Báo Công An Đà Nẵng

Thảo Ngân - nỗi đam mê là nguồn cội

Thứ hai, 04/08/2014 08:24

(Cadn.com.vn) - Giới sáng tác ở tỉnh Quảng Trị thường nhắc đến hai tác phẩm là À ơi tiếng Mẹ và Huyền thoại trong lòng đất mỗi khi nói về nhà nhiếp ảnh Thảo Ngân. Với Thảo Ngân, nghệ thuật nhiếp ảnh, trước hết có nghĩa là sự có mặt của người cầm máy ảnh trong khoảnh khắc mà những điều thường nhật của cuộc sống thể hiện vẻ đẹp bản chất của nó. Điều này đã gợi mở trong anh rất nhiều ý tưởng sáng tác bằng sự khám phá, đón nhận và khắc ghi các hình ảnh của đời sống.

Những tác phẩm của anh đã đạt giải cao qua các triển lãm, liên hoan ảnh nghệ thuật đều được bắt đầu từ đó. Một À ơi tiếng Mẹ, một Đèn khuya, một Hồn biển, một Tấm áo Mẹ vá năm xưa, một Cho mùa sau, một Tiếng rao đêm, một Huyền thoại trong lòng đất... đem đến cho người xem sự ngạc nhiên thú vị trước vẻ đẹp của đời sống và của nghệ thuật nhiếp ảnh. Thảo Ngân có khả năng ngắm nhìn, chộp bắt thần thái của sự vật trong những khoảnh khắc bất chợt nào đó mà cuộc đời đã trao tặng cho một nghệ sĩ nhiếp ảnh như anh.

Con người cầm máy ảnh này đã và đang gắn bó rất nhiều, rất sâu với quê nhà Quảng Trị bằng tình cảm, sự tôn trọng và yêu thương những gì mà mảnh đất và con người nơi đây thể hiện ở hiện tại lẫn trong quá khứ. Ảnh của anh có những cấu trúc thẩm mỹ thể hiện tâm hồn hài hòa, tươi sáng. Những tia nhìn mẫn cảm, tinh tế và trìu mến của tâm hồn anh phát hiện bóng một người mẹ in trên vách nhà bởi ánh sáng của ngọn đèn dầu nhỏ bé đã làm nên tấm ảnh Tạc vào thế kỷ.

Đó là hình ảnh của một người phụ nữ khoác tấm nilon mỏng trong suốt đi trên con đường đêm lấp loáng nước mưa dưới ánh đèn dầu tỏa ra từ tay bà trong tấm ảnh Tiếng rao đêm như một biểu tượng của sự tảo tần đáng kính của con người, là ông lão khỏe mạnh vung tay vãi lúa trên thửa ruộng đỏ rực ánh bình minh với nụ cười hy vọng về cả mùa vàng rồi sẽ đến trong tấm ảnh Cho mùa sau, là tâm trạng mang nhiều sắc thái biểu cảm của người mẹ già bên cánh võng trong tấm ảnh À ơi tiếng Mẹ, là nỗi niềm dễ gây xúc động trong tấm ảnh Sẻ chia giữa những người khuyết tật, là vóc dáng kỳ ảo của tầng địa đạo đã làm nên lịch sử trong tác phẩm Huyền thoại trong lòng đất,...

Những tấm ảnh này nói lên mục tiêu và nỗ lực của Thảo Ngân mà theo anh, những gì anh ghi nhận qua ống kính máy ảnh, phần lớn đều đơn sơ, bình dị chính là một cuộc tìm kiếm không ngừng nghỉ của một thân phận với những thân phận, vui buồn nơi dòng chảy cuộc đời. Vì vậy anh không ngồi chờ những đối tượng tình cờ, những thời khắc tình cờ bởi anh có niềm tin trong hành trình tìm đến cái Đẹp và chính niềm tin ấy sẽ đền bồi cho những người cầm máy ảnh như anh, giúp anh đạt được mục đích ngay ở trong khoảnh khắc hay là vĩnh cửu.

Bức ảnh “À ơi tiếng Mẹ”.

À ơi tiếng Mẹ ghi lại thời khắc người mẹ chân chất và bình dị mong nhớ con mình bên cánh võng trống trải gần gũi với cuộc đời của bao người mẹ mang vẻ đẹp cả về bố cục tạo hình lẫn ánh sáng. Tính khái quát của hình tượng người mẹ trong tấm ảnh này là ở chỗ nó khắc họa được thân phận của những người mẹ mang nỗi mong nhớ những đứa con đi xa. Sức biểu cảm của hình tượng cho phép tấm ảnh này trở thành một chân dung đại diện cho người mẹ Việt Nam thương nhớ con mình.

Với tấm ảnh Huyền thoại trong lòng đất, Thảo Ngân đã thể hiện cái nhìn đầy trân trọng của anh trước một kỳ quan trong lòng đất lửa, đất thép Vĩnh Linh anh hùng. Di tích lịch sử địa đạo Vịnh Mốc từng có rất nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh khai thác, nhưng Thảo Ngân đã có cách đặc tả rất riêng. Thủ pháp bấm đèn nhiều lần, từng khoảng cách khác nhau và vận dụng bóng của một người hắt lên vách hầm địa đạo với hai mảng sáng tối hợp lý đã tạo hiệu quả nghệ thuật lớn là tấm ảnh vừa thể hiện được một sức sống tiềm ẩn trong lòng đất vừa hư ảo như một huyền thoại rất dễ khơi gợi bao cảm xúc nơi người thưởng ngoạn.

“Huyền thoại trong lòng đất”.

Vẫn với những cảm hứng kỳ lạ, những hình ảnh trong nhiều không gian và thời gian mà không ai đo lường trước được trong đời sống chẳng hề đơn giản, Thảo Ngân tiếp tục tìm kiếm các bố cục khuôn hình, màu sắc và độ sáng mang dấu hiệu của khát vọng thăng hoa của tâm hồn con người. Trên con đường đến với cái Đẹp của nghệ thuật nhiếp ảnh, anh không bao giờ ngừng nghỉ, bởi trong con người nghệ sĩ của anh, nỗi đam mê đã là nguồn cội.

Nguyễn Bội Nhiên