Thấp thỏm lo làng trôi
Sau cơn lũ lớn vừa qua, trên địa bàn H. Đại Lộc (Quảng Nam) có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng ven sông Thu Bồn, Vu Gia, khiến người dân thấp thỏm âu lo. Đưa tôi ra phía bờ sông Thu Bồn, anh Nguyễn Văn Đào (trú thôn Giao Thủy, xã Đại Hòa) than thở: “Trước lũ, sau nhà tôi còn có một lũy tre bảo vệ, nhưng bây giờ bị cuốn trôi hết. Sạt lở khiếp quá”. Sự lo lắng của anh Đào cũng đúng thôi, bởi sông Thu Bồn đã gặm sâu vào khu dân cư, chỉ còn cách nhà cửa của người dân vài chục mét. Trận lũ vừa qua, lũy tre giữ làng của thôn Giao Thủy bị cuốn trôi, những nơi từng là đất sản xuất của người dân thì nay trở thành lòng sông sâu hoắm, tạo nên những bờ vực cao từ 2-3 m. Ông Nguyễn Phi Hùng, trưởng thôn Giao Thủy cho biết, sau lũ làng bị sạt hơn 300m đất, có điểm sông đã ăn sâu vào khu dân cư chỉ còn cách nhà hơn 30m. “Nhìn cảnh sạt lở như vậy người dân trong thôn ai cũng lo, bởi nếu xảy ra một trận lũ tương tự thì nhà cửa sẽ nằm trên miệng vực. Hơn nửa số hộ thôn Giao Thủy bị ảnh hưởng nếu không được xây kè, nguy cơ làng bị cuốn trôi rất lớn”, ông Hùng nói.
Lũy tre giữ làng của thôn Giao Thủy bị nhận chìm dưới lòng sông. |
Không phải đến bây giờ, chuyện sạt lở ở làng Giao Thủy đã được cảnh báo từ nhiều năm trước. Sau những cơn lũ từ các năm 1999, 2009, lần lượt đất sản xuất nông nghiệp, nhà cửa người dân bị sông nhấn chìm, nhiều hộ ở làng Giao Thủy buộc phải di dời đến nơi khác sinh sống. Từ một làng chuyên sản xuất hoa màu thì nay người dân phải tìm nhiều nghề khác để sinh sống, bởi đất đai đã bị cuốn trôi gần hết. Trước thực trạng trên, người dân đã trồng tre để giữ làng nhưng khi cơn lũ lớn xảy ra vào đầu tháng 11 vừa qua, những bờ tre ấy cũng đã bị nước cuốn trôi kéo theo hàng trăm mét đất xuống sông. “Sạt lở kiểu này chắc sau vài trận lũ nữa cũng chẳng còn nhà ở. Chúng tôi đã nhiều lần đề nghị, mong Nhà nước xây kè giữ làng nhưng mãi chẳng thấy”, bà Lê Thị Bất than thở.
Trận lũ vừa qua cũng khiến nhiều khu vực khác ở H. Đại Lộc bị sạt lở. Theo thống kê của ngành nông nghiệp H. Đại Lộc, tình trạng sạt lở bờ sông Vu Gia, Thu Bồn trên địa bàn huyện xảy ra rất nghiêm trọng, làm xói lở, mất đất sản xuất, nhà cửa, đất ở của hàng trăm hộ dân sống tại các khu vực gần bờ sông. Như tại khu vực thôn Mỹ Hảo (xã Đại Phong) bị sạt lở hơn 600m, thôn Đại Phú (xã Đại Nghĩa) bị sạt lở hơn 100m, tại khu vực thôn Đông Phước (xã Đại Hồng) sạt lở 300m, tại khu Ấp Bắc (xã Đại Minh) sạt lở hơn 500m...
Nước lũ đã tạo nên những miệng vực, uy hiếp làng Giao Thủy. |
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Mai, Chủ tịch UBND H. Đại Lộc cho biết, sau cơn lũ vừa qua tình trạng sạt lở tại các khu vực trên xảy ra ngày càng nghiêm trọng hơn, địa phương tiến hành khảo sát và có báo cáo gởi tỉnh đề nghị quan tâm bố trí vốn đầu tư xây dựng tuyến kè chống sạt lở bờ sông Vu Gia, Thu Bồn. “Huyện không có đủ nguồn lực để thực hiện những tuyến kè, bảo vệ khu dân cư ở các điểm sạt lở, bởi để xây dựng 1km kè chống sạt lở cần kinh phí từ 30 đến 40 tỷ đồng. Giải pháp trước mắt là huyện sẽ vận động người dân trồng tre chống sạt lở, tuy nhiên để đảm bảo an toàn thì rất cần sự quan tâm bố trí vốn đầu tư xây dựng tuyến kè chống sạt lở của tỉnh và Trung ương”, ông Mai nói.
Trong lúc chờ được bố trí vốn để xây kè thì những người dân sống trong vùng sạt lở ở sông Thu Bồn, Vu Gia lại thấp thỏm lo âu, khi chẳng biết bao giờ làng sẽ bị cuốn trôi.
H. Anh