Báo Công An Đà Nẵng

Thay da đổi thịt

Thứ ba, 03/09/2013 09:31

(Cadn.com.vn) - Trước tình hình chính trị căng như dây đàn ở Ai Cập, Tổ chức Anh em Hồi giáo (MBO) cần phải xem xét “phương pháp tiếp cận” của mình, tức là tìm cách “thay da đổi thịt” mới mong có thể tồn tại.

Rõ ràng, MBO vẫn đang bị vướng trong bế tắc chính trị kể từ ngày 3-7 khi quân đội bắt đầu “trò chơi” lật đổ Tổng thống của phe này, ông Mohamed Morsi. Vị cựu tổng thống hiện vẫn bị giam tại một địa điểm bí mật và sẽ bị xét xử tội “kích động giết người” trong một phiên tòa sẽ sớm diễn ra. Theo tin ngày 2-9, ông Morsi sẽ bị xét xử tại một tòa án hình sự cùng với 14 nghi can khác thuộc MBO với các cáo buộc “kích động giết người và bạo lực” hồi tháng 12-2012 khi 7 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa người ủng hộ ông Morsi và phe phản đối bên ngoài Dinh Tổng thống.

MBO đang đối mặt với triển vọng bị giải thể hoặc trở nên bạo lực hơn. Nhưng bạo lực sẽ không thể đảm bảo một sự hiện diện chính trị cho nhóm. Một thực tế mà ai cũng nhận ra là nếu MBO hợp tác với các nhóm vũ trang, họ sẽ chính thức ném bỏ đi tương lai chính trị của mình. Vì vậy, cách tốt nhất trong hoàn cảnh này là tổ chức chính trị này cần “cơ cấu lại cách tiếp cận của mình trong việc đối phó với các điều kiện chính trị”.

Bị cấm hoạt động trong hơn 30 năm dưới thời của cựu Tổng thống Hosni Mubarak, tính hợp pháp của MBO một lần nữa trở thành dấu chấm hỏi lớn sau khi hơn 1.000 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ gần đây trên toàn quốc. Khi MBO liên tục từ chối hòa giải, họ đã bị mất đi tầm ảnh hưởng quan trọng mới dựng nên, đặc biệt là đối với người nghèo. Đây chính là điểm đen, một mô hình “chính trị ngu xuẩn” của họ.

Có thể thấy rằng, tương lai của MBO phụ thuộc vào hành vi của họ trong việc đối phó với nhà nước và nhân dân. Hoạt động mà bất chấp ý nguyện của nhân dân và các tổ chức của nhà nước, MBO sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng thực sự mà có thể sẽ đe dọa đời sống chính trị của mình mãi mãi. Vì vậy, điều khẩn cấp MBO cần thực hiện lúc này là hòa giải với những người dân Ai Cập.  Sau đó, họ cần nhận thức con đường đang đi, chấp nhận chính phủ chuyển tiếp và thay đổi chính sách kích động chống lại quân đội và cảnh sát.

Theo ước tính ban đầu, kể từ khi Tổng thống Hồi giáo Morsi bị lật đổ, hơn 3.600 thành viên MBO bị bắt giữ trên toàn quốc, trong đó có cả thủ lĩnh số 1 – khiến nhóm này và những người ủng hộ rơi vào “tình trạng hỗn loạn”.

Chính phủ chuyển tiếp Ai Cập có thể đang cân nhắc 2 lựa chọn cho MBO: giải thể hoặc để nhóm này tham gia trong các hoạt động chính trị trong điều kiện “đề phòng nghiêm ngặt”. Với sự xuất hiện của những nhà lãnh đạo mới, người ta hy vọng, MBO sẽ không tham gia vào hành vi bạo lực vì đó là “cơ hội duy nhất” để nhóm này cải thiện hình ảnh của mình tại đấu trường chính trị.

Thanh Văn