Thắp sáng đảo bé bằng sáng tạo và nỗ lực của ngành điện
Đảo Bé, tức xã An Bình huyện Lý Sơn là địa bàn khó khăn nhất trong việc cấp điện. Thách thức của khó khăn đã tạo những trăn trở và sáng tạo, ngành điện đã nỗ lực đầu tư hệ thống diesel kết hợp điện năng lượng mặt trời. Và Đảo Bé đã được cung ứng điện 24/24. Những công trình điện ở Đảo Bé đã trở thành một điểm sáng trong đầu tư công ích của ngành điện và cũng kết nối của những giá trị và hiệu quả, rút ngắn khoảng cách phát triển kinh tế, xã hội giữa đảo và bờ.
|
Thêm cơ hội cho đảo Bé
Nằm cách biệt với đảo lớn, cách đảo lớn khoảng 3,5 hải lý về phía Tây Bắc, cách đất liền đến 18 hải lý. Bao đời nay, đảo Bé là một “vùng trũng” về điện. Người dân đảo Bé trước đây chắc chẳng dám mơ về một nguồn sáng từ điện trên hòn đảo xa xôi này. Thế nhưng, giờ đảo Bé nổi lên một điểm sáng về du lịch. Nói không quá, từ khi có điện, đảo Bé được người dân cả nước, đặc biệt những người đam mê du lịch biết tới. Đời sống của người dân cũng sáng sủa hơn.
Sinh ra và lớn lên ở hòn đảo xa xôi cách trở này, ông Bùi Thân chưa bao giờ nghĩ một ngày sẽ có điện vào ban đêm, những hàng cột điện thẳng tắp trên trục đường chính. Và từng cái đồng hồ điện riêng lắp đặt cho từng nhà cũng trở thành một hiện tượng. Ông Thân chia sẻ “Chiếc đèn dầu này đã gắn bó với tôi gần như cả cuộc đời, nhưng từ nay sẽ không còn dùng đến nó nữa rồi. Những người trẻ rời xứ này mà đi chắc giờ sẽ cơ hội trở về”. Và ông Thân đã đúng. Anh Đặng Sâm là một trong những người trẻ đã rời đảo để tìm kiếm cơ hội phát triển. Nay quê hương đã có điện, kinh nghiệm làm du lịch nhiều năm ở phương Nam đã thôi thúc anh trở về với hòn đảo mình sinh ra. Anh Sâm trở về xây dựng homestay tại ngôi nhà của mình. Khi được hỏi lý do trở về, anh chia sẻ: “Cách đây hai năm thì hầu hết mọi người dân ở đảo bé dường như bỏ đi hết, vì nước đã thiếu rồi, điện không có nữa thì không thể ở lại. Sau hai năm thì điện năng lượng mặt trời cũng như máy phát thì đã cung cấp hầu như 24/24 thì người trẻ, cũng như người đi xa có xu hướng trở về quê hương”.
Có nguồn điện, người dân có thể làm dịch vụ du lịch. Người dân trên đảo có thể thoải mái hơn khi sử dụng thiết bị điện cho sinh hoạt mà không lo chuyện chập chờn như trước. Người dân trên xã đảo Bé được lắp đặt miễn phí đường dây sau công tơ đến nhà, tài trợ hệ thống đèn điện chiếu sáng, bảng điện trong nhà. Việc sử dụng điện an toàn, tiết kiệm hơn.
Hiện đảo Bé có hơn 10 homestay được thiết kế theo kiểu nhà sàn Bungalow với nguyên liệu thân thiện với môi trường. Khi có điện ban đêm, khách lưu trú ở lại chính người dân đảo Bé được thêm nguồn thu nhập, và du khách được trải nghiệm một đêm giữa biển khơi trên một hòn đảo được mệnh danh là thiên đường. Phát triển được du lịch là một phần, phần chính nhất là đời sống được nâng cấp hơn rất nhiều từ khi có điện. Anh Trần Văn Thanh chia sẻ: “Trước kia ở đây chưa có điện thì cuộc sống người dân còn khó khăn nhiều hơn. Vật dụng hay cái gì đó, đồ dùng để phát triển cho mình thì không có, có muốn mua cũng không đủ điện mà xài. Từ khi có điện từ nhà máy điện và năng lượng mặt trời thì dùng thoải mái. Người dân được đầy đủ hơn, sắm sanh nhiều hơn. Ở nhà mình có thể mua tủ lạnh, tivi gì đó mình coi. Xong rồi mình có con cá, con mắm gì đó cũng bỏ tủ lạnh được. Điều kiện để người dân phục vụ homestay trở nên phát triển hơn”.
Nỗ lực và sáng tạo của ngành Điện
Đảo Bé An Bình là xã cuối cùng của tỉnh Quảng Ngãi có điện. Cấp điện 24/24 cho đảo Bé là một nỗ lực lớn và dấu ấn trong hoạt động của ngành Điện. Để dòng điện xuyên suốt phục vụ cho người dân trên đảo Bé, cán bộ công nhân viên Điện lực Lý Sơn đã thay phiên nhau hoạt động không ngừng nghỉ cả ngày lẫn đêm. Khó khăn lớn nhất là làm sao người dân trên đảo luôn đủ điện, nhất là khi vào mùa mưa bão.
Tháng 8/2017, ngành Điện đã đưa vào vận hành nhà máy điện mặt trời An Bình với tổng đầu tư 20 tỷ đồng. Nguồn điện trên đảo hiện tại có hai hệ thống là điện mặt trời và diesel. Hệ thống điện diesel công suất 2x110kVA đưa vào sử dụng từ ngày 31/8/2017. Điện năng lượng mặt trời được xây dựng trên diện tích 2.021m², bao gồm hạng mục hệ thống pin quang điện, công suất 96kW, lưu trữ năng lượng và các công trình phụ trợ. Hệ thống năng lượng mặt trời được đấu nối với nhà máy phát điện diesel tạo thành một hệ thống điện lai ghép giữa năng lượng và máy phát, thực hiện cấp điện 24/24 giờ, phục vụ nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh cho người dân trên đảo Bé. Đặc biệt năng lượng điện phục vụ nhà máy Doosan chuyển đổi nước mặn thành nước ngọt cho bà con ở đảo sinh hoạt. Trước đây, đảo Bé thường xuyên bị cô lập mỗi khi thời tiết “trái gió trở trời”.
Giờ thì nỗ lực ngành Điện, nguồn điện trên đảo luôn được giữ sáng một tối đa nhất. Chỉ cần có điện là được, có điện thực phẩm có thể dự trữ, người dân trên Đảo chủ động hơn với các phương án của mình. Theo ông Đoàn Yên, Giám đốc Điện lực Lý Sơn, để giữ điện luôn sáng thì ngay từ đầu năm, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã lên kế hoạch và chỉ đạo phương án cấp điện riêng cho đảo Bé khi vào mùa mưa bão. Quan trọng nhất là tích trữ dầu để phát diezel. Hằng năm, công ty dự kiến trữ khoảng 10.000 lít dầu, phát khoảng hai tháng. Khó khăn nhất là việc khi vào mùa mưa bão, việc di chuyển từ đảo lớn sang đảo Bé rất khó. Vậy nên có khi công nhân vận hành phải ở lại cả tháng trên đảo Bé để giữ dòng điện. “Ở đảo bé có giao thông khắc nghiệt so với nơi khác vì dòng chảy của nó là dòng chảy ngang, có những lúc gió cấp 5, ra vô giữa đất liền và đảo lớn thì được, nhưng từ đảo lớn sang đảo Bé là không được, không cập bến được nên công nhân trực vận hành ở đây lên cả tháng. Nên việc để đảm bảo vận hành thì Điện lực Lý Sơn cũng chuẩn bị đầu tư một số thực phẩm cho anh em, đảm bảo vận hành”, Giám đốc Điện lực Lý Sơn chia sẻ thêm.
Điện về là ánh sáng cho gia đình, làng quê, là ánh sáng cho con chữ. Điện về mang theo bao tiện ích cho con người nâng cao chất lượng đời sống và điện cũng đã hỗ trợ nông dân trong nông nghiệp. Và một công trình ban đầu chỉ nằm trong trí tưởng tượng của nhiều người, nhưng lại thành hiện thực, đó là kéo điện lưới quốc gia bằng cáp dưới đáy biển ra tận hòn đảo cách đất liền gần 30 km. Và sự sáng tạo cấp điện không dừng lại ở đảo lớn, nỗ lực của ngành Điện đã thay thế được sự leo lắt của đèn dầu trên, thắp sáng đảo Bé bằng nguồn điện ổn định, chất lượng. 300 tấm pin năng lượng mặt trời, tận dụng được thiên nhiên ở đảo, cấp điện đáp ứng 100% nhu cầu người dân sử dụng với chi phí hợp lý nhất. Dự án giảm thải được tới hơn 92,6 tấn CO2 ra môi trường mỗi năm, tạo ra nguồn năng lượng tái tạo xanh, sạch, bảo vệ môi trường đảo Bé. Những con số ấy đủ để làm hài lòng bất kể nhà hoạt động môi trường khó tính nào. Và hơn hết, nguồn điện ổn định sẽ thắp sáng toàn bộ hòn đảo tiền tiêu Tổ quốc.
HÀ BẢO