Báo Công An Đà Nẵng

Tháo gỡ “nút thắt” trong khám chữa bệnh, ổn định lao động dịp cuối năm

Thứ năm, 26/10/2023 06:51
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chủ trì họp báo.

Khó khăn về vật tư y tế, kiểm soát phòng khám thẩm mỹ

Trả lời câu hỏi của phóng viên về công tác quản lý các cơ sở thẩm mỹ hoạt động “chui”, thực hiện các dịch vụ khi không có năng lực, bà Trần Thanh Thủy - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, trong năm 2023, ngành Y tế đã tổ chức thanh tra liên ngành tại 50 cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn, tiến hành xử phạt đối với một số cơ sở có vi phạm. Lĩnh vực này có 2 hình thức hoạt động. Hiện có khoảng 30 cơ sở y tế được cấp phép khám chữa bệnh, thực hiện các danh mục kỹ thuật có phạm vi về thẩm mỹ tạo hình là những cơ sở đòi hỏi phải có cán bộ y tế, được Sở cũng như các cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động. Tuy nhiên loại hình chiếm phần lớn trong cộng đồng và rất khó kiểm soát là dịch vụ thẩm mỹ. Đây là loại hình không yêu cầu có cán bộ y tế được cấp phép hoạt động, cung cấp dịch vụ. Họ được thực hiện bộ hồ sơ tự công bố đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ. Tất nhiên những dịch vụ này sẽ bị hạn chế bởi những kỹ thuật không được phép triển khai. Trên địa bàn thành phố hiện nay có hơn 90 cơ sở thực hiện công bố hồ sơ đủ điều kiện, và Sở cũng đã thực hiện công khai, cập nhật danh sách các cơ sở này gửi về UBND các quận huyện, các trung tâm y tế để phối hợp quản lý nhà nước. “Với loại hình này rất cần sự tham gia của các cơ quan chức năng mới có hiệu quả được. Đặc biệt là vai trò của truyền thông để người dân nhận thức được những tác hại của các dịch vụ thẩm mỹ không đảm bảo bởi những người không có chuyên môn về y tế”, bà Thủy cho biết.

Phó Giám đốc Phụ trách Sở Y tế cũng cho hay, tại địa bàn 7 quận huyện, các cơ sở cung cấp dịch vụ hiện nay được lồng ghép vào trong các dịch vụ massage, spa rất đa dạng. Có gần 500 cơ sở hoạt động lồng ghép kiểu này cho nên rất cần vai trò quản lý địa bàn của quận huyện, các cơ quan có nghiệp vụ như công an để phát hiện vi phạm, xử lý, răn đe, tuyên truyền đến nhân dân.

Vấn đề khó khăn về đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế để khám chữa bệnh cho nhân dân, bà Thủy cho hay, từ tháng 3-2023 Chính phủ và các bộ ngành đã có văn bản tháo gỡ. Về địa phương, để giảm những tầng nấc trong thủ tục mua sắm cũng như tạo sự chủ động, chịu trách nhiệm của các đơn vị sử dụng vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh, thành phố đã thông qua Nghị quyết 60 tăng cường vấn đề phân cấp trong mua sắm. Các cơ sở y tế trên địa bàn cũng đã rất tích cực trong việc này.

Tuy nhiên bà Thủy cũng thẳng thắn thừa nhận là các thủ tục không đơn giản như chúng ta hình dung, mong muốn. Bởi vì quy trình mua sắm, đấu thầu theo quy định mất rất nhiều thời gian, đặc biệt là các gói thầu có quy mô lớn, hàng hóa mang tính chất đặc thù. Có những gói thầu phải mất từ 4-6 tháng. Ví dụ để gửi một cái thông báo báo giá thì quy định là phải mất 10 ngày để các nhà thầu cung cấp thông tin. Nếu các gói thầu không đủ thông tin báo giá hoặc không có đơn vị chào giá thì phải gửi lại. Việc thực hiện quy trình cũng phụ thuộc rất nhiều yếu tố. “Tuy nhiên đến bây giờ, sau 9 tháng ngành Y tế đã có 180 gói thầu về trang thiết bị y tế được tổ chức. Và đã thực hiện hoàn thành 170 gói, trong đó các mặt hàng trúng thầu được khoảng 68,9%. Chúng ta làm rất tích cực nhưng cũng có những mặt hàng, tỷ lệ không trúng thầu và bắt buộc việc mua sắm phải tiến hành rất nhiều lần”, bà Thủy thông tin và cho biết thêm, đối với Bệnh viện Đà Nẵng, đến giờ những gói thầu mua sắm vật tư y tế của bệnh viện cơ bản đã được hoàn thành. Các thiết bị vật tư y tế để phục vụ phẫu thuật đã có để phục vụ cho người dân.

Đà Nẵng từng bước tháo gỡ các khó khăn trong công tác đấu thầu, mua sắm thiết bị, vật tư y tế để phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân.

Bảo vệ quyền lợi người lao động trong dịp cuối năm

Tại buổi họp báo, đại diện Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn thành phố hiện số tiền nợ bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp khoảng 221 tỷ đồng, chưa kể tiền lãi chậm nộp. Một số đơn vị chậm đóng là do các nguyên nhân về sản xuất kinh doanh, nhưng cũng có một số chây ì tìm mọi cách để né tránh nghĩa vụ, gây nợ kéo dài. Rất nhiều giải pháp đã được thực hiện nhưng tình trạng này vẫn không khắc phục được. “Tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử phạt và kể cả cưỡng chế thông qua tài khoản của doanh nghiệp tại ngân hàng. Nhưng khi thực hiện các thủ tục cưỡng chế thì phía ngân hàng thông báo tài khoản doanh nghiệp không có số dư, tiền bằng 0! Hy vọng từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp sẽ thu hồi được vốn và khắc phục được một phần. Thời gian sắp tới sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội sẽ có những chế tài mạnh mẽ hơn”, đại diện Bảo hiểm xã hội TP Đà Nẵng cho hay.

Trước những khó khăn về lao động, việc làm gây tâm lý lo lắng cho công nhân trong dịp cuối năm, ông Nguyễn Đăng Hoàng – Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong thời gian qua, Sở thường xuyên nắm rõ tình hình lao động và việc làm để hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động giải pháp tập trung chăm lo, giải quyết chế độ cho người lao động theo quy định. Đơn cử vừa qua có công ty tại KCN Hòa Khánh do gặp khó khăn vì đơn hàng giảm sút đã không bố trí được công việc cho gần 60 công nhân. Trước khi nghỉ việc, chủ doanh nghiệp cũng như người lao động đã có thỏa thuận chấm dứt hợp đồng, giải quyết các chế độ, không xảy ra tranh chấp. “Từ nay đến cuối năm 2023 và trước Tết Nguyên đán, Sở tăng cường theo dõi tình hình lao động việc làm tại các khu công nghiệp để hỗ trợ hướng dẫn người lao động và người sử dụng lao động thực hiện đúng quy định, đảm bảo hài hòa quan hệ. Cùng với đó là tăng cường giới thiệu việc làm, giải quyết kịp thời chế độ bảo hiểm thất nghiệp, hỗ trợ học nghề, phối hợp rà soát lao động có hoàn cảnh khó khăn để tham mưu UBND thành phố báo cáo trình HĐND thành phố hỗ trợ. Như Tết năm 2023 là hỗ trợ khoảng 4 tỷ đồng cho 8.000 lao động có hoàn cảnh khó khăn. Năm nay cũng sẽ cố gắng để đạt mức tương đương”, ông Hoàng cho biết.

Vì sao cả 3 dự án khu công nghiệp mới của Đà Nẵng đều chậm tiến độ?

Trả lời câu hỏi về việc vì sao 3 khu công nghiệp mới của Đà Nẵng chậm tiến độ đề ra, ông Lê Minh Tường - Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng cho biết, thành phố đã triển khai đầu tư khu công nghiệp (KCN) Hòa Cầm – giai đoạn 2, KCN Hòa Ninh và KCN Hòa Nhơn để phát triển lĩnh vực công nghiệp. Tuy nhiên cả 3 dự án này đều chậm tiến độ. Đối với KCN Hòa Ninh, hồ sơ đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, vào năm 2022, Văn phòng Chính phủ có truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng yêu cầu UBND TP Đà Nẵng thực hiện trình tự, thủ tục và trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng.

Với KCN Hòa Nhơn, hiện nay, diện tích dự án bị điều chỉnh giảm từ 360ha xuống còn 237ha do chia tách để hình thành Cụm công nghiệp Hòa Nhơn. Hiện Ban quản lý Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng đã có Công văn báo cáo UBND thành phố xin hủy nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch KCN Hòa Nhơn. "Sau khi có quy hoạch điều chỉnh được duyệt, thành phố sẽ chỉ đạo BQL tìm hiểu kêu gọi nhà đầu tư tiềm năng để hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư, trình các bộ ngành và Trung ương quyết định theo quy định.

Về KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, dự án đã được Thủ trướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư vào ngày 18-3-2022. Thủ tướng giao UBND TP Đà Nẵng tổ chức xây dựng phương án và chịu trách nhiệm lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu, đầu tư, đất đai và pháp luật có liên quan khác. Lý do dẫn đến thời gian thực hiện thủ tục có sự chậm trễ là vì dự án này có quy mô lớn, tính chất đặc thù, phức tạp.

CÔNG KHANH