Báo Công An Đà Nẵng

Thấy gì qua câu chuyện nhận hỗ trợ 13 con bò giống ở xã Triệu Độ?

Thứ tư, 28/03/2018 09:52

Mấy ngày qua, rộ thông tin cho rằng 13 con  bò giống được cấp về cho xã Triệu Độ, H. Triệu Phong (Quảng Trị) vào năm 2017 và đầu năm 2018  đa phần lọt vào nhà cán bộ xã và người thân, quy trình thiếu minh bạch đã thực sự khiến cả vùng quê bình yên trở nên “nóng ran”, dư luận xấu. Liệu có xảy ra khuất tất gì trong câu chuyện trên, chúng tôi đã về Triệu Độ để tìm hiểu thực hư.

Trước hết, bò đực giống (bò lai) được cấp cho xã Triệu Độ là thực hiện theo Quyết định 27/2016 của UBND tỉnh Quảng Trị về hỗ trợ chính sách chăn nuôi nông hộ trên địa bàn Quảng Trị giai đoạn 2016 – 2020 nhằm nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ và bảo vệ môi trường. Cũng theo quyết định này, ngoài bò giống còn có trâu, lợn, gia cầm và chỉ rõ 2 đối tượng được áp dụng hỗ trợ gồm: các hộ gia đình trực tiếp chăn nuôi lợn, trâu, bò, gia cầm, trừ các hộ chăn nuôi gia công cho các doanh nghiệp; và người làm dịch vụ phối giống nhân tạo gia súc. Nguồn kinh phí hỗ trợ thực hiện gồm ngân sách tỉnh bố trí hàng năm, ngân sách Trung ương cấp bù và kinh phí từ các chương trình, dự án Trung ương, các tổ chức kinh tế xã hội, các chương trình hợp tác quốc tế khác. Hộ chăn nuôi muốn được hưởng hỗ trợ chỉ cần làm đơn đăng ký và cam kết thực hiện nghiêm kỹ thuật chăn nuôi an toàn, được UBND cấp xã xác nhận.

Trở lại câu chuyện tại xã Triệu Độ. Để triển khai chương trình trên, vào ngày 6–5–2017, UBND xã đã có thông báo số 74/TB – UBND về việc các hộ đăng ký chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ trên địa bàn do Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Hồng ký. Tại văn bản này, UBND xã cũng yêu cầu các thôn trên địa bàn thông báo rộng rãi đến nhân dân. Qua trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Văn Hồng cho biết thời gian thông báo về các thôn kéo dài từ tháng 5 đến tháng 8 – 2017 để người dân nắm bắt, đăng ký. Đợt 1, cả xã chỉ có 3 hộ đăng ký mua bò đực giống gồm hộ ông Trị, ông Thượng (đều ở thôn Trung Yên) và 1 hộ ở thôn Giáo Liêm và 1 hộ đăng ký hỗ trợ mua gà giống bố mẹ hậu bị. Mặc dù chương trình hỗ trợ mang ý nghĩa thiết thực với người nông dân nhưng năm 2017 đúng thời điểm người chăn nuôi cả nước lao đao khốn đốn vì lợn, bò đều bị rớt giá, chính người đăng ký cũng có phần e ngại, chưa kể phải tính tới sự thích nghi của con giống. Tháng 11–2017, khi chuẩn bị nộp tiền đối ứng thì hộ chăn nuôi ở thôn Giáo Liêm rút tên, 1 hộ khác thay thế vào là anh Trương Văn Dũng, cán bộ văn phòng xã. Giá trị một con bò giống đợt này là 21 triệu đồng nên theo quy định được hỗ trợ 14 triệu/con, mỗi hộ phải nộp đối ứng thêm 7 triệu đồng. Hộ nuôi gà cũng nhận về 100 con, mức hỗ trợ 1 con/35 ngàn đồng.

Liên quan đến đợt 2 nhận 10 còn bò giống gây xôn xao dư luận, ông Hồng cho hay vào ngày 27–12–2017, khi lên Phòng NN và PTNT huyện làm việc thì nhận được thông tin còn 10 con bò đực giống chưa được phân bổ hết và chiều cùng ngày là hạn chót đăng ký năm 2017. 1 con giống đợi này trị giá 18 triệu đồng nên hộ dân nộp đối ứng 4 triệu đồng. Ông Hồng gọi điện thoại xin ý kiến Bí thư và Chủ tịch UBND xã nhưng không liên lạc được (?). Tiếp tục gọi điện cho các trưởng thôn để tìm người đăng ký nhưng cũng không có kết quả (?). Sau đó, ông Hồng và một cán bộ xã liên lạc với nhiều hộ dân có khả năng mua bò giống vì phải nộp tiền đối ứng ngay ngày hôm sau. Có 4 người dân từ chối vì không chuẩn bị tiền kịp. Một số người đồng ý nhưng vẫn chưa lấp đầy danh sách nên một số cán bộ xã đăng ký và báo cho người thân tham gia. Trong đó, có cán bộ văn phòng, trưởng CAX. Số người thân của cán bộ xã đăng ký gồm 2 người thân kế toán trưởng; anh ruột trưởng CAX. Ngày hôm sau, một hộ dân ở thôn Thanh Liêm báo không có đủ tiền nộp đối ứng nên lúc này ông Thành, anh ruột ông Hồng được thế vào. Danh sách gửi lên được Phòng NN và PTNT chấp thuận.

10 hộ đợt 2 nhận bò giống, cam kết bò giống được chăm sóc nuôi dưỡng trong 48 tháng, trừ trường hợp chết, loại thải hoặc thiên tai, dịch bệnh. Trả lời về dư luận bức xúc khi một số bò giống bị bán giết thịt, ông Hồng cho hay hiện số bò giống của 2 đợt còn lại là 8 con. 5 con do quá trình thay đổi môi trường sống và chế độ ăn, đau ốm, không đảm bảo chăn nuôi tiếp tục làm giống nên được loại thải theo quy định, có lập biên bản xác nhận, rơi vào 2 hộ người thân cán bộ xã và 3 hộ dân khác.

Vì sao nhiều người dân phản ứng khi thấy người thân của cán bộ xã hay cán bộ xã nhận bò giống hỗ trợ dẫn đến nghi ngờ tố cáo có tiêu cực? Rõ ràng, để “chạy kịp” chốt danh sách đợt 2, xã đã bỏ qua vấn đề thông báo rộng rãi cho nhân dân. Thiết nghĩ, UBND xã Triệu Độ cần rà soát lại mọi việc, nhằm nhìn nhận thiếu sót và giúp dân hiểu, nắm rõ một chủ trương ý nghĩa của Đảng và Nhà nước và trên hết củng cố niềm tin của nhân dân.

Bảo Hà