Báo Công An Đà Nẵng

Thấy gì qua “cơn đại hồng thủy”

Thứ ba, 18/10/2022 14:00
Các khu dân cư bị nhấn chìm trong biển nước đêm 14-10.

- Liên tiếp 2 “phép thử” là bão số 4 và trận ngập lụt do bão số 5 đã chỉ rõ 2 vấn đề tồn tại từ lâu tại thành phố. Ai cũng thấy, cũng biết nhưng thiệt hại vẫn rất lớn.

- Có phải đó là tình trạng ngập nước ở nhiều khu vực và cây xanh ngã đổ?

- Đúng rồi! Vừa rồi là bão số 4, với dự báo sức tàn phá khủng khiếp nhưng thực tế sức gió giật nhẹ hơn khi vào Đà Nẵng. Ấy vậy mà, hàng trăm cây xanh vẫn nằm la liệt. Thành phố vẫn đang loay hoay chưa biết chọn trồng loại cây phù hợp trong đô thị và đủ sức chống chịu được với gió bão. Cơn bão số 4 qua chưa lâu, người dân lại một phen kinh hoàng với những điều xảy ra trong đợt ngập lụt do bão số 5. Thành phố biển Đà Nẵng vốn quen chống chịu với gió bão nhưng còn thiếu kinh nghiệm ứng phó với mưa lũ lớn.

- Tư nghe chuyên gia nói do lượng mưa quá lớn và một phần thiếu chủ động phòng ngừa nên trở tay không kịp.

- Không chỉ riêng đợt ngập lụt do bão số 5 vừa qua mà bao năm nay, những “rốn ngập” như đường Mẹ Suốt (P. Hòa Khánh Nam, Q. Liên Chiểu), Khe Cạn (Q. Thanh Khê), bờ hồ đường Hàm Nghi, khu vực trước Ga Đà Nẵng… hễ có mưa kéo dài là ngập nhưng vẫn chưa có biện pháp giải quyết dứt điểm. Còn nhớ hồi 2018, hàng trăm xe ô-tô chìm nghỉm trong biển nước ở đường Hàm Nghi, dưới tầng hầm của các ngôi nhà cao tầng. Đó cứ ngỡ là trận lụt kinh khủng nhất. Nhưng 4 năm sau, tình trạng này lại diễn ra và hậu quả còn nặng nề hơn khi đã có người chết.

- Vậy các đợt ngập lụt trước đã chỉ ra chỗ nào yếu rồi hả NXD.

- NXD thấy, với tình hình thời tiết diễn biến khó lường như hiện nay thì không chắc là sẽ không có thêm trận lụt như vừa rồi nữa. Thiết nghĩ, chính quyền cần có giải pháp cụ thể và quan trọng là cần trang bị những phương tiện cứu hộ, áo phao, thuyền nhỏ, phao cứu sinh ở những khu dân cư, nhà trọ sinh viên thường xuyên có ngập lụt để phát huy phương châm “phương tiện tại chỗ”.

N.X.D