Thấp thỏm chờ di dời ga Đà Nẵng
* Bài 1: Không thể "treo" lâu hơn nữa
(Cadn.com.vn) - Trước sức ép phát triển mạnh mẽ của đô thị, ga Đà Nẵng hiện đã bộc lộ nhiều tồn tại đòi hỏi phải di dời ra khỏi nội đô, chấm dứt vai trò hơn 1 thế kỷ của mình.
Đã đến lúc cần chấm dứt vai trò lịch sử hơn thế kỷ của ga Đà Nẵng. |
Quá tải
Sự phát triển nhanh chóng của đô thị Đà Nẵng khiến nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt không ngừng tăng lên. Trong khi đó, hạ tầng đường sắt ở Đà Nẵng lại được xây dựng từ rất lâu, nhiều hạng mục không đáp ứng đủ so với nhu cầu thực tiễn. Đơn cử như phòng chờ ga Đà Nẵng được xây từ vài chục năm trước với thiết kế dành cho 300 khách. Nhưng hiện nay trung bình mỗi ngày có tới 1.500 khách đổ về ga Đà Nẵng. Vào những dịp lễ tết, nghỉ hè, lượng khách còn tăng đột biến dẫn đến tình trạng quá tải trầm trọng. Ông Nguyễn Văn Mạnh, lái xe taxi tại khu vực ga Đà Nẵng cho biết, vào khoảng 12 giờ là cao điểm các đoàn tàu về, mỗi tàu từ 5-6 trăm khách xuống ga, tương tự cũng vài trăm khách lên tàu khiến khu vực phòng chờ, hành lang và cả tiền sảnh nhà ga đều đông nghịt người. Không những thế, ga Đà Nẵng còn là điểm dừng chân của nhiều người dân tới TP Hội An, các huyện lân cận, do đó việc phục vụ bán vé, phòng chờ vào những lúc cao điểm rất căng thẳng.
Ông Ngô Văn Ngọc-Giám đốc chi nhánh vận tải đường sắt Đà Nẵng cho biết, việc đầu tư để khắc phục tình trạng quá tải cũng gặp không ít khó khăn. Chẳng hạn diện tích để mở rộng phòng khách chờ tàu ở đâu khi mà khu vực ga Đà Nẵng ở ngay trung tâm. Hoặc dự án di dời ga Đà Nẵng đã công bố, tuy rằng chưa biết chính thức khi nào triển khai, nhưng cũng rất khó để đơn vị chủ quản bỏ kinh phí đầu tư. Bởi nếu đầu tư xong chưa được bao lâu phải di dời tới ga mới sẽ rất lãng phí. Thành thử cứ phải vừa hoạt động vừa chờ ga mới.
Đường tàu đến ga Đà Nẵng phải đi qua những khu dân cư đông đúc. |
Nhiều trở ngại
Hơn 7 giờ sáng mỗi ngày là lúc cao điểm các phương tiện giao thông đi qua đoạn đường Dũng Sỹ Thanh Khê khu vực gác chắn Thanh Khê để vào các trường đại học TDTT, cao đẳng thương mại, Cty dệt may 29-3... Nhưng cũng lúc này, rào chắn được dựng chắn ngang đường để chờ tàu qua. Có khi tàu đi luôn, có khi dừng ở ga vài phút để tránh tàu khác. Chỉ vài phút khi tàu qua nhưng cả một đoạn đường dài tắc nghẽn các phương tiện giao thông. Những khuôn mặt mệt mỏi, phờ phạc vì phải nhích từng mét đường trong khi đã tới giờ làm việc, học tập. Đó chỉ là một gác chắn giao với đường bộ, trong khi đường sắt qua đô thị Đà Nẵng có tổng cộng 27 chắn ngang như vậy. Cụ Huỳnh Thị Thí (85 tuổi) ở tổ 31 Thanh Khê Đông, có nhà hướng ra đường sắt nói: "Tui ở đây đã 43 năm, phải nghe tiếng tàu chạy, tiếng còi tàu "tra tấn" cả đêm lẫn ngày đến nhức óc. Chưa kể đủ thứ rác rưởi từ trên tàu ném xuống đường ray, ngay trước mặt nhà mình, thấy nhớp quá đành phải ra dọn dẹp. Tui cũng nghe nói người ta sẽ dẹp cái đường ray này, đưa ga đi nơi khác mà sao chờ mỏi mòn chẳng thấy gì".
Ông Hoàng Quốc Tiến- Phó Ga Đà Nẵng nói, đây là một trong vài ga thuộc loại lớn nhất cả nước có lịch sử 113 năm. Khi nhà ga, tuyến đường sắt vào Đà Nẵng được xây dựng thì lúc đó qui mô đô thị của Đà Nẵng còn rất nhỏ, khu vực ga và nhiều đoạn đường sắt đi qua còn hoang vắng. Theo thời gian, đô thị Đà Nẵng mở rộng, kéo theo đó nhà cửa mọc lên san sát ven sân ga, dọc đường sắt, các tuyến đường bộ cũng cắt ngang đường sắt dẫn tới nhiều điểm giao cắt. Cho đến nay thì ga Đà Nẵng nằm lọt thỏm trong nội đô với diện tích hơn 44 ngàn m2, tuyến đường sắt cũng giao cắt với nhiều đường bộ, để lại không ít trở ngại cho đô thị. Trở ngại lớn nhất về giao thông khi có nhiều tuyến phố cắt qua đường sắt dẫn đến ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm. Kế tiếp là tác động về môi trường, khi mà khu vực sân ga và dọc đường sắt trong nội đô luôn nhếch nhác. Đặc biệt vì đường sắt vào thẳng nội đô nên sinh ra nhiều đường ngang dân sinh, tiềm ẩn nguy cơ rất lớn về TNGT. Thực tế đã có nhiều vụ TNGT nghiêm trọng tại các đường ngang dân sinh. Trước yêu cầu và đòi hỏi phát triển đô thị hiện đại, khang trang của Đà Nẵng thì việc di dời ga Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố là cần thiết.
Ga Đà Nẵng hiện tại là ga cụt. |
Theo ông Ngô Văn Ngọc, ga Đà Nẵng hiện nay là ga cụt, vì thế khi xây mới, thông tuyến mới phải tính tiếp cận theo hướng hiện đại của thế giới. Tức là tránh tối đa các nút giao cắt với đường bộ (xây cầu vượt, cầu cạn). Ông Ngọc tính toán, nếu xây ga mới tại vị trí quy hoạch ở Hòa Khánh Nam (sau lưng ĐH Sư phạm) sẽ đỡ được 14km tàu chạy tới ga Đà Nẵng so với hiện nay (chạy 2 chiều). Như vậy, sẽ bớt thời gian, chi phí rất lớn cho ngành đường sắt cũng như hành khách. Mặt khác, với dự án thông tuyến mới, tàu sẽ chạy từ ga Kim Liên qua ga Đà Nẵng mới rồi lên thẳng ga Lệ Trạch mà không vào trung tâm TP, sẽ đỡ được 27 chắn ngang. Chưa nói lợi ích tránh được ùn tắc, tai nạn mà còn đỡ tốn nhân lực ở các gác chắn, tính ra cũng 70-80 người.
Trong tiến trình phát triển của đô thị Đà Nẵng, vai trò lịch sử hơn 1 thế kỷ của ga Đà Nẵng hiện tại có thể sẽ khép lại để nhường chỗ cho một ga mới hiện đại hơn, ở vị trí phù hợp hơn. Tuy vậy, ga Đà Nẵng trong nội đô hiện tại đã là một chứng nhân lịch sử chứng kiến sự thăng trầm của TP, là nơi in đậm trong ký ức với bao người dân, du khách thập phương trong hành trình Bắc-Nam. Tại nơi đây, khi ga Đà Nẵng chấm dứt vai trò lịch sử của mình, hẳn nhiều người cũng mong muốn tồn tại một khoảng không nào đó để lưu giữ dấu tích thế kỷ của ga Đà Nẵng.
Hải Quỳnh
(còn nữa)