Báo Công An Đà Nẵng

Thầy thuốc thương binh có trái tim nghệ sĩ

Thứ sáu, 22/04/2016 08:57

(Cadn.com.vn) - Thầy thuốc-nghệ sĩ" là biệt danh mà anh em văn nghệ sĩ Huế gọi bác sĩ Nguyễn Tích Ý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Y Huế. Ông không làm nghệ thuật nhưng đích thực là một nghệ sĩ. Anh em gọi ông như thế vì ông yêu văn chương, và vì ông thân thiết với nhiều văn nghệ sĩ từ lúc là chàng trai đi kháng chiến. Năm 1945 ông vào bộ đội, chiến đấu và bị thương ở Đông Hà (thương binh loại 3/4). Sau đó ông được cử đi học trường Nhượng Bạn, Hà Tĩnh- là trường đạo tạo sĩ quan đầu tiên của cách mạng. Những năm 1948-1949, ở Liên khu Bốn thời lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn phụ trách là thời kỳ đặc biệt. Tướng Sơn có sức thu phục, quy tụ được trí thức, văn nghệ sĩ nhằm động viên bộ đội chiến đấu như Phạm Duy, Nguyễn Văn Tý, Bửu Tiến, Vũ Trọng Hối, Trần Hoàn, Hải Châu, Hữu Loan... Lúc đó ai cũng quý anh cu Đại (Nguyễn Đức Đại là tên cúng cơm của ông) thổi sáo, chơi đàn banio, mandolin, làm thơ ở Đoàn Thanh niên Quân tình nguyện Liên khu 4.  Sau này, khi vào vùng địch hậu công tác ông lấy tên là Nguyễn Tích Ý (tên mẹ)...

Bác sĩ Nguyễn Tích Ý (người cầm gậy). 

Thầy thuốc Nguyễn Tích Ý chơi rất thân thiết với nhiều văn nghệ sĩ như Phùng Quán,  Hoàng Phủ Ngọc Tường, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hải Bằng, Nguyễn Trọng Tạo, họa sĩ Trương Bé, Nguyễn Khắc Thạch, Nhất Lâm, võ sư-nhà văn Nguyễn Văn Dũng. Nguyễn Quang Hà, Ngô Minh... Sinh thời, Phùng Quán ở Hà Nội in được cuốn sách nào cũng gửi vào Huế tặng ông. Đi đâu ông cũng mang theo cái túi dết trong đó có các tập thơ được tặng. Hồi đang đương chức, có lúc đã 12 giờ đêm, ông gõ cửa nhà tôi. Tôi thức dậy mở cửa, ông "suỵt, suỵt" ra hiệu im lặng vì sợ vợ tôi nghe tiếng, rồi kéo tôi xuống chợ Bến Ngự ngồi uống rượu để nghe ông đọc bài thơ vừa mới viết. Ông chỉ làm thơ để chơi, để vui. Đọc xong thơ là nâng cốc cười sang sảng. Có lẽ ông tìm thấy môi trường nghệ sĩ ấy sự vô tư, trong sáng, hợp với tâm hồn người thầy thuốc chăng?

Ông nhớ ngày sinh, ngày mất của từng người. Dù tuổi cao, mặc mưa gió, ông vẫn thuê xe thồ từ Tiên Nộn đi  8 cây số về Huế để viếng mẹ nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ qua đời; cứ vài tuần lại lên thăm Hoàng Phủ Ngọc Tường... Ông coi nhà thơ Hải Bằng như người em trai. Hồi còn công tác, ông đi nước ngoài về, bao giờ cũng mua quà cho nhà thơ, khi thì cái mũ dạ, khi thì lọ thuốc bổ.  Hải Bằng đau nằm viện ông chăm sóc từng ngày. Nhà thơ mất, ông thức suốt đêm chỉ huy việc khâm liệm, sắp đặt việc tang, rồi đích thân đứng chủ lễ tang. Ông sống như thế nên anh em văn nghệ sĩ ai cũng yêu ông như một người bạn vong niên thân thiết. Sinh thời, mỗi lần sinh nhật ông, Hải Bằng làm một bài thơ tứ tuyệt rồi buộc vào cổ chai rượu  mang đến mừng sinh nhật người anh kết nghĩa: Uống cạn trời xanh vào nỗi nhớ / Trăng ngà đổ bóng xuống dòng say/Hồn trăng thao thức nồng hơi thở / Bến cũ cầm canh chén rượu đầy... Thầy thuốc Nguyễn Tích Ý hay đọc cho tôi nghe châm ngôn sống: "Mạnh Tử dạy "Có trồng cây đức mới dày nền nhân"  hay  "Cái buồn ta gạn, cái vui ta bòn". Ông chép những "lời hay ý đẹp" của các danh nhân thế giới đó vào một cuốn sổ, rồi photo ra để tặng các con, coi như "tài sản để lại".  Sau Tết Bính Thân, tôi có làm bài thơ ngắn tặng ông:

Một thời chữa bệnh cứu người

Già ngồi ghi chép bao lời cho con

Lời hay ý đẹp sắt son

Thấm vào tim, thấm vào hồn, người ơi

Các con khôn lớn nên người

Cám ơn tài sản tuyệt vời của cha!

Ông có 4 người con gái đều là tiến sĩ, bác sĩ, cũng đều yêu mến văn nghệ sĩ như bố. Sống với tâm hồn nghệ sĩ như thế nên có người tưởng ông là "người ham chơi" nhưng không phải thế bởi nghệ sĩ là chất sống rất đáng yêu của ông. Còn về nghề thuốc, ông là bác sĩ chuyên khoa II ngoại tổng hợp, giỏi có hạng. Ông là một trong hai bác sĩ ở miền Bắc lúc đó được chọn đi học Trường Nguyễn Ái Quốc. Ông là bác sĩ phẫu thuật có "bàn tay vàng" nổi tiếng Nam Hà một thời, từng là Giám đốc Bệnh viện Nam Hà I trong những năm 60- 70 của thế kỷ trước. Ông nổi tiếng đến độ, báo Nhân Dân năm 1973 in bài viết đại ý "người dân Nam Hà yêu mến gọi bác sĩ Ý là "người thầy thuốc của dân", dù hồi đó chưa phong "thầy thuốc ưu tú", "thầy thuốc nhân dân" như bây giờ. Năm 1999, VTV1 có phim "Người làng Tiên Nộn" dài 29 phút về ông. Đầu năm 1975,  ông được Bộ Y tế điều đi B vào chiến khu Thừa Thiên Huế để chuẩn bị tiếp quản Học viện Y Huế. Ông  đùa: "Mình là người đi B cuối cùng!". Sau giải phóng, ông vừa làm phó Giám đốc Học viện Y Huế vừa trực tiếp cầm dao mổ suốt 18 năm liền, cho đến khi hưu... Nửa thế kỷ làm thầy thuốc, ông đã cứu sống hàng ngàn bệnh nhân bằng bàn tay mổ tài hoa của mình. Nghỉ hưu, ông về làng Tiên Nộn sống với hoa lá cỏ cây sông nước, đọc sách, ngâm thơ như một ẩn sĩ. Ở đây ông cùng cô em gái chăm lo thờ cúng tổ tiên, mong trọn chữ hiếu trong những năm tháng cuối đời... Về làng, ông đã viết thư vận động bạn bè mình và những người Tiên Nộn xa quê ủng hộ được 86 triệu đồng để làm con đường từ làng ra nghĩa trang, vận động các nhà văn ủng hộ sách cho thư viện trường tiểu học xã Phú Mậu. Nghĩa cử cao đẹp đó được người làng Tiên Nộn nhắc mãi...

Ông thường tâm niệm một ngạn ngữ phương Tây: Hương các loài hoa không thể bay ngược gió. Hương người đức hạnh đi ngược gió bay muôn phương. Và ông đã sống đúng như thế...

Ngô Minh