Báo Công An Đà Nẵng

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV:

Thảo luận sôi nổi về dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi)

Thứ sáu, 08/06/2018 11:22

Chiều 7-6, Quốc hội làm việc tại tổ, cho ý kiến về dự án Luật Công an nhân dân (CAND) (sửa đổi) và dự án Luật Chăn nuôi. Trước đó, vào buổi sáng, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Bộ trưởng Công an Tô Lâm, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật CAND (sửa đổi).

Cho ý kiến về dự án Luật CAND (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Công an, Quân đội là các lực lượng trụ cột, chủ công đảm bảo an ninh xã hội. Vì vậy, lực lượng Công an phải gần dân, sát cơ sở để phục vụ nhân dân tốt hơn. Đây là nguyên tắc rất quan trọng.

Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh phát biểu thảo luận tại tổ.

Về cấp bậc hàm của Giám đốc Công an cấp tỉnh

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lực lượng Công an phải sửa phong cách, cách làm. Quan trọng là dự án Luật cần có các quy định để người CAND sát dân, gần dân hơn. Bên cạnh đó, lực lượng Công an cần đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân tốt hơn. Vừa qua, lực lượng này đã cố gắng nhưng an toàn của người dân trên một số lĩnh vực còn bất cập: xâm hại trẻ em, tai nạn giao thông... Đây là trách nhiệm của cấp ủy chính quyền và lực lượng Công an. Các cấp ủy chính quyền địa phương cần quan tâm hơn trong xây dựng lực lượng CAND, để không có bất ngờ xảy ra trong điều kiện hiện nay - Thủ tướng nhấn mạnh. 

Đối với quy định về cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh, đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) khẳng định: Khi bàn Luật CAND năm 2014 và Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đã thống nhất cấp bậc hàm cao nhất của Giám đốc Công an cấp tỉnh phải tương đương với Chỉ huy cơ quan Quân sự cấp tỉnh. Vì vậy, việc sửa đổi Luật, tăng cấp bậc hàm Giám đốc Công an tỉnh, thành phố cần được tính toán kỹ, tránh “vênh”, “so bì” không cần thiết giữa CAND với Quân đội nhân dân ở địa phương. “Tôi nhất trí tất cả Giám đốc Công an cấp tỉnh có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng để bảo đảm công bằng. Trong điều kiện không được, nên giữ như hiện hành để bảo đảm hài hòa giữa quân đội với công an” - đại biểu nêu rõ. 

Nhất trí với quy định về cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an cấp tỉnh, đại biểu Phạm Minh Chính (Trưởng ban Tổ chức Trung ương) thể hiện sự đồng tình với dự án Luật và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội. Đại biểu phân tích: Đối với Quân đội, phía dưới còn có quân khu, quân đoàn. Công an là lực lượng ở một tỉnh, một địa phương, quân số đông, có tính chất phức tạp hơn. Hiện, tình hình an ninh trật tự rất phức tạp, đặc biệt là các địa bàn biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đó là điểm khác nhau giữa Quân đội và Công an, do đó, việc bố trí phong quân hàm Thiếu tướng đối với Giám đốc Công an, không phong Thiếu tướng đối với Chỉ huy trưởng Quân sự là thỏa đáng. Tuy nhiên, cần chọn những địa bàn trọng điểm về an ninh trật tự để thực hiện. Bên cạnh đó, xây dựng các tiêu chí, quy định số lượng cụ thể, tránh việc tăng số lượng cấp Tướng so với quy định cũ.

Cần đánh giá kỹ về công an cấp xã

Nhiều đại biểu thể hiện sự quan tâm đối với quy định về chính quy Công an cấp xã. Tham gia thảo luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, lực lượng Công an cấp xã, thị trấn hiện có hơn 11.000 người, nếu hiện đại hóa hết lực lượng này sẽ không đủ nguồn lực, vì vậy cần chọn lọc những xã, phường khó khăn để thực hiện. Đồng thời, cơ cấu lại lực lượng này. Việc này không thể thực hiện ngay nhưng cần có lộ trình cụ thể thực hiện. 

Đại biểu Nguyễn Công Hồng cho rằng cần tính toán cụ thể, nếu thực hiện tốn kém bao nhiêu, lực lượng lấy ở đâu, tổ chức bộ máy thế nào? Đại biểu ủng hộ chủ trương chính quy Công an xã nhưng cho rằng báo cáo đánh giá tác động còn sơ sài.

Tán thành với ý kiến của đại biểu Nguyễn Công Hồng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đề nghị Ban soạn thảo cần đánh giá, phân tích kỹ tác động đối với quy định về chính quy Công an cấp xã, bởi, hiện nay, theo quy định công chức xã từ 21-25 người và số lượng bán chuyên trách đã rất đông trong khi việc tinh giản biên chế đang được triển khai theo tinh thần Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội về tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính vì vậy, việc xây dựng lực lượng Công an xã chính quy cần hết sức thận trọng, nên làm thí điểm ở những nơi phức tạp về an ninh trật tự, sau đó tổng kết rồi mở rộng dần, không nóng vội. 

“Nên bố trí đồn Công an ở mỗi cụm xã, trên cơ sở đồn Công an là lực lượng vũ trang khi cần đưa xuống, khi không cần rút đi, rất cơ động, đúng tính chất vũ trang. Tuy nhiên, Công an xã là lực lượng vũ trang nhưng thuộc công chức xã sẽ phụ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, sự quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước... Điều này nên cân nhắc, đánh giá tác động kỹ hơn khi bố trí lực lượng Công an xã, bởi có thể dẫn đến số lượng công chức rất đông ở đây vừa tốn kém, vừa lãng phí nguồn lực cả về con người và cả vật chất” - đại biểu Phạm Minh Chính nói. 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, việc sửa đổi Luật Công an nhân dân nhằm tổ chức lại bộ máy của lực lượng Công an; sửa đổi chế độ chính sách để lực lượng Công an các cấp có thể hoàn thành nhiệm vụ nặng nề được giao. Trong ảnh: CBCS Đội Xe, Phòng Hậu cần - Kỹ thuật CATP Đà Nẵng kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện, phục vụ công tác, chiến đấu của CATP. Ảnh: NGUYỄN LÊ

Làm rõ một số vấn đề

Làm rõ thêm về dự án Luật, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, nhiệm vụ của lực lượng Công an hiện tại nặng nề so với 10 năm trước. Tội phạm phức tạp, số lượng tội quy định trong BLHS tăng lên; xuất hiện nhiều loại tội phạm mới, quá trình điều tra, xử lý của lực lượng công an cũng đòi hỏi nhiều quy định hơn. Xã hội phát triển nhưng tội phạm không giảm đi, do đó pháp luật phải điều chỉnh để ngăn ngừa, đấu tranh. Bên cạnh đó, còn có vấn đề an ninh phi truyền thống, tội phạm quốc tế, như: tội phạm khủng bố, buôn bán ma túy, buôn bán động vật hoang dã xuyên quốc gia, vấn đề an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng... không phải đơn giản một quốc gia có thể xử lý được. 

Thượng tướng Tô Lâm khẳng định, việc quan tâm đến số lượng vụ án, khám phá nhanh các vụ án là quan trọng nhưng quan trọng hơn là phải giảm được số lượng vụ án, không để xảy ra vụ án. Mục tiêu ấy rất khó khăn, nhưng quan điểm của Bộ Công an là xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương để đảm bảo cho người dân được thụ hưởng một xã hội an toàn. Do đó, việc sửa đổi Luật CAND nhằm tổ chức lại bộ máy của lực lượng Công an; sửa đổi chế độ chính sách để lực lượng Công an các cấp có thể hoàn thành nhiệm vụ nặng nề được giao. 

Theo đó, chuyển biến lớn nhất là bố trí Công an cấp xã chính quy. “Có những xã biên giới hàng trăm ki-lô-mét vuông, dân đông đúc; xã giáp ranh, xã biên giới còn phức tạp hơn phường rất nhiều. Chúng tôi nghe những tiếng kêu thấu lòng từ người dân, có những việc họ không được giải quyết một cách căn cơ. Bố trí Công an chính quy xuống xã là để giải quyết những vấn đề đó. Dự án Luật quy định Bộ Công an chỉ có 15% biên chế, còn 85% là ở địa phương. Nhiệm vụ của Bộ Công an là hướng dẫn, kiểm tra, giảm làm trực tiếp. Hiện, đang xảy ra tình trạng Bộ điều tra rồi TAND cấp tỉnh xử lý, rất bất cập trong cải cách tư pháp, đòi hỏi cần đồng bộ hơn. Phải phân cấp cụ thể và CAND phải gắn liền với nhân dân” - Bộ trưởng Tô Lâm nói. 

Đối với quy định cấp bậc hàm cấp Tướng, Bộ trưởng khẳng định dự án Luật cũng không làm thay đổi cơ cấu. Hiện, số lượng này vẫn vậy, không vượt quá. Điều quan trọng là phải đủ tiêu chuẩn. Ví dụ, đối với Bộ trưởng phải lên Thượng tướng 4 năm, mới được thăng quân hàm Đại tướng; 6 Thứ trưởng là 6 Thượng tướng. Điều này đã quy định rõ trong Luật.

Tạo cơ sở pháp lý để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa

Liên quan đến dự án Luật Chăn nuôi, nhiều đại biểu Quốc hội dành nhiều sự quan tâm đến quy định quản lý hoạt động chăn nuôi, Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng: Các quy định về hoạt động chăn nuôi trong Dự án thảo Luật tạo cơ sở pháp lý để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng nhằm phát triển chăn nuôi thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tiên tiến, hạn chế dần việc chăn nuôi nhỏ lẻ, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường là cần thiết. Tuy nhiên Ban soạn thảo cần quy định cụ thể khoảng cách giữa khu vực chăn nuôi và khu dân cư; tăng cường quản lý cơ sở chăn nuôi, quy định rõ trách nhiệm của cơ sở chăn nuôi đối với việc bảo vệ môi trường...

Một số ý kiến nêu rõ: Tất cả các quy định trong dự án Luật từ khảo nghiệm giống vật nuôi, công nhận giống vật nuôi, xuất khẩu, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, hành nghề chăn nuôi, khảo nghiệm, xử lý chất thải... đều phải xin giấy phép dẫn đến gây khó khăn trong thực tế. Ban soạn thảo cần quy định phân cấp quản lý chăn nuôi xuống địa phương nhiều hơn, quy định rõ trách nhiệm của từng cấp; tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát phù hợp với tình hình hiện nay.

Hôm nay (8-6), các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường. Buổi sáng, các đại biểu biểu quyết thông qua Luật Quốc phòng (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam. Buổi chiều, các đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018; thảo luận về dự án Luật Trồng trọt.

THU THỦY – TTXVN

Đề nghị giám sát vấn đề bạo hành trẻ em

Sáng cùng ngày, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019. Đồng thời, Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định 2 trong 4 nội dung cụ thể. Thứ nhất là việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy giai đoạn 2011-2018 (dự kiến giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì về nội dung). Thứ hai là việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị giai đoạn 2014-2018 (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chủ trì về nội dung). Thứ ba là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2011-2018 (dự kiến giao Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chủ trì về nội dung). Thứ tư là việc thực hiện chính sách, pháp luật về lập, quản lý, sử dụng các loại quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2011-2018 (dự kiến giao Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội chủ trì về nội dung). 

Đề cập đến nạn bạo hành, xâm hại trẻ em thời gian qua, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) nhấn mạnh, đây là những vấn đề mới phát sinh song hậu quả để lại rất đáng lo ngại, cần được quan tâm thích đáng. “Qua trả lời chất vấn của các bộ trưởng, tôi thấy chủ yếu là tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, tập trung giải quyết vụ việc kịp thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan. Nếu chỉ dừng ở mức như vậy sẽ không hiệu quả, vì đơn giản những giải pháp này đã triển khai trong thời gian qua, song hiện tượng này vẫn xảy ra, thậm chí có vụ việc rất nghiêm trọng. Do đó, để khắc phục, giải quyết vấn đề triệt để cần bổ sung giám sát về thực hiện chính sách, pháp luật về chống bạo hành, xâm hại trẻ em”, đại biểu Đặng Thị Phương Thảo nhấn mạnh.

THU THỦY – TTXVN