hạng mục gì cần thiết, phục vụ đắc lực cho TTHL& ĐT VĐV thì làm trước như: Nhà ở VĐV, Nhà thi đấu đa năng... SVĐ bóng đá  Hòa Xuân có sức chứa 20.000 chỗ ngồi cũng nên đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu trong năm 2015 hoàn thành, đưa vào sử dụng, bởi SVĐ Chi Lăng về nguyên tắc đã bàn giao cho chủ đầu tư.

Về khu nhà ở cho CLB đua thuyền hồ  Đồng Xanh – Đồng Nghệ và sửa chữa mái che Bể bơi thành tích cao bị bão gây hư hỏng cần phải sớm được xúc tiến để có chỗ ăn nghỉ, tập luyện cho các VĐV. Từ nay trở đi, việc quy hoạch quỹ đất dành cho văn hóa và thể thao cần được ưu tiên, chế độ đãi ngộ cho VĐV, HLV cũng phải tương xứng nhưng không dàn trải, tránh nguy cơ gây lãng phí. Cần phải phát triển mạnh hơn nữa thể thao học đường, bởi đây là cái gốc cho sự phát triển TTTTC trong tương lai.

Nguyên Thảo