Báo Công An Đà Nẵng

Tháo gỡ khó khăn cho thể thao thành tích cao

Thứ tư, 25/12/2013 12:39

(Cadn.com.vn) - Sáng 24-12, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội đến khảo sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về TDTT trong lĩnh vực thể thao thành tích cao (TTTTC) tại TP Đà Nẵng. Những thuận lợi, khó khăn trong chiến lược phát triển VĐV TTTTC đã được đại diện Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng và thành viên đoàn khảo sát phân tích thấu đáo.

Báo cáo với đoàn khảo sát, ông Nguyễn Phúc Linh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Đà Nẵng khẳng định, sau khi trở thành TP trực thuộc trung ương, TTTTC tại Đà Nẵng bắt đầu được quan tâm đầu tư và có những bước phát tiển tương xứng. Cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ tập luyện, lực lượng VĐV, HLV đầu tư chất lượng, thành tích thi đấu tăng dần qua từng chu kỳ đại hội. Nếu năm 2000, Đà Nẵng mới có 14 môn TTTTC (120 VĐV, 19HLV) thì nay tăng lên 26 môn với 550 VĐV và 70 HLV. Tại ĐH TDTT toàn quốc lần thứ IV năm 2002, Đà Nẵng đạt 5 HCV - xếp vị thứ 16/63 tỉnh, thành, ngành; lần V (năm 2006) đạt 13 HCV, xếp thứ 11/66;  lần VI (năm 2010) đạt 57 HCV, xếp thứ 4/66. Nhiều VĐV của Đà Nẵng đạt thành tích cao ở các giải thi đấu cấp khu vực và thế giới như: Vũ Kinh Anh (Karatedo), Hoàng Quý Phước (bơi lội), Trần Lê Quốc Toàn (cử tạ), Nguyễn Thị Thanh Phúc (điền kinh)... Mức độ đầu tư cho TTTTC tăng tiến theo từng năm, dao động khoảng từ 45 đến 50 tỷ đồng/năm.

Ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên
và Nhi đồng phát biểu tại buổi làm việc.

Định hướng chiến lược phát triển TTTTC đến năm 2020, Đà Nẵng phấn đấu là một trong 5 đơn vị dẫn đầu các kỳ đại hội TDTT toàn quốc, phát triển từ 26 đến 30 môn thể thao với khoảng 110 HLV và 800 VĐV, trong đó chú ý những môn cơ bản trong chương trình Olympic và đại hội thể thao Châu Á như: điền kinh, bơi lội, cử tạ, bóng đá, đua thuyền hiện đại...

 Bên cạnh những mặt tích cực, từ năm 2010 trở đi,  TTTTC Đà Nẵng gặp một số khó khăn, nhất là khi SVĐ Chi Lăng được bàn giao cho Tập đoàn Thiên Thanh, nhiều bộ môn phải thuê chỗ ăn nghỉ, tập luyện, ảnh hưởng đến thành tích thi đấu. Đà Nẵng hiện đang triển khai Dự án Khu liên hợp TDTT tại P. Hòa Xuân nhưng do khó khăn về kinh phí nên chưa biết bao giờ mới hoàn thành, đưa vào sử dụng.

Chế độ chính sách cho các VĐV đỉnh cao hiện cũng còn nhiều bất cập. Nhiều VĐV thi đấu đỉnh cao đạt thành tích nhưng khi giải nghệ không có công ăn việc làm ổn định. Vậy nên, nhiều người không muốn theo đuổi con đường VĐV chuyên nghiệp.

Một bất hợp lý nữa là chương trình dạy văn hóa cho các VĐV năng khiếu còn quá nặng nề. VĐV tập luyện cả ngày, buổi tối cơ thể mệt mỏi thì không thể tập trung học được. Trong khi đó, chương trình học của VĐV cũng giống như học sinh phổ thông. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào TTTTC chưa cao do kinh phí đầu tư các trang thiết bị phục vụ cho việc kiểm tra, đánh giá hầu như không có...

Ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng ghi nhận những kiến nghị của Sở VH-TT&DL Đà Nẵng về việc phát triển phong trào TTTTC và khẳng định, sau chuyến khảo sát tại Đà Nẵng cùng một số địa phương khác sẽ có kiến nghị với Chính phủ để thảo luận, tìm ra hướng tháo gỡ những bất cập. Ông Tuyết ghi nhận, việc dạy văn hóa cho các VĐV thể thao cũng cần phải được Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ VH-TT&DL thảo luận, soạn thảo chương trình phù hợp. Thêm nữa, chế độ chính sách cho VĐV TTTTC cũng nên đặc biệt chú ý đến việc giải quyết việc làm sau khi giải nghệ để các VĐV yên tâm cống hiến.

Đ. Nga