Báo Công An Đà Nẵng

Thầy cô lớn nhất cuộc đời mình

Thứ ba, 19/11/2024 08:25

Thương biết mấy ngày còn nhỏ, những lần cha mẹ về sau buổi ra đồng mưa ướt sũng chiếc áo tơi, những buổi tối mùa đông, mẹ lụi cụi chọn củ khoai căng tròn còn bám đất được cất kín nơi góc nhà đem ra nướng… Cả những la rầy ngày nhỏ của cha mẹ đã giúp tôi nên người. Với tôi, những lời nhắc nhở, rầy la của cha mẹ là những kỷ niệm sâu sắc nhất. Nó thiêng liêng như giáo lý tín đồ. Để bây giờ tóc quá tuổi bốn mươi, nhớ lại những lời dạy bảo, chỉ dẫn của cha mẹ mà lòng thấy ấm áp dường nào…

Nhà nội ngày ấy còn nghèo lắm, lại đông anh em, cả gia đình mười mấy miệng ăn, ông bà nội cho cha mẹ ra ở riêng. Căn nhà tranh vách đất dựng tạm bên góc vườn nhà nội được cha mẹ xây dựng nên tổ ấm. Tuy nhà nghèo nhưng hằng ngày rộn tiếng cười của anh em tôi. Sau một trận đau nặng, mẹ tôi sức khỏe không còn như trước. Cha lao vào công việc, cùng mẹ dạy dỗ, nuôi mấy anh em tôi khôn lớn. Hằng ngày, bên cạnh lo việc đồng áng, cày bừa, làm vườn, chúng tôi còn thấy dáng cha lom khom dưới chái bếp cùng mẹ lạch cạch dọn bát đũa, mâm cơm...

Cha nổi tiếng là người khắt khe với con cái. Tôi nhớ nhất có lần bị đám bạn trong xóm rủ rê, tôi trốn học đi tắm sông. So với bạn bè cùng trang lứa trông tôi còi cọc hơn nhiều. Vì chưa biết bơi nên tôi bị một bữa no nước, suýt chết đuối. Mấy hôm sau vô tình cha nghe hàng xóm mách lại, biết được về bắt tôi nằm sấp trên giường. Chỉ nhìn tay ông lăm lăm cái roi mây là tim tôi đã thót ra ngoài… Lần đó tôi bị cha đánh liền một trận nên thân.

Đánh xong cha không nói một lời nào mà bỏ ra ngoài vườn ngồi rít thuốc lào. Lớn lên một tí, tôi biết, roi ngày đó có đau nhưng không đau bằng nỗi lòng của cha mẹ. Một lần nông nổi, dại khờ nếu có bề gì thì cha sẽ mất tôi mãi mãi. Giữa làng quê sông nước, ao hồ nhiều, sơ sẩy một chút là có thể xảy ra chết đuối. Có lẽ vì vậy mà sau trận đòn đó mỗi khi rảnh rỗi cha dắt tôi ra sông tập bơi. Rồi còn rất nhiều lý do khác để cha phiền lòng và nhắc nhở, nào là mải chơi thả diều, bắt ve, nào là không ngủ trưa trốn vào rừng trèo cây hái trâm, ổi... Nhưng các trò nghịch ngợm của chúng tôi ít dần và những lời khuyên bảo, nhắc của cha cũng thưa hẳn. Những lần quở phạt, la rầy của cha mẹ cũng chỉ vì muốn tốt cho con, muốn con trưởng thành hơn mỗi ngày. Dường như, cha mẹ ít lời yêu thương con nhưng hành động lại gấp ngàn lần những lời yêu thương.

Nhớ lần lên lớp 10, tôi bị đám bạn trong xóm rủ đi làm, không chịu đi học. Mặc dù cha không cho phép nhưng tôi đã suy nghĩ kỹ và quyết đi làm kiếm thêm tiền phụ cha mẹ, nuôi hai em khôn lớn. Cha la như quát: "Dám cãi lại người lớn à? Cá không ăn muối cá ươn, con không nghe lời cha mẹ trăm đường con cũng hư. Cực khổ mấy cha cũng phải nuôi các con ăn học nên người". Mắt cha đỏ ngầu, tôi xanh mặt, từ đó tôi đã bỏ hẳn ý định nghỉ học và thành tích học tập luôn dẫn đầu lớp.

Rồi thời gian trôi qua, tôi lên phố nhập học, rời xa cha mẹ. Đã mấy chục năm rồi kể từ ngày tốt nghiệp Đại học sư phạm - cũng từng ấy năm, tôi cắt hộ khẩu, lập nghiệp, xây dựng gia đình luôn ở phố. Cha mẹ dạy dỗ chúng tôi một đời - nhưng chưa một lần nương tựa vào những đứa con thành đạt.

Những lời nhắc nhở, dặn dò ngày xưa của cha mẹ tôi khắc ghi trong lòng. Vượt qua đoạn đường hơn 80 cây số, tôi về thăm quê. Rồi con đường làng lại đưa tôi rời xa cha mẹ. Trong màn bụi đường mịt mùng, tôi nghe bước chân càng trĩu nặng. Dẫu chưa ra khỏi làng, nhưng không hiểu sao tôi lại nhớ cha, thương mẹ thế này, thèm khát được nghe lời dạy bảo của cha, động viên của mẹ để tiếp tục được tỉnh táo hơn, vững bước hơn. Giữa bao khó khăn cuộc đời, những lúc ta cần nhất, có cha có mẹ, những lúc khó khăn nhất, cha mẹ dẫu sức cao tuổi yếu vẫn luôn sát cánh, đồng hành. Tôi thật may mắn khi là con của cha mẹ - thầy cô lớn nhất cuộc đời mình.

Tạp bút: Thanh Ly