Báo Công An Đà Nẵng

Thầy tại nhà, thuốc tại chỗ

Thứ năm, 22/12/2022 10:55
Hội Đông Y TP Đà Nẵng hỗ trợ trồng vườn thuốc Nam tại Trạm Quân dân y kết hợp xã Hòa Bắc.

Theo định hướng phát triển ngành Đông Y của Thành ủy- UBND TP Đà Nẵng, Hội Đông Y TP đã trồng 2 vườn cây thuốc Nam với tổng diện tích gần 3.000m2 tại thôn An Châu, xã Hòa Phú (H.Hòa Vang) và tích cực vận động nhân dân trồng cây thuốc Nam. Đồng thời, hội trồng vườn thuốc mẫu tại sân thượng của cơ quan hội. Vườn thuốc mẫu được dùng để tuyên truyền vận động và hướng dẫn người dân làm theo. Việc khai thác 2 vườn cây thuốc Nam tại thôn An Châu được giao cho Phòng Chẩn trị Y học cổ truyền Thiên Bảo ở cùng thôn An Châu. Phó Chủ tịch Thường trực Hội Đông Y TP Đà Nẵng Bùi Thị Hoa chia sẻ: “Cây thuốc Nam không chỉ có công dụng chữa bệnh mà còn là cây rau ăn, cây ăn quả và cây cảnh. Không chỉ những nơi đất rộng mà ngay ở những không gian hẹp và trên các sân thượng đều có thể trồng được cây thuốc Nam”.

Từ định hướng của Thành ủy, UBND TP, phong trào trồng cây thuốc Nam ngày càng phát triển mạnh trên địa bàn TP. Đơn cử như ông Ngô Văn Nha ở thôn Hương Lam, xã Hòa Khương (H.Hòa Vang), trồng các loại cây thuốc Nam ở những chỗ đất trống giữa các hàng dừa trong khu vườn rộng gần 2.000m2. Hai cây thuốc Nam được trồng nhiều nhất là sả và ngãi cứu có bán thường xuyên. Ông Nha cho biết, cây sả và cây ngãi cứu đều dễ trồng, ít tốn công chăm sóc và có thời gian thu hoạch rất lâu. Bà Trần Thị Nghi - vợ ông Nha, hồ hởi bộc bạch: “Trồng và chăm sóc cây thuốc Nam không nặng nhọc, làm đều đặn, nhẹ nhàng thì nó cũng như lao động liệu pháp rèn luyện sức khỏe tuổi già mà lại có nguồn thu nhập ổn định”.

Vườn thuốc Nam của Hội Đông Y TP Đà Nẵng ở thôn An Châu, xã Hòa Phú.

Trong khi đó, gia đình lương y Trần Phước Cầu (P.Khuê Trung, Q.Cẩm Lệ), trồng cây thuốc Nam hơn 5 hécta, vừa tạo nguồn nguyên liệu bào chế thuốc, vừa cung cấp cây giống cho các đơn vị, cá nhân có nhu cầu. Vườn cây thuốc Nam của ông Cầu có nhiều cây thuốc quý, được chăm sóc theo hướng hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng hóa chất. Người lương y giàu nhiệt huyết đã bào chế thành công nhiều loại cao chữa bệnh từ cây thuốc Nam như cao ngũ gia bì, cao đại tràng, cao xương khớp. “Chữa bệnh bằng thuốc Nam chi phí thấp, ít có tác dụng phụ, trong khi cây thuốc Nam lại rất dễ trồng”- lương y Trần Phước Cầu nhấn mạnh.

Mô hình trồng vườn thuốc Nam đã được nhiều đoàn thể thực hiện và đạt hiệu quả cao. Chi hội Phụ nữ thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong (H.Hòa Vang) phát dọn khu đất trống rộng 250m2, kết hợp trồng sả với trồng chuối, gây quỹ Chi hội hơn 4 triệu đồng/năm. Và từ nguồn quỹ ấy, Chi hội hỗ trợ các hộ phụ nữ khó khăn. Chi hội trưởng Nguyễn Thị Hiền cho biết, cây sả có nhiều công dụng, vừa nấu nước xông khi bị cảm cúm, đau đầu, vừa sử dụng trong việc chế biến thức ăn, tạo ra mùi thơm, tăng thêm vị ngon, kích thích ăn ngon miệng. Còn chị em ở thôn Trung Nghĩa 3, P. Hòa Minh (Q.Liên Chiểu) tận dụng khu đất chưa xây dựng công trình trồng cây thuốc Nam. Các chị trồng vườn thuốc Nam này nhằm giúp đỡ những người có nhu cầu chứ không bán. Trong khi đó, ông Phan Thanh Phiến thực hiện mô hình trồng cây thuốc Nam dưới tán rừng tại khu vực bán đảo Sơn Trà. Mô hình này được Hội Dược liệu TP phối hợp Trung tâm Công nghệ Sinh học Đà Nẵng xây dựng thành đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn và phát triển bền vững dược liệu quý hiếm dưới tán rừng.

Đặc biệt, từ cây thuốc Nam, lương y Trần Đình Niên (phường Hòa Thuận Đông, quận Hải Châu) đã bào chế thành công bài thuốc “Hoắc hương chánh khí tán” nhằm sử dụng phòng, chống COVID-19, được Công ty Dược phẩm Quốc tế Trung Nam hợp tác sản xuất và tiêu thụ. Bài thuốc “Hoắc hương chánh khí tán” đã được giới thiệu tại hội thảo “Phòng, chống Covid-19 bằng Y học cổ truyền” do Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật TP Đà Nẵng phối hợp với Hội Đông Y TP tổ chức…

“Nam dược trị Nam nhân”, sử dụng cây thuốc Nam để chữa bệnh là phương pháp đã có từ lâu đời. Những năm qua, lãnh đạo TP Đà Nẵng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về phát triển cây thuốc Nam. Hội Đông Y TP đã xây dựng mô hình Túi thuốc điều trị F0 và F1 tại nhà bằng các loại thuốc Nam. “Thời gian đến, toàn hội tăng cường tuyên truyền, nhân rộng các mô hình trồng cây thuốc Nam, không ngừng nâng cao hiệu quả thực hiện phương châm “Thầy tại nhà, thuốc tại chỗ”, kết hợp Đông Y với Tây Y trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cho nhân dân”- Chủ tịch Hội Đông Y TP Nguyễn Minh Sơn cho biết.

Lê Văn Thơm