Thấp thỏm trước nguy cơ sạt lở núi
Nhiều vết nứt hình vòng cung xuất hiện và ngày càng nới rộng, hàng chục hộ dân ở thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) thấp thỏm lo âu trước nguy cơ núi đổ sập. Nhiều gia đình di dời đi nơi khác ở nhưng cũng không ít hộ dân do không có điều kiện di dời nên đành bám trụ lại. Tình trạng này kéo dài 2 năm nay nhưng hiện vẫn chưa thể xử lí vì thiếu kinh phí.
Gia đình ông Nguyễn Văn Dung đã bỏ chi phí 30 triệu đồng khắc phục nhưng vết nứt càng ngày càng rộng ra. |
Tình trạng sạt lở núi này ở thị trấn Mường Xén diễn ra từ tháng 8-2020, ban đầu là những vết nứt nhỏ kéo dài nhưng sau đó những vết nứt này ngày càng nới rộng ra khoảng 1-1,5cm. Các vết nứt xuất hiện ở mái taluy dương Quốc lộ 7A trên độ cao hơn 100m so mới mặt đường. Đặc biệt, khu vực dưới chân taluy các vết nứt lớn do sạt trượt đã làm nhiều nhà dân hư hỏng nặng. Sát quả đồi là dãy nhà của 15 hộ dân thuộc khối 4,5 thị trấn Mường Xén. Những nhà dân cũng đã xuất hiện những vết nứt lớn nên nhiều gia đình buộc phải di dời đi nơi khác, chỉ còn một số hộ do không có điều kiện di dời đành phải cầm cự, sống trong thấp thỏm lo âu.
Gia đình chị Đào Thị Hoa, khối 4, thị trấn Mường Xén hiện đã di dời đi nơi khác, nhà chỉ là nơi cho thuê làm kho chứa đồ. Theo chị Hoa, khu vực sạt lở này kéo dài khoảng 100m và ngày càng nới rộng ra bám theo Quốc lộ 7A. Nếu tình trạng mưa to kéo dài thì nguy cơ sạt lở rất cao, không chỉ ảnh hưởng đến các hộ dân sống ở đây mà còn có những người tham gia giao thông trên Quốc lộ 7A.
Cũng như gia đình chị Hoa, gia đình ông Nguyễn Văn Dung, khối 4, thị trấn Mường Xén đã di dời và chỉ sử dụng nhà làm kho chứa hàng hóa, sử dụng ban ngày còn ban đêm thì đành đóng lại. Ông Dung lo lắng: “Ban đầu những vết nứt còn bé nên gia đình tôi đã bỏ ra chi phí 30 triệu đồng để làm rọ đá lớn kè phía sau nhà. Tuy nhiên, càng ngày những vết nứt này càng nới rộng ra, rọ đá cũng không phát huy được tác dụng. Tình trạng sạt lở khiến người dân chúng tôi vô cùng lo lắng đặc biệt là vào mùa mưa này”.
ông Lương Văn Biên - Chủ tịch UBND thị trấn Mường Xén cho biết, ngay khi nhận được thông tin từ nhân dân, lãnh đạo thị trấn đã trực tiếp lên kiểm tra tại hiện trường và có báo cáo với UBND huyện Kỳ Sơn để tìm phương án khắc phục. Nhưng đến nay do thiếu kinh phí nên việc khắc phục vẫn chưa được triển khai. Mùa mưa đang đến gần, nếu không được xử lý kịp thời nguy cơ cao sạt lở sẽ gây tắc nghẽn Quốc lộ 7A, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của 15 hộ dân và người tham gia giao thông.
Sau khi UBND huyện Kỳ Sơn thành lập đoàn liên ngành tiến hành kiểm tra khu vực sạt lở, các cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân do đặc điểm thổ nhưỡng đất đồi núi dốc bề đất có kết cấu không ổn định, lòng đất là lớp đá phong hóa có nhiều mạch nước ngầm, theo thời gian nước tích tụ làm giảm sức kháng cắt, phá vỡ liên kết của đất. Mặt khác, do điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, vào mùa khô nhiệt độ cao, thời gian nắng nhiều; vào mùa mưa lượng mưa lớn, thời gian mưa kéo dài làm gia tăng các vết nứt trên mái taluy dương đoạn từ km201+260 đến km201+350. Nếu như tình trạng sạt lở này không được xử lý kịp thời, nguy cơ cao sạt lở sẽ gây tắc nghẽn Quốc lộ 7A, nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của 15 hộ dân, đe dọa đến tính mạng và phương tiện của người tham gia giao thông.
Ngôi nhà bị nứt toác chờ sập. |
Ông Thò Bá Rê - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết, ngày 4-5-2021, UBND huyện đã thành lập đoàn liên ngành đi kiểm tra thực tế tại hiện trường. Qua kiểm tra thực tế khu vực sạt lở có chiều dài khoảng 90m dọc theo Quốc lộ 7A từ km 201+260 đến km201+350. Trên mái taluy cách Quốc lộ 7A khoảng 100m có đường nứt dọc theo sườn đồi (dọc theo Quốc lộ 7A) chiều dài vết nứt dài khoảng 80m, chiều sâu khoảng 3-4m. Vết nứt thứ 2 nằm phía dưới vết nứt trên khoảng 150m, chiều dài khoảng 120m, chiều sâu từ 2-3m. Ngoài ra, phía dưới còn xuất hiện nhiều vết nứt cục bộ chiều dài từ 10-30m.
“Huyện đã có phương án xử lý là sẽ đào cắt giảm tải từ trên xuống đoạn từ km201+260 đến km201+350, đồng thời, có giải pháp thu gom nước mặt, xây dựng kè và tường chắn đất chống sạt lở. Tuy nhiên khối lượng lớn (khoảng 500.000 mét khối đất đá), đòi hỏi kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng trong khi ngân sách địa phương hạn hẹp. UBND huyện Kỳ Sơn cũng đã gửi văn bản đề nghị UBND tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống TT&TKCN tỉnh cùng các ban ngành cấp tỉnh liên quan cho chủ trương đầu tư dự án khắc phục cấp bách đào xử lý sạt trượt tại khu vực trên với nguồn vốn dự kiến khoảng 70 tỷ đồng” – ông Thò Bá Rê cho biết.
Trong khi chờ đợi dự án, huyện Kỳ Sơn vẫn tiếp tục vận động người dân trong vùng sạt lở cố gắng di dời đến nơi an toàn hơn. Trước đó, gần khu vực sạt lở trên cũng đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng và đã được Chính phủ phê duyệt Dự án khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở đất với số vốn khoảng 48 tỷ đồng, đến nay dự án đã hoàn thành.
Dương Hóa