Báo Công An Đà Nẵng

Thầy giáo trẻ với niềm say mê gìn giữ, trao truyền dân ca Bài Chòi

Thứ năm, 04/05/2023 08:18
Tác giả với thầy Nguyễn Văn Thắng (người bên trái).

Trong niềm vui pha lẫn niềm tự hào, thầy Phạm Viết Sĩ - Phó Hiệu trưởng trường THPT Cao Bá Quát, cho tôi biết: Thầy Nguyễn Văn Thắng là giáo viên Ngữ văn có năng lực, vững vàng chuyên môn, nghiệp vụ, yêu nghề, thân thiện với học sinh, chịu khó học hỏi và rèn luyện chuyên môn. Thầy là giáo viên nòng cốt của trường, hiện là Phó Bí thư Đoàn và là một trong những thành viên tổ chức tốt các hoạt động Giáo dục ngoài giờ lên lớp - Hướng nghiệp, tham gia nhiệt tình, đầy trách nhiệm trong mọi hoạt động của trường. Đặc biệt, với niềm đam mê và thật sự có khả năng với bộ môn nghệ thuật Hô hát Bài chòi, thầy Thắng không những lồng ghép loại hình nghệ thuật này vào trong tiết dạy chính khóa mà còn lồng ghép vào các hoạt động ngoài giờ nhằm góp phần trao truyền, lan tỏa niềm thích thú bộ môn nghệ thuật truyền thống này cho học sinh. “Nhà trường rất vui và trân quý vì có được một người thầy như thế. Năm 2022, thầy Thắng vinh dự được trao tặng danh hiệu đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tiếp đến, mới đây thầy đoạt giải Ba trong Hội thi “Giáo viên giỏi tỉnh Quảng Nam, năm 2023”- Phó Hiệu trưởng Phạm Viết Sĩ tự hào chia sẻ thêm.

Năm 2007 tốt nghiệp Đại học Sư phạm Đà Nẵng, thầy Thắng tình nguyện về huyện Tây Giang công tác. Sau 6 năm gieo chữ ở vùng rẻo cao này, thầy Thắng được chuyển về quê Núi Thành giảng dạy tại trường THPT Cao Bá Quát. Vốn đã có sẵn một tình yêu nồng nàn với văn học nghệ thuật, nhất là các làn điệu ca dao, dân ca, thầy Thắng luôn tha thiết với văn hóa truyền thống của dân tộc và quê hương. Vì vậy, thầy luôn tìm hiểu, lắng nghe, tập hát các bài dân ca, nhạc cổ. Từ niềm đam mê đó, thầy trở thành một thành viên xuất sắc, nhiệt tình của Câu lạc bộ (CLB) Bài Chòi Núi Thành (Trung tâm VHTT & TT-TH Huyện Núi Thành).

Xem việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của ông cha để lại là một phần trách nhiệm của người giáo viên nhân dân, trong quá trình giảng dạy, thầy luôn phát huy lợi thế của một thầy giáo Ngữ văn cùng với niềm đam mê, nhiệt huyết của mình tìm mọi cách để đưa bài chòi vào nhà trường giới thiệu cho các học sinh. Trong dịp tổ chức các sự kiện hoạt động văn hóa, văn nghệ của nhà trường thầy luôn kèm theo tiết mục Bài Chòi. Thầy cho biết, thầy luôn sáng tạo và linh hoạt để biến những ca từ hóm hỉnh có phần “tiếu lâm”, giải trí trong đời sống thành những lời hô, tiếng hát trong sáng phù hợp với môi trường học đường và mang tính giáo dục cho các em.

Thầy Nguyễn Văn Thắng tham gia Hô hát Bài Chòi tại Trường TH Nguyễn Chí Thanh xã miền biển Tam Tiến.

Trải qua hơn 5 năm tham gia hô hát, biểu diễn dân ca, dàn dựng các tiểu phẩm tuyên truyền bằng dân ca Bài Chòi thầy đã sáng tác hàng chục kịch bản tiểu phẩm dân ca Bài Chòi để tham gia các cuộc thi và tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của các đoàn thể đến với công chúng, được nhiều người hâm mộ, tiếp nhận, hưởng ứng nhiệt tình. Thầy đã được Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam tặng giấy khen “Hoàn thành xuất sắc trong việc tham gia lớp tập huấn kỹ năng thực hành di sản Bài chòi”. Thầy cùng với tập thể CLB Bài Chòi huyện Núi Thành đạt Giải ba “Liên hoan Hô hát Bài Chòi cấp tỉnh, năm 2022” .Viết kịch bản, dàn dựng và cùng tập thể đội văn nghệ xã Tam Anh Bắc tham dự “Liên hoan hát ru – Hát dân ca cấp tỉnh lần thứ III, năm 2022”, được Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh Quảng Nam trao tặng Bằng Khen, được Chủ tịch UBND huyện Núi Thành tặng giấy khen “Đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn huyện giai đoạn 2000 – 2020. Trong công tác chuyên môn nhà trường thầy đã đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở các năm học 2017 – 2018; 2020 – 2021 2021 – 2022. Được Ban Thường vụ huyện Đoàn Núi Thành trao tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên ( 2017-2022).

Tâm sự cùng tôi, thầy Thắng chia sẻ ước mơ mong muốn được tiếp tục học tập, rèn luyện nhiều hơn ở các bậc nghệ sĩ, đàn anh, đàn chị để nâng cao khả năng hô hát Bài Chòi; được tham gia thường xuyên vào các CLB Bài chòi để mang và lan tỏa những giá trị truyền thống đến cho cộng đồng. Cùng với đó, tiếp tục sáng tạo, linh hoạt trong việc đưa dân ca, Bài chòi vào trường học để giáo dục trải nghiệm về văn hóa địa phương cho học sinh. Qua đó, phát huy năng khiếu học sinh, hình thành các CLB Bài chòi trong học đường bằng những lời hô hát có nội dung trong sáng, giá trị thẩm mỹ và tính giáo dục sâu sắc.

Lê Văn Huân