Thầy ngoại, vòng luẩn quẩn của bóng đá Đông Nam Á
Một HLV dày dặn kinh nghiệm và thành tích, từng gây chấn động ở World Cup 2018 như Akira Nishino lại đang tỏ ra bế tắc với công việc ở Thái Lan. HLV người Nhật Bản là một ví dụ nữa chứng minh thầy ngoại không phải yếu tố đảm bảo thành công cho các nền bóng đá ở "vùng trũng" như Đông Nam Á.
HLV Akira Nishino chưa thể thích nghi với Thái Lan. |
Chuyện của Akira Nishino Akira Nishino
không phải HLV ngoại đầu tiên của tuyển Thái Lan, nhưng ông là chiến lược gia châu Á đầu tiên mà "Voi chiến" đặt niềm tin. Sau thành công rực rỡ của bóng đá Việt Nam cùng HLV Park Hang-seo, người Thái Lan gạt bỏ tự ái sang một bên để học hỏi. Không những vậy, họ chọn một tên tuổi sáng giá hơn hẳn HLV người Hàn Quốc. Trước khi nhận lời dẫn dắt Thái Lan, Akira Nishino đã được Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản (JFA) vinh danh bằng cách ghi tên ông vào ngôi đền các huyền thoại ở Bunkyo, Tokyo. Chiến lược gia 65 tuổi này xứng đáng với điều đó khi giúp Nhật Bản vượt qua khủng hoảng, trở thành hiện tượng ở World Cup 2018.
Cho dù thất bại cay đắng trước Bỉ ở vòng 1/8, nhưng Nhật Bản đã tạo ra dấu ấn đậm nét với người hâm mộ toàn cầu. Đáng chú ý, Akira Nishino vốn là giám đốc kỹ thuật của JFA từ năm 2016 và góp công lớn vào định hướng phát triển các đội tuyển của xứ mặt trời mọc. Bên cạnh tài năng chiến thuật, khả năng quản trị con người và vạch kế hoạch phát triển dài hạn của Akira Nishino chính là những yếu tố chính giúp ông được Thái Lan "chọn mặt gửi vàng". Thái Lan đã sa sút không phanh kể từ khi chia tay Kiatisuk Senamuang vào năm 2017 và mất phương hướng. Cùng thời điểm, sự trưởng thành vượt bậc của các tài năng trẻ Việt Nam khiến các lãnh đạo bóng đá cũng như người hâm mộ Thái Lan mê mẩn và tin rằng họ cần một đường lối phát triển tương tự.
Quả thực, Thái Lan đã đặt rất nhiều kỳ vọng vào Akira Nishino. Họ không chỉ chờ đợi HLV này lật đổ các đội tuyển Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á, mà kỳ vọng ông giúp các đội tuyển Thái Lan vươn mình ở châu lục. Tuy nhiên, chuyện đó vẫn chưa xảy ra. Thái Lan và Akira Nishino khá đen đủi khi tìm đến nhau đúng vào thời điểm dịch bệnh bùng phát, nhưng thực tế cho thấy họ có quá nhiều điểm không hợp nhau trong cách làm việc. Akira Nishino đến từ nền bóng đá có sự chuyên nghiệp cao. Giống như hầu hết các HLV khác, ông không thích các lãnh đạo cũng như truyền thông can thiệp quá sâu vào chuyên môn. Ngược lại, người Thái Lan lại luôn cảm thấy Akira Nishino không thực sự hết mình với công việc và ông chỉ đến với họ vì mức lương quá hấp dẫn.
Chính vì lẽ đó, dễ hiểu tại sao Akira Nishino cảm thấy chán nản và mệt mỏi khi bóng đá Thái Lan tạm hoãn vì dịch bệnh. Khi có thời gian nhìn lại những gì trải qua trong năm 2019, HLV người Nhật Bản có lẽ tin rằng ông đã quá tải. Cho dù chưa thực sự thất bại, nhưng Akira Nishino cũng không tạo ra dấu ấn như mong muốn ở Thái Lan bên ngoài các tranh cãi về tiền lương, lối chơi. Akira Nishino không phải HLV tên tuổi duy nhất gây thất vọng ở Thái Lan cũng như các quốc gia Đông Nam Á khác. Người tiền nhiệm của ông, Milovan Rajevac có danh tiếng lớn không kém. HLV người Serbia thậm chí suýt đưa Ghana vào bán kết World Cup 2010 nhưng hoàn toàn thất bại với "Voi chiến".
Trong vòng 20 năm qua, Thái Lan đã sử dụng tổng cộng 8 HLV ngoại từ châu Âu, châu Mỹ cho đến châu Á, nhưng giai đoạn thành công nhất của họ lại đến cùng một HLV nội (Kiatisuk Senamuang). Từ sau Peter Withe, không HLV ngoại nào của Thái Lan trụ quá 2 năm và Akira Nishino liệu có đang đi vào vết xe đổ này?
Thầy ngoại cũng "hên xui"
Giống như Thái Lan, Indonesia cũng đang đi vào ngõ cụt khi cố gắng học theo thành công của Việt Nam với HLV Shin Tae-yong. Khi các đội tuyển dừng tập trung, thi đấu quá lâu cũng là lúc mâu thuẫn giữa HLV người Hàn Quốc và Liên đoàn Bóng đá Indonesia phát sinh. Trước đó, đội bóng xứ vạn đảo đã thất bại thảm hại với Simon McMenemy, người từng gặt hái thành công ở cấp CLB. Trong số các đội tuyển mạnh ở Đông Nam Á, Indonesia chính là đội thích thầy ngoại nhất. Từ năm 2013 đến nay, họ dùng 100% HLV ngoại. Chỉ duy nhất một người Indonesia được tin tưởng là Bima Sakti, nhưng ông này chỉ đóng vai trò tạm quyền ở AFF Cup 2018 sau khi Luis Milla bị sa thải.
Trong khoảng thời gian đó, duy nhất cố HLV người Áo Alfred Riedl thành công khi giúp Indonesia lọt vào chung kết AFF Cup 2016. Tuy nhiên, ông lại không đủ sức khỏe để dẫn dắt đội tuyển nước này lâu hơn. Đáng chú ý, Alfred Riedl vốn là HLV lão làng ở Đông Nam Á. Ông từng thành công với Việt Nam và Lào trước khi đến Indonesia. Nói cách khác, Alfred Riedl có sự hiểu biết sâu sắc với bóng đá Đông Nam Á. Đây cũng là chìa khóa quan trọng giúp HLV Park Hang-seo tạo kỳ tích cùng Việt Nam cho dù ông có bản CV khá khiêm tốn.
Lật lại vấn đề, đây cũng có thể xem là câu trả lời cho câu hỏi tại sao Thái Lan thành công với Kiatisuk Senamuang nhưng thất bại với những HLV tầm thế giới. Tương tự như vậy, Malaysia cũng sống khỏe với các HLV nội, từ Rajagopal, Ong Kim Swee cho đến Tan Cheng Hoe. Trong 15 năm qua, Malaysia chỉ có một HLV ngoại duy nhất là Nelo Vingada (2017). Tuy nhiên, HLV người Bồ Đào Nha bị sa thải sau khi thua 6, hòa 1 và không thắng trận nào trong 7 trận đầu tiên dẫn dắt "Hổ Malay".
Vì vậy, nhìn từ Park Hang-seo cho đến Akira Nishino và Tan Cheng Hoe, người ta có thể kết luận thầy ngoại không phải là sự bảo chứng cho thành công hay tiến bộ. Ngược lại, HLV nội hay ngoại không quan trọng bằng việc họ có phù hợp với văn hóa bóng đá khu vực, có tư tưởng tận hiến hay không.
P.V
Tuyển Việt Nam từng thất bại với thầy nội Ít ai biết rằng, tuyển Việt Nam chỉ có 5 HLV ngoại trong vòng 15 năm qua, bao gồm Alfred Riedl, Henrique Calisto, Falko Gotz, Toshiya Miura và Park Hang-seo. Trước Park Hang-seo, các HLV Calisto và Reidl đều tạo dấu ấn và có những thành công nhất định. Chìa khóa của họ vẫn là khả năng thích nghi với môi trường làm việc, với các cầu thủ bản địa. Reidl từng dẫn dắt tuyển Việt Nam 2 lần trước đó, trong khi Calisto có 5 năm thành công rực rỡ với Đồng Tâm Long An. Trong khi đó, Falko Goetz và Miura đều thất bại vì cố gắng áp đặt sự khoa học, chuyên nghiệp quá nhanh, đến mức khắt khe và không phù hợp. Tất nhiên, sự phù hợp không phải là yếu tố tiên quyết tạo ra thành công ở cấp tuyển quốc gia. Sau thất bại chóng vánh với Falko Gotz và Miura, tuyển Việt Nam đã thử đặt niềm tin vào 5 HLV nội khác nhau, bao gồm 2 HLV tạm quyền Mai Đức Chung và Nguyễn Văn Sỹ nhưng đều không thu lại kết quả như ý. Rõ ràng, thành công chỉ đến khi chúng ta cân bằng được chuyên môn và sự đồng điều của HLV với cả nền bóng đá. |