Báo Công An Đà Nẵng

Thầy giáo của bản Chăm-pu

Thứ ba, 01/12/2020 14:18

Với đặc thù của bậc học mầm non, người giáo viên không chỉ dạy học, còn đảm nhận việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ. Đây là phần việc đòi hỏi sự kiên trì, khéo léo và thường được giáo viên nữ đảm nhiệm. Tuy vậy, tại xã biên giới Thượng Trạch, H. Bố Trạch (Quảng Bình), có một thầy giáo vẫn ngày ngày lặng lẽ, miệt mài dành tình yêu thương để chăm sóc, dạy dỗ những lớp trẻ mầm non nơi đây. Đó là thầy giáo Nguyễn Văn Cường (quê xã Phúc Trạch, H. Bố Trạch) là người thầy đặc biệt của những đứa trẻ vùng cao tại điểm trường bản Chăm-pu thuộc Trường Mầm non Tân - Thượng Trạch.

Thầy giáo Nguyễn Văn Cường dạy múa hát cho các học sinh.

Nằm biệt lập giữa vùng rừng núi nơi biên giới, bản Chăm-pu, xã biên giới Thượng Trạch có 35 hộ, với 156 nhân khẩu, trong đó có khoảng 20 em ở độ tuổi mầm non. Với đặc thù địa bàn biên giới vùng cao, trình độ dân trí, đời sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; tỷ lệ trẻ trong độ tuổi mầm non đến trường còn thấp. Xuất phát từ tình yêu nghề, mến trẻ, thương những đứa trẻ vùng cao vốn chịu nhiều thiệt thòi, thầy giáo Cường đã tình nguyện lên cắm bản, dạy học tại bản Chăm-pu. Thầy Cường tâm sự: "Khi tôi chọn học và gắn bó với nghề dạy trẻ bậc mầm non, người thân, bạn bè đều hoài nghi vì nghề đó chỉ phù hợp nữ giới. Nhưng tôi lại nghĩ, ở những vùng miền núi, biên giới của quê hương, nhiều nơi bà con và trẻ em còn gặp nhiều khó khăn. Các cô giáo mầm non cắm bản cũng vất vả và thiệt thòi khi phải xa gia đình, con cái. Vì thế, tôi không sợ khó, sợ khổ mà lấy đó làm động lực để cố gắng, nỗ lực học tập và công tác”, thầy Cường chia sẻ.

Những ngày đầu mới về nhận cộng tác tại xã Thượng Trạch, thầy Cường đã cùng với chính quyền địa phương và các già làng, trưởng bản trèo đèo, lội suối, vượt qua những khó khăn đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động đồng bào đưa con em đến lớp học tập. Chính sự kiên trì và bằng tình cảm chân thành, sự gần gũi, sâu sát của thầy, bà con dân bản dần dần hiểu, đồng tình, ủng hộ và yên tâm gửi gắm các con cho thầy Cường dạy dỗ.

Chị Y Sự, bản Chăm-pu, xã Thượng Trạch cho biết: “Vào mỗi mùa rẫy, vợ chồng tôi phải đi làm xa và ở lại trên rẫy, dù nhà trường không tổ chức bán trú nhưng thầy Cường vẫn nhiệt tình nhận trông nom, lo từng bữa ăn giấc ngủ cho mấy đứa trẻ nhà tôi và bà con trong bản. Từ ngày có thầy Cường về dạy học tại bản, bà con ai cũng thương quý và cảm ơn thầy Cường nhiều lắm!”.

Là Bí thư Chi bộ bản Chăm-pu, ông Đinh Đắc vui mừng: “Chúng tôi rất vui khi Đảng, Nhà nước quan tâm mở một điểm trường mầm non ở bản Chăm-pu cho con em học hát, học múa và biết cái chữ. Dân bản càng phấn khởi khi có một người giáo viên tâm huyết, gắn bó sâu sát với đồng bào như thầy giáo Cường. Chúng tôi coi thầy Cường như người thân, ruột thịt và mong rằng thầy Cường sẽ ngày càng gắn bó với nhân dân, với bản làng Chăm-pu”.

Hơn 4 năm công tác xa nhà, bản làng Chăm-pu và núi rừng Thượng Trạch được thầy Cường xem là nhà, là quê hương thứ hai. Đồng bào nơi đây và những trẻ em nơi miền biên viễn này là người thân, ruột thịt của thầy giáo Cường. Ban ngày, thầy cần mẫn, kiên trì chăm lo cho các cháu. Khi màn đêm tĩnh mịch buông xuống, thầy Cường lặng lẽ, tỷ mẩn sáng chế ra những vật dụng đồ chơi học tập ngộ nghĩnh, bắt mắt, tạo hứng khởi và thích thú cho con trẻ trong mỗi giờ lên lớp. Từ sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình, chu đáo của thầy Cường, những đứa trẻ nơi đây đã biết được con chữ, con số, biết múa hát và tự vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Sự tự tin và tiến bộ của lớp lớp học trò chính là động lực lớn lao nhất để thầy Cường tiếp tục nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

VÕ DUNG