Báo Công An Đà Nẵng

Thấu hiểu trẻ tự kỷ

Thứ năm, 26/10/2017 10:40

Với mục đích xóa khoảng cách của trẻ tự kỷ với cộng đồng, xã hội, chia sẻ những đồng cảm với trẻ em mắc chứng tự kỷ, một dự án mang tên “Thử sống như em” nằm trong khuôn khổ “Quỹ sáng kiến thanh niên vì các Mục tiêu Phát triển bền vững” do tổ chức Oxfam tài trợ được các bạn trẻ trong nhóm “Trẻ tự kỷ - Hiểu và yêu thương” triển khai thực hiện trên địa bàn Quảng Nam – Đà Nẵng đã góp phần truyền đi thông điệp nhân văn. Theo Thạc sĩ Lê Thị Kim Thu, Giảng viên khoa Tâm lý–Giáo Dục, ĐH Sư phạm Đà Nẵng, trẻ tự kỷ khác với người bình thường ở bộ phận tiếp nhận âm thanh. Nếu như chúng ta tiếp nhận âm thanh một cách chọn lọc, chỉ chú ý đến những gì chúng ta thật sự cần và muốn nghe thì trẻ tự kỷ lại hoàn toàn trái ngược. Trẻ tự kỷ không có bộ phận “cảm biến” âm thanh, tất cả âm thanh phát ra trong tự nhiên đều được tiếp nhận cùng một lúc dẫn đến sự rối loạn về âm thanh, làm cho trẻ cảm thấy hoảng loạn và sợ hãi. “Đấy là lý do mà trẻ tự kỷ bao giờ cũng tự nhốt mình vào phòng kín, không muốn tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Điều đó sẽ làm cho trẻ tự kỷ cảm thấy bình tĩnh, cân bằng do không bị “tấn công” bởi những âm thanh từ bên ngoài”, Thạc sĩ Lê Thị Kim Thu cho hay.

Các thành viên nhóm “Trẻ tự kỷ - Hiểu và yêu thương”
thực hiện nhiều chương trình nhân văn hướng đến trẻ tự kỷ.

Xuất phát từ thực tế đó, dự án “Thử sống như em” đã ra đời, hướng đến mục đích cho người bình thường cảm nhận rõ nhất về cuộc sống của trẻ tự kỷ để đồng cảm hơn. Dự án được thực hiện dựa trên ý tưởng của clip “What Autism Feels like” (cảm nhận của người tự kỷ như thế nào) do tổ chức Autism Speaks thực hiện. Với dự án này, mọi người sẽ có hai phút để trải nghiệm tri giác mà trẻ tự kỷ phải trải qua mỗi ngày. Thông qua thiết bị công nghệ và kính thực tế ảo Google CardBoard VR và tai nghe hỗ trợ, người sử dụng sẽ cảm nhận được tất cả âm thanh từ tiếng còi xe, tiếng gió thổi, tiếng ồn, tiếng điện thoại…cùng một lúc. “Đó là một âm thanh vô cùng kinh khủng, khi mà ta thật sự không biết chúng ta đang ở đâu và điều gì đang xảy ra. Điều đó khiến chúng ta càng hiểu rõ hơn những gì trẻ tự kỷ đã phải gồng mình đón nhận”, Nguyễn Hạnh Duyên, Trưởng nhóm “Trẻ tự kỷ - Hiểu và yêu thương cho biết.                  

Cũng theo Duyên, nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ rõ tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển suốt đời do rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến não bộ. Vì thế trẻ tự kỷ sẽ nhạy cảm hơn trong việc tiếp nhận âm thanh cũng như phản xạ tự nhiên, đồng thời sẽ dễ bị tổn thương hơn. “Thiết bị này sẽ mô phỏng hình thức rối loạn thính giác của trẻ tự kỷ và chuyển đến người đeo. Có nhiều người thật sự chưa biết tự kỷ là gì, thậm chí họ gọi đó là bệnh nên dần xuất hiện khoảng cách. Tuy nhiên, qua quá trình trải nghiệm họ đã nhận thức lại và biết được đó không phải là bệnh, mà chỉ là sự không cân bằng trong quá trình phát triển dẫn đến việc trẻ hoảng sợ”, Duyên chia sẻ.

Với nhóm “Trẻ tự kỷ - Hiểu và yêu thương”, nhiều hoạt động xã hội nhân văn hướng đến trẻ tự kỷ đã được triển khai tổ chức trong các năm qua như chuỗi sự kiện “Bạn hiểu tự kỷ, chắc chứ?”, hoạt động truyền thông online “Kiến thức cơ bản về tự kỷ”, chiếu phim miễn phí “Từ mắt đến tim” và gần đây nhất là chuỗi sự kiện giao lưu – talkshow “Ngày xanh cho em” thu hút sự tham gia hưởng ứng của cộng đồng. Riêng với dự án “Thử sống như em”, đang được triển khai, nhiều bạn trẻ cũng như các du khách nước ngoài đã cùng nhau cảm nhận và truyền đi nhiều thông điệp nhân văn, ủng hộ người tự kỷ. Bà Phùng Thị Tú, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục đặc biệt Đà Nẵng cho rằng, trẻ tự kỷ thật sự phát triển bình thường nếu được sinh hoạt, học tập và rèn luyện một cách bài bản, khoa học.

PHI NÔNG